Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triển Vọng Từ Mô Hình Sản Xuất Lươn Giống

Triển Vọng Từ Mô Hình Sản Xuất Lươn Giống
Ngày đăng: 08/07/2014

Chuyên môn là kỹ sư tự động hóa nhưng sức hút và niềm đam mê nuôi lươn đã trở thành động lực khiến anh trở thành “kỹ sư thủy sản” lúc nào không hay. Với việc tạo ra lươn sinh sản thành công, chàng trai trẻ Hồ Văn Trung đang phát triển mô hình nuôi lươn không bùn cho hiệu quả kinh tế cao…

Suốt 5 năm là sinh viên Khoa Tự động hóa, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chàng sinh viên vùng chiêm trũng Lý Thành (Yên Thành), trong một lần tình cờ đi thực tế với nhóm bạn, Hồ Văn Trung đã chứng kiến những mô hình nuôi lươn công nghiệp ở Đà Nẵng cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa.

Từ đó, ý tưởng đưa lươn về làng, trước hết giúp đỡ bố mẹ cải thiện cuộc sống gia đình, sau đó phát triển kinh tế được Trung nung nấu.

Ý tưởng thành hiện thực khi đến năm cuối trong đợt nghỉ làm khóa luận tốt nghiệp, Trung về nhà xây bể nuôi lươn. Tạo điều kiện để con trai thực hiện ý tưởng, ông Hồ Văn Lương (bố của Trung) phát quang vườn cùng con xây bể nuôi.

Đợt đầu xuống giống, chưa có kinh nghiệm, lại không đúng thời vụ, bể xây thiếu kỹ thuật nên khi xẩy ra dịch bệnh ở một số cá thể lươn thì không cứu được những con còn lại. Lặng lẽ đưa những mớ lươn bằng ngón tay bị bệnh cho trang trại nuôi ngan, số còn lại hai bố con phải mang đến góc vườn chôn xuống đất. Trung tâm sự: “Thời điểm đó thấy lươn bị bệnh chết đồng loạt, đưa từng xô đi chôn xót lắm anh ạ. Nhưng mình không thể bỏ cuộc được khi nhà nghèo đã đầu tư mấy chục triệu đồng rồi, còn vấn đề danh dự nữa...”.

Những thất bại ban đầu đã thôi thúc Trung trăn trở, tra cứu trên mạng về những kinh nghiệm nuôi lươn, lặn lội vào Đà Nẵng mua thuốc điều trị những bệnh thông thường xảy ra ở lươn.

Cũng từ thực tế nuôi, Trung rút kinh nghiệm sống còn trong nuôi lươn công nghiệp: khác với nuôi gia súc, gia cầm dịch bệnh có thể tiêm phòng, chữa trị từng con chứ đối với lươn thì hoàn toàn khác. Phòng bệnh là chính, ngoài việc phải đảm bảo môi trường sạch thì phải có chế phẩm vệ sinh bể tốt để hạn chế phát sinh dịch bệnh.

3 bệnh thông thường đồng thời xuất hiện trong quá trình nuôi lươn: bệnh tiêu hóa, bệnh đóng dấu và bệnh nấm thủy mi thì trang trại của Trung đều mắc phải. Rút kinh nghiệm từ đợt nuôi đầu tiên, mấy đợt nuôi sau từ nguồn lươn giống tự nhiên, Trung kỳ công thuần hóa, bằng cách cho ăn giảm dần thức ăn tự nhiên sang cho lươn ăn hoàn toàn thức ăn tự chế biến nên lươn lớn nhanh; chỉ sau 4-5 tháng trọng lượng đạt từ 1-1,5 lạng/con.

Thành công của Hồ Văn Trung là đã cho lươn sinh sản thành công, chủ động được nguồn giống cung cấp khi thị trường cần. Gần 10.000 lươn con nở ra sau 5-7 ngày ấp khiến Trung vô cùng sung sướng. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, ngay sau đó Trung phải đối mặt với khó khăn do thiếu nguồn  thức ăn cho lươn mới nở và khí hậu quá nóng.

Thức ăn của lươn mới nở là trứng nước, bọt nước nên rất khó khăn trong việc tạo nguồn, bị động nguồn thức ăn và yếu tố thời tiết khắc nghiệt (nhiệt độ quá cao) nên kết quả chưa được như mong muốn. Tỷ lệ lươn giống nuôi thương phẩm chỉ còn 10% (khoảng 1.000 con).

Trung cho biết: “Em biết là nuôi lươn sinh sản rất khó, tỷ lệ rủi ro cao, bởi hiện nay trên cả nước chỉ duy nhất Viện Thủy sản An Giang có nuôi lươn sinh sản. Nhưng việc em làm khẳng định phát triển nuôi lươn công nghiệp chúng ta có thể chủ động được nguồn giống, không quá phụ thuộc vào tự nhiên hay nguồn cung ở nơi khác”.     

Hiện tại, trên diện tích 300m2 bao gồm phần đất vườn và đất ruộng của gia đình, Hồ Văn Trung đã quy hoạch xây dựng thành 2 khu vực nuôi lươn độc lập: khu vực nuôi lươn không bùn, nuôi công nghiệp gồm 10 bể và khu vực nuôi lươn cộng sinh 10 bể. Nhờ chủ động nguồn thức ăn bằng việc chế biến từ nguồn cá biển và một số nguyên liệu khác nên lươn nuôi của Trung tỷ lệ sống cao, đều lươn và lớn nhanh.

Theo cách tính toán của chủ trang trại trẻ thì nuôi lươn công nghiệp thương phẩm ở đây khá thuận lợi khi nguồn lươn giống tự nhiên rất dồi dào, nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn (chủ yếu là cá biển) sẵn, giá rẻ, nguồn nước phục vụ chăn nuôi sạch, có sẵn... nhu cầu tiêu thụ thị trường lớn nên rất hiệu quả.

Mỗi năm, sản lượng từ các bể nuôi đạt trên 1.500 kg, với giá bán 150.000 đồng/kg tại chỗ, trừ chi phí Trung lãi 150 triệu đồng. Khó khăn hiện nay của chủ trang trại trẻ Hồ Văn Trung là vốn để kiến thiết xây dựng mở rộng trang trại, các bể chứa quy mô bài bản hơn để vừa đảm bảo đủ ấm vào mùa đông, nhưng thoáng mát vào mùa hè, khả năng cấp, thoát nước tốt để đảm bảo phòng dịch bệnh.

Hiện nay, trang trại vẫn chưa có sự hỗ trợ gì về các chương trình vay vốn qua các kênh, hay chương trình hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật nên việc phát triển mô hình mặc dù đã khẳng định hiệu quả nhưng cũng đang rất khó khăn.

Khi hỏi về dự kiến kế hoạch sắp tới, Trung vui vẻ chia sẻ: Em sẽ mở rộng trang trại lên quy mô gấp đôi, xây dựng mái che kiên cố, cải tạo hệ thống cấp thoát nước để cuối năm nay có thể nâng sản lượng lên trên 2 tấn lươn thương phẩm và một số lượng lươn giống khi thị trường có nhu cầu.

Em sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho nhóm bạn để cùng nuôi lươn chia sẻ kinh nghiệm, tạo sự liên kết gom nguồn hàng cung cấp đủ cho thị trường thường xuyên.

“Gác” bằng kỹ sư tự động hóa, Hồ Văn Trung về quê nuôi lươn. Trung là người đầu tiên cho lươn sinh sản thành công và đang có những tính toán mạnh dạn trong đẩy mạnh đầu tư kinh doanh nuôi lươn thương phẩm bằng công nghệ không bùn. Đây là điển hình thanh niên dám nghĩ, dám làm, lập thân, lập nghiệp làm giàu trên quê hương rất đáng trân trọng.


Có thể bạn quan tâm

Lỗi hẹn một mùa tiêu Lỗi hẹn một mùa tiêu

“Nếu chiều nay mưa, mời nhà báo ở lại ăn mừng cùng anh em chúng tôi”. Câu nói đùa nhưng lại là mong mỏi của những người trồng tiêu ở xã An Phú, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.

22/09/2015
Tỷ phú trồng bưởi ở Bàu Hàm (Đồng Nai) Tỷ phú trồng bưởi ở Bàu Hàm (Đồng Nai)

Gần 70 tuổi, lão nông Lầu Mộc Sáng vẫn chưa tính tới việc nghỉ ngơi. Ngày ngày, ông vẫn bận rộn tổ chức mọi hoạt động sản xuất và tính toán đầu ra ổn định cho vườn bưởi da xanh ruột hồng khoảng 5 hécta đang cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

22/09/2015
Với kinh nghiệm trồng chôm chôm nghịch vụ Với kinh nghiệm trồng chôm chôm nghịch vụ

Chính vì mạnh dạn thay đổi cây trồng, chọn giống đúng, xử lý nghịch vụ đúng kỹ thuật nên năm 2013, thu nhập từ 6 công chôm chôm, trừ chi phí còn lãi 78 triệu đồng, năm 2014, trừ chi phí còn lãi 110 triệu đồng.

22/09/2015
Đánh chất cấm trong chăn nuôi như công an đánh ma túy Đánh chất cấm trong chăn nuôi như công an đánh ma túy

Trước thực trạng về an toàn vệ sinh thực phẩm đang dấy nên như “điểm nóng”, trong cuộc giao ban nội bộ ngành, Bộ trưởng Bộ NNPTNT – Cao Đức Phát đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi.

22/09/2015
Lùng mua lợn nguyên lông giá cao gấp đôi để yên tâm thịt chuẩn Lùng mua lợn nguyên lông giá cao gấp đôi để yên tâm thịt chuẩn

Đặc sản lợn nguyên lông đang được các bà nội trợ chọn mua, mặc dù giá của chúng cao gấp đôi thịt lợn thường bán ngoài chợ.

22/09/2015