Chăn Nuôi Việt Nam Đang Gặp Khó
Sáng 28/5, tại TP Cao Bằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị “Đánh giá thực trạng ngành chăn nuôi hiện nay và định hướng phát triển chăn nuôi 2013 - 2015”.
Đa số đại biểu cho rằng: Thực trạng sản xuất chăn nuôi của nước ta thời gian qua biến động nhiều theo chiều hướng tăng năng suất, sản lượng nhiều hơn tăng quy mô đầu con. Tuy nhiên, dịch bệnh phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng, gây tâm lý lo ngại với người chăn nuôi và người tiêu dùng sản phẩm; hơn nữa khủng hoảng kinh tế làm giảm sức mua của thị trường thực phẩm khiến người chăn nuôi thua thiệt; giá các nguyên liệu đầu vào, nhất là nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng, người chăn nuôi thiếu vốn trong khi lãi xuất tín dụng còn cao…
Phó Cục trưởng chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho biết, khu vực trung du và miền núi phía Bắc có thế mạnh về phát triển gia súc ăn cỏ, là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát triển nhiều loại vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao như bò Mông, lợn mán, gà đồi, dê núi…Dù vậy, trong quá trình phát triển chăn nuôi, vùng này cũng bộc lộ những bất cập như chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao cả về số lượng đầu con và sản lượng thịt (năm 2011, tỷ lệ chăn nuôi lợn với quy mô từ 1 đến 2 con vẫn chiếm 52 %; chăn nuôi gà với quy mô từ 1 đến 19 con vẫn chiếm 50%); vấn đề kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới hiện hữu trong bối cảnh sản phẩm chăn nuôi rớt giá lâu và sâu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Đàm Văn Eng cho biết, ngành chăn nuôi chiếm 30 % tổng giá trị sản xuất nông nghiệp Cao Bằng. Điều trăn trở lớn nhất của Cao Bằng hiện nay là vừa phải quyết liệt ngăn chặn giống gia cầm nhập lậu, vừa chủ động nguồn giống bởi hiện nayCao Bằng chưa có cơ sở sản xuất giống gia cầm và nhân dân vùng biên giới thiếu giống trầm trọng. Để đảm bảo việc phát triển chăn nuôi hiệu quả ổn định, về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để kêu gọi nhà đầu tư trong nước tổ chức sản xuất giống gia cầm tập trung tại chỗ tại vùng miền núi, biên giới.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái Trần Đức Lâm cho rằng, việc phát triển chăn nuôi hiệu quả phải dựa vào phương châm ba chống: chống dịch, chống rét và chống nhập lậu. Theo ông Lâm, những năm vừa qua, số lượng gia súc chết rét gấp hàng chục lần so với chết do dịch. Chính vì vậy cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi khu vực trung du miền núi phía Bắc. Để hạn chế việc nhập lậu sản phẩm chăn nuôi không rõ nguồn gốc, phải thực hiện quy hoạch chăn nuôi để cân bằng theo hướng nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương nêu rõ: mục tiêu giai đoạn 2013 - 2015 là nhằm tái cơ cấu sản xuất chăn nuôi phù hợp kinh tế thị trường, đáp ứng cơ bản các thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng và nâng cao thu nhập của người nông dân , gắn phát triển chăn nuôi với xây dựng nông thôn mới.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám khẳng định, ngành chăn nuôi đang cả nước đang gặp khó khăn. Do chăn nuôi tự phát, giá cao thì tăng đàn ồ ạt dẫn đến giá con giống tăng, giá thấp thì giảm đàn dẫn đến khủng hoảng thiếu. Việc sử dụng chuồng trại chưa hợp lý, không theo quy chuẩn; quản lý giống bất hợp lý; sử dụng thuốc thú y vô tội vạ, thị trường phụ thuộc lớn vào Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với nhiều địa phương nhằm đưa ra biện pháp hữu hiệu. Về nguồn giống chăn nuôi, nhất thiết phải có sự hỗ trợ của Trung ương để cung ứng giống vật nuôi tại chỗ cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Hiện Bộ có quy định hỗ trợ cho cả những doanh nghiệp tư nhân thực hiện việc sản xuất giống tại các khu vực trên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề này tại ba khu vực trong cả nước, từ đó thống nhất các giải pháp, định hướng đưa ngành chăn nuôi vượt qua khó khăn, phát triển ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Từ ngư dân chính hiệu, họ tự tìm tòi, học hỏi đã trở thành những người nuôi tôm giỏi, vươn lên làm giàu trên vùng cát quê hương. Tạm gọi họ là những “kỹ sư” chân đất.
Dọc vùng ven biển Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), những cánh rừng ngập mặn đã bắt đầu vươn lên xanh tốt. Dưới tán rừng, các loài thủy sản được người dân thả nuôi đang mang lại hiệu quả cao.
Ngày 19/7, kỹ sư Phạm Duy Phượng, giảng viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa (Phú Yên), cho biết, sau hơn nửa năm chế tạo thành công bộ thiết bị gây tê cá ngừ đại dương bằng điện, đến nay, ông đã chế tạo được hơn 30 bộ gây tê cá ngừ, cung cấp cho ngư dân trong tỉnh và ngoài tỉnh. Giá mỗi bộ thiết bị 25 triệu đồng, thấp hơn ba lần so với thiết bị cùng loại do Nhật Bản sản xuất.
Báo cáo của Chi cục Thủy sản cho thấy, nuôi cá lồng bè phát triển ổn định cả sản lượng và giá cả, trong khi nuôi cá tra tiếp tục thua lỗ.
Từ thổ nhưỡng thuận lợi và kinh nghiệm sẵn có, nông dân xã Phú Thuận (An Giang) đang phục hồi, mở rộng vùng nuôi tôm càng xanh 502 héc-ta, trở thành vùng chuyên canh lúa-tôm lớn nhất tỉnh.