Người Nuôi Cá Lồng Bè Kéo Ghe Ra Sông Phản Đối Việc Hút Cát Gây Ô Nhiễm

Khoảng 8 giờ ngày 8-7, người dân nuôi cá bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) đi trên hàng chục chiếc ghe kéo ra sông để phản đối việc Công ty CP Hoàng Linh hút cát vì cho rằng việc hút cát gây ô nhiễm nguồn nước - nguyên nhân làm xảy ra nhiều vụ cá lồng bè bị chết hàng loạt.
Tại thời điểm này, trên sông Chà Và có 6 ghe đang hút cát và 3 xà lan neo đậu đợi lấy cát (trong đó 2 xà lan đã có cát). Khi người dân kéo đến nơi, các ghe đang hút cát đồng loạt kéo ống hút lên rồi cùng 2 xà lan bỏ chạy ra hướng vịnh Gành Rái. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty CP Hoàng Linh được UBND tỉnh cho phép khai thác cát nhiễm mặn từ năm 2007 trên diện tích 40ha (khu vực 1 có diện tích 30,3ha, khu vực 2 là 9,7ha).
Nhưng từ tháng 1-2013, UBND tỉnh đã ra quyết định yêu cầu Công ty CP Hoàng Linh tạm ngưng khai thác cát nhiễm mặn ở khu vực 1 để chờ Viện Môi trường và Tài nguyên xác định nguyên nhân cá nuôi lồng bè chết trên sông Chà Và. Sau nhiều tháng không khai thác cát tại khu vực 1, mới đây Công ty CP Hoàng Linh đã hợp đồng với 6 ghe hút cát để khai thác ở khu vực 2.
Nhưng người dân nuôi cá lồng bè cho biết, các ghe này thực chất không khai thác cát trong khu vực 2 mà tổ chức hút cát ở khu vực 1 và ngoài luồng cho phép khiến nước sông ô nhiễm, ảnh hưởng đến cá đang nuôi. Anh Hoàng Minh Thành, một hộ nuôi cá và tôm sú lồng bè bức xúc cho biết: “Những ngày vừa qua, sáng nào cũng có ghe đến hút cát gần khu vực chúng tôi nuôi cá. Nguồn nước tại các bè nuôi bị ô nhiễm nên cá lừ đừ, không chịu ăn.
Nếu tình trạng hút cát này kéo dài thì nước sông sẽ tiếp tục ô nhiễm và cá nuôi của người dân nơi đây chết hết”. Tiếp lời anh Thành, anh Trần Văn Giang (nuôi cá trên sông Chà Và hơn 3 năm) cho biết: “Các ghe này hút cát không đúng vị trí cho phép nên mỗi khi thấy chúng tôi ra là họ rút ống bỏ chạy vào vị trí 1, nơi đã được Công ty CP Hoàng Linh thả phao làm dấu. Do không có cơ quan chức năng giám sát nên họ hút cát bậy, hút sai vị trí”.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Công ty CP Hoàng Linh cho biết: “Từ khi UBND tỉnh yêu cầu công ty tạm ngưng khai thác cát ở khu vực 1, phía công ty đã chấp hành. Mới đây, chúng tôi có ký hợp đồng với 6 ghe hút cát để ra khu vực 2 khai thác cát. Việc các ghe này có hút đúng vị trí chúng tôi thả phao hay không, chúng tôi không biết, vì lâu lâu tôi mới ra vài lần. Còn các xà lan là của đơn vị mua lại cát…”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Lê Văn Sâm, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, Sở vẫn chưa nghe phản ánh về tình trạng này, Sở sẽ tiến hành kiểm tra, xem xét về vấn đề này. Còn ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: “Hiện tại Công ty CP Hoàng Linh khai thác cát nhiễm mặn trên sông Chà Và ở khu vực 2 là vị trí vẫn còn cho phép. Tuy nhiên, nếu người dân nuôi cá lồng bè có cơ sở đầy đủ cho thấy việc Công ty CP Hoàng Linh khai thác cát không đúng vị trí, chúng tôi sẽ đề nghị UBND tỉnh nhanh chóng rút giấy phép hoạt động khai thác cát của công ty này”.
Có thể bạn quan tâm

Sáng ngày 8/8, Hội Thủy sản Trà Vinh tổ chức hội nghị tổng kết chương trình chuỗi cung ứng cá tra bền vững và trao Giấy chứng nhận Global GAP cho nhóm nông hộ nuôi cá tra (còn gọi là tổ hợp tác nuôi cá tra Trà Vinh), gồm: ông Giang Văn Bảy, ông Nguyễn Văn Hồng, ông Trần Văn Truyền, xã Tân Hòa, Tiểu Cần; ông Lê Văn Thắng, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, tổng diện tích nuôi hơn 10.000ha.

Trong bối cảnh hàng loạt nông sản của VN rớt giá, cái tên mắc-ca gần đây được nhắc đến nhiều hơn như một loại cây trồng có lợi nhuận cao và có thể mang về hàng tỉ USD mỗi năm. Nhưng đây là loại cây thế nào và có thật sự dễ dàng kiếm tiền như vậy?

Cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (thịt trắng, trọng lượng 0,8 - 0,9 kg/con) hiện chỉ còn 25.000 - 26.000 đồng/kg; cá có chất lượng thịt thấp hơn (thịt vàng) chỉ còn 24.000 - 24.500 đồng/kg, thậm chí có nơi rớt xuống mức giá 21.000 - 22.000 đồng/kg như vào thời kỳ tháng 5 năm nay, khi thừa mứa cá, rớt giá thê thảm.

Trong cuộc làm việc mới đây tại Phú Yên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh xem lại việc sản lượng cá ngừ đại dương liên tục giảm. Trong khi đó, tại địa phương, nhiều cử tri đề nghị tỉnh có những giải pháp thiết thực giúp ngư dân khai thác cá ngừ đại dương.

Những ngày này, chạy dọc theo con lộ từ Chi Lăng đến hương lộ 17, chúng ta dễ bắt gặp những giỏ mãng cầu (na) đầy ắp xếp thành từng đống hai bên đường chờ bán cho du khách. Mãng cầu trồng ở vùng Bảy Núi tuy trái không to, không đẹp nhưng lại rất thơm ngọt vì không sử dụng phân bón, thuốc BVTV, lại trồng trên núi, được xem là loại trái cây sạch ở vùng này.