Triệu phú sầu riêng
Với 2 mẫu vườn sầu riêng xanh tốt là tài sản mơ ước đối với nhiều người và là kết quả quá trình cần cù lao động của gia đình ông Đây. Lập nghiệp với 5 công đất ruộng cha mẹ cho lúc ra riêng, vợ chồng ông cần mẫn lao động để có thêm thu nhập. Những ngày đầu khởi nghiệp, như những nông dân khác trong vùng, ông vất vả với nghề trồng lúa nhưng thu nhập không cao do cỏ dại nhiều, cây lúa kém phát triển. Vợ chồng ông phải luân canh cây màu và tích lũy để có điều kiện mở rộng diện tích đất canh tác.
Từ năm 1990, đa số nông dân xã Ngũ Hiệp chuyển đất ruộng sang chuyên canh sầu riêng, ông Đây cũng lên mô trồng sầu riêng khổ qua xanh. Thời gian đầu để lấy ngắn nuôi dài, diện tích còn lại ông vẫn sạ lúa, trồng rẫy. Muốn cây lành cho trái ngọt không phải dễ dàng khi ông chưa có nhiều kinh nghiệm trong chuyển đổi cây trồng. Sau khi chuyển sang chuyên canh sầu riêng là những ngày ông đi hết vườn này đến vườn khác học hỏi và đúc kết kinh nghiệm trong thực tế sản xuất.
Khó khăn chưa dừng lại ở đó, sau thời gian cho thu nhập ổn định, sầu riêng khổ qua xanh không còn được thị trường ưa chuộng, năm 2005, ông Đây cải tạo lại vườn, chuyên canh giống sầu riêng Ri6 và Mongthong. Hơn 20 năm gắn bó với nhiều bước thăng trầm loại cây trồng đặc sản này, ông Đây nhận thấy, cây sầu riêng giúp nông dân làm giàu nhanh chóng nhưng không phải ai cũng thành công.
Theo kinh nghiệm của ông, để sầu riêng cho năng suất và trái chất lượng cao, phải biết áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Sau khi thu hoạch, phải chọn lọc, cắt tỉa những cành ốm yếu, bón phân, tưới nước đúng lúc, đúng liều lượng để dưỡng cây trước khi xử lý ra hoa. Muốn có trái to tròn, không bị lép, khi cây ra hoa, nở nhụy, ông tiến hành thụ phấn bổ sung. Nếu phát hiện cây có dấu hiệu của mầm bệnh, phải theo dõi chặt chẽ để kịp thời xử lý, nhằm kéo dài tuổi thọ của cây.
Xử lý nghịch vụ để "đón giá" là biện pháp tránh rủi ro trong tiêu thụ nhưng nhà vườn không nên vội vàng để tránh suy cây. Vững kỹ thuật chăm sóc, mức thu nhập của ông Đây tăng theo từng năm. Hiện nay 70% diện tích vườn của ông đang bước vào giai đoạn cho trái ổn định, trung bình mỗi năm ông thu hoạch trên 30 tấn trái, lợi nhuận hơn 500 triệu đồng. Vụ này, ông dành nửa diện tích để xử lý nghịch vụ, diện tích còn lại vẫn để cây cho trái vụ thuận, đảm bảo về thị trường tiêu thụ.
Kinh tế gia đình ổn định là điều kiện để ông Đây đóng góp cho xã hội. Năm 2012, ông tự nguyện hiến 700m2 đất để xây dựng điểm Trường Mẫu giáo Ngũ Hiệp ở ấp Long Quới, tạo điều kiện học hành thuận lợi cho các cháu nhỏ. Từng có bước khởi đầu khó khăn khi chuyển đổi giống cây trồng, ông luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm với những nông dân khác để cùng phát huy lợi thế kinh tế của cây sầu riêng trên vùng đất cù lao.
Có thể bạn quan tâm
Với sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nhiều nông dân trong tỉnh đã biến những khó khăn thành lợi thế
Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, chỉ sau 6 năm, trải qua bao phen “sấp ngửa”, Trần Hữu Đức đã có 3 trại gà lý tưởng, lãi ròng trên 1,5 tỷ đồng/năm
Là người đầu tiên đưa giống chim cút về nuôi ở vùng ven biển bãi ngang sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, mô hình nuôi chim cút của chị Lê Thị Mai Ly
Khởi nghiệp rất ít vốn nhưng nhờ sự kiên trì, không ngại khó, nông dân Nguyễn Quang Khôi ở Bắc Giang trở thành chủ 3 cơ sở ương cá giống cho lãi khá.
Nhờ sáng tạo, dám nghĩ dám làm, gần 10 năm qua, ông Lê Đức Giáp ở thôn Bãi, xã Cao Viên (Thanh Oai, Hà Nội) đã ghép thành công nhiều loại quả trên cùng một gốc