Trở thành triệu phú nhờ nuôi vịt trời

Nay nghe nói nuôi vịt trời lắm người không tin, nhưng thực tế là ở thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh có ông Nguyễn Văn Xứng (61 tuổi), đã nuôi vịt trời từ 5 năm nay và đã giàu lên nhờ đàn thủy cầm này.
Sau mấy năm cùng đồng đội mở đường, vận chuyển vũ khí và hàng hóa, cáng tải thương bệnh binh trên các tuyến đường Trường Sơn trong những năm chống Mỹ, năm 1973 người lính thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Văn Xứng trở về quê hương.
Cuốc cày ruộng đồng chưa trọn một năm, anh lại hăng hái gia nhập lực lượng Hải quân bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Hoàn thành nhiệm vụ, cuối năm 1976, chiến sĩ Nguyễn Văn Xứng được ra quân, đến mùa hè năm 1977, anh kết duyên với cô cựu TNXP hẹn thề từ những năm ngày đêm “xẻ dọc Trường Sơn”.
Cuộc sống nơi vùng đất nghèo thôn Hữu Tân luôn đeo bám người nông dân từ bao đời trước.
Thôn được bao bọc bởi bốn bề là ruộng và hói hác, đầm phá; mùa mưa đường làng lầy lội, thôn biệt lập giữa đồng nước mênh mông. Ngoài làm ruộng và bẩy chim, đơm cá, ít ai trong thôn tìm ra hướng làm ăn mới. Với phẩm chất người lính, cựu quân nhân Nguyễn Văn Xứng không chịu cảnh đói nghèo.
Ông Nguyễn Văn Xứng bên mô hình nuôi vịt trời của gia đình.
Từ ngày mới lập gia đình ông xoay xở đủ nghề để vừa nuôi con vừa có dư dật trong cuộc sống. Bước ngoặt của kinh tế gia đình là từ mấy con vịt trời ông bắt được ngoài bờ hói vào cuối năm 2010.
Ngày đó, ông đưa 10 con vịt con về nuôi cẩn thận trong một chuồng lưới, sau hơn 7 tháng, những con vịt cái đẻ được mấy quả trứng đầu tiên.
Ông quá mừng vui vì đã thuần dưỡng được vịt trời, loại thủy cầm mà từ trước đến nay ở vùng quê này chưa một ai từng làm. Khi số trứng đã đủ nhiều, ông cho gà ấp và đã nở thành vịt con. Cứ thế, gia đình ông đầu tư chăm sóc đàn vịt, vịt lại đẻ, gà ấp và đàn vịt ngày càng nhiều thêm.
Ông theo dõi đàn vịt qua từng ngày, từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển để nắm bắt những đặc điểm của vật nuôi từ khâu thức ăn, dịch bệnh, thời kỳ vịt “ghép đôi”, làm tổ, sinh đẻ...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Xứng cho biết: “Vịt trời là loài thủy cầm sống hoang dã nên thức ăn của chúng cũng là thức ăn tự nhiên như cá, tôm, tép, ốc, chần chần.
Những thức ăn này lại có nhiều ở vùng đầm, phá, hói hác ở miệt quê Hữu Tân nên vịt ăn khỏe, béo và mau lớn. Đây là loài thủy cầm rất mạnh tính nên thời kỳ vịt “ghép đôi”, mỗi cặp trống mái chỉ ở riêng một ngăn trong chuồng, còn nếu mỗi ngăn có 3 con thì nhất định sẽ có một con bị cắn chết”.
Trên diện tích 0,8 ha đất chuyển đổi, ông Nguyễn Văn Xứng thuê máy đào đắp thành 4 hồ, xung quanh có bờ bao, chuồng trại cho vịt và lưới che chắn.
Dưới hồ ông nuôi cá chép, trắm cỏ, cá mè, trên mặt nước là từng đàn vịt trời to nhỏ theo từng lứa bơi lội.
Hàng ngày, ông và người nhà cho vịt ăn, gần gũi với vịt nên dẫu có con nào bay ra khỏi chuồng tối ngày nó cũng bay về lại với đàn, với tổ, với nơi nuôi dưỡng.
Từ khi vịt nở đến 5 tháng sau, mỗi con nặng từ 0,7kg đến 1kg (thời kỳ thịt vịt đen sẩm) là xuất bán.
Vịt trời của ông Nguyễn Văn Xứng nuôi chủ yếu nhập cho các nhà hàng ở Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình và một số nhà hàng trong tỉnh.
Do vịt của ông không cho ăn bột mà chỉ ăn những thức ăn tự nhiên, tươi sống nên chất lượng thịt tốt, thơm ngon, khách mua nhiều, giá thành cao, bình quân 300 nghìn đồng/con. Năm 2014, gia đình ông thu trên 250 triệu đồng từ bán vịt trời.
Hiện tại, trong trang trại của ông có 200 vịt bố mẹ và 1.200 vịt thương phẩm cùng hàng trăm vịt con.
Ông Xứng dự tính, trong năm 2015 này ông sẽ xuất bán 2.000 con, thu về khoảng từ 500 - 600 triệu đồng. từ đầu năm 2015 đến nay, ông đã bán trên 600 con vịt trời.
Từ mô hình nuôi vịt trời của ông Nguyễn Văn Xứng mang lại hiệu quả kinh tế cao, xã Tân Ninh đang có kế hoạch nhân rộng.
Ông Dương Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Ninh bày tỏ “Địa bàn xã Tân Ninh vừa gần sông lại có nhiều hói hác, ruộng trũng, nguồn thức ăn tự nhiên cho vịt nhiều nên rất thuận lợi cho việc nuôi vịt trời.
Hội Nông dân xã sẽ tổ chức cho hội viên các chi hội tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi vịt trời của ông Nguyễn Văn Xứng để nhân rộng”.
Trước đây, vịt đẻ ra ông Xứng cho gà ấp, đầu năm nay ông ra Hà Nội mua 2 lò ấp trứng hiện đại, máy ấp tự đảo trứng, vịt nở đều.
Vịt nở ra ông sẽ nuôi và cung cấp vịt giống cho người mua. Ông Nguyễn Văn Xứng đang có kế hoạch đắp thêm bờ đê cao hơn để chống lũ lụt và làm thêm chuồng trại để bảo đảm chăn nuôi vịt trời với quy mô lớn hơn.
Cựu quân nhân Nguyễn Văn Xứng cũng đang thuần dưỡng 5 con le le, một giống thủy cầm hoang dã khác để nhân rộng thành đàn.
Có thể bạn quan tâm

Theo Dự án Phục hồi và phát triển rừng ngập mặn (RNM) ven biển giai đoạn 2011 - 2015 của Sở NNPTNT Khánh Hoà thì toàn tỉnh sẽ trồng mới 600ha RNM, nâng tổng diện tích RNM tập trung lên 625ha.

Xã Bình Khê vốn là vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất của huyện Đông Triều, riêng diện tích trồng vải của xã là 500 ha. Những năm được mùa vải như năm 2011, sản lượng đạt khoảng 5.000 - 6.000 tấn. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch càng lớn thì nỗi lo “được mùa - mất giá” lại càng nhiều. Giá bán vải quá thấp chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg

Mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả ở Đại Đức (Hải Dương) đem lại hiệu quả kinh tế khá, đời sống người dân được cải thiện...

Giá cá tra ở ĐBSCL sau ba tháng giảm, một tháng cầm cự, từ đầu tháng 10/2011 tiếp tục tăng mạnh lên 27.000 đồng/kg cá loại 1 và các nhà máy chế biến xuất khẩu lại trở nên sôi động

Huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau là nơi có diện tích nuôi tôm xen canh với nuôi cua lớn nhất của tỉnh Cà Mau, với hơn 25.600 ha. Nơi đây còn là đầu mối tập kết của hàng trăm thương lái trong tỉnh, hàng ngày thu gom cua ở các vuông tôm vận chuyển đến bán cho các chủ vựa thu mua cua tại thị trấn Năm Căn