Triển vọng từ mô hình nuôi hươu lấy nhung

Vợ chồng ông Nguyễn Oai, bà Nguyễn Thị Hà ở đội 4, thôn Tích Tường được xem là một trong những gia đình tiên phong nuôi hươu lấy nhung ở xã Hải Lệ. Bà Hà cho biết: “Khoảng năm 2005, xem tivi thấy người ta nuôi hươu lấy nhung hiệu quả cao, lại phù hợp với vùng đồi nên vợ chồng tôi quyết định bán mấy chỉ vàng ra miền Bắc mua một cặp hươu giống, học hỏi thêm cách nuôi, điều trị bệnh thông thường để nuôi.
Cũng nhờ hươu dễ nuôi, ít bị bệnh, nguồn thức ăn lại sẵn có (lá cây, phụ phẩm hoa màu các loại, cỏ…) nên việc nuôi thuận lợi. Đến nay gia đình tôi đã cắt bán được rất nhiều nhung hươu và xuất bán hàng chục con hươu giống, trị giá mỗi con hươu giống hiện tại trên 15 triệu đồng”.
Ông Oai vừa đi cắt cỏ cho hươu về cũng tranh thủ góp chuyện: “Cũng nhờ đàn hươu mà gia đình tôi có nguồn thu nhập khá cao, nuôi được 3 đứa con học hành tới nơi tới chốn. Những năm gần đây tại xã chúng tôi cũng đã có nhiều gia đình khác làm chuồng nuôi hươu lấy nhung”.
Ông Oai cho biết, hươu nuôi sau khi tách mẹ chỉ sau hơn 1 năm là bắt đầu cho lấy nhung. Hiện tại giá một cân nhung là 14 triệu đồng, mỗi năm mỗi con cho từ 7 - 8 lạng, thậm chí hơn 1 kg nhung. “Tính ra, đàn hươu 6 con của gia đình tôi nuôi cũng cho thu nhập gần 100 triệu đồng từ bán nhung/năm, chưa kể bán giống. Trong khi đó công chăm sóc, thức ăn lại đơn giản hơn những con nuôi khác rất nhiều”, ông Oai hồ hởi cho biết thêm.
Được biết, hiện nhu cầu thị trường của nhung hươu cũng như con giống hươu là khá lớn nên đầu ra của loại con nuôi này rất thuận lợi. Nắm bắt nhu cầu này, những năm qua, chính quyền địa phương đã tích cực vận động người dân mạnh dạn phát triển mô hình nuôi hươu để nâng cao hiệu quả kinh tế. Gia đình anh Nguyễn Văn Nhân hiện có 10 con hươu lấy nhung, mỗi năm cũng có nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng từ bán nhung.
Anh Nhân cho biết, mô hình nuôi hươu lấy nhung được gia đình thực hiện cách đây vài năm khi nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. “Chuồng trại thì cũng như nuôi trâu bò thôi, chỉ khác là nuôi hươu phải nhốt hoàn toàn, cứ mỗi con nhốt một ô chuồng. Thức ăn thì tự kiếm quanh vườn, ngoài đồng ruộng. Loài này cũng sinh sản bình thường như trâu, bò, miễn trong đàn có ít nhất một con đực để giao phối. Cũng nhờ nuôi hươu mà mấy năm gần đây kinh tế gia đình tôi khấm khá hẳn lên, thu nhập đều đặn”, anh Nhân vui vẻ nói.
Theo anh Nguyễn Văn Hùng, một trong những gia đình đang nuôi 8 con hươu lấy nhung ở thôn Tích Tường cho biết, nuôi hươu không khó, bởi chúng không kén thức ăn, có khả năng ăn tất cả các loại lá cây, rau và cỏ. Hơn nữa chúng vốn là động vật hoang dã nên sức đề kháng cao, ít khi bị bệnh, dễ dàng cho việc chăm sóc. “Một con hươu trưởng thành trong một ngày ăn khoảng 5 - 7 kg cỏ, phụ phẩm từ hoa màu hoặc lá cây, vào mùa cắt nhung thì cho chúng ăn thêm từ 300 - 500g tinh bột/ngày (cám gạo hoặc cám ngô) và những loại lá cây có nhiều nhựa như sung, mít, đu đủ… thì chất lượng nhung sẽ tốt hơn.
Nhu cầu nhung hiện rất lớn, hầu hết nhung cắt bán đều đã có khách đặt trước nên không lo đầu ra”, anh Nhân chia sẻ. Qua tìm hiểu, những nông dân nuôi hươu ở xã Hải Lệ cho biết, một năm thường thu nhung một lần chính và một lần phụ. Nhung thu đợt chính từ khi mọc đến khi cắt mất khoảng 50 - 55 ngày (nhung cho chất lượng tốt nhất là khi cao khoảng 22 - 25 cm).
Sau khi cắt đợt 1 thì khoảng 20 - 30 ngày cắt đợt 2 (đợt phụ và gọi là nhung chồi), tuy nhiên lượng nhung thu được ít và tuỳ vào thể trạng, độ tuổi từng con hươu mới cho nhung đợt 2. Khi cắt nhung phải dùng dụng cụ sắc và được khử trùng cẩn thận. Khi cắt đồng thời phải tiến hành cầm máu nhanh để tránh mất sức cho hươu. Sau đó cho hươu ăn bổ sung thêm thức ăn tinh bột để giúp chúng nhanh hồi sức.
Anh Hồ Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Lệ cho biết, hiện toàn xã có 10 mô hình nuôi hươu lấy nhung với tổng đàn khoảng 67 con. Anh cho biết thêm: “Nuôi hươu lấy nhung bắt đầu xuất hiện tại địa phương từ khoảng gần 10 năm nay, tuy nhiên mô hình này chỉ thật sự phát triển mạnh từ khoảng 3 năm nay.
Đây là mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc chăn nuôi lại ít tốn chi phí, chăm sóc dễ dàng nên đang được nhiều bà con nông dân địa phương ưa chuộng. Tuy nhiên do giá thành của hươu giống còn khá cao nên hiện chưa có nhiều gia đình tham gia. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích đồng thời tìm các nguồn vốn để hỗtrợ người dân phát triển hơn nữa mô hình chăn nuôi có nhiều triển vọng này”.
Có thể bạn quan tâm

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chín tháng qua đã đạt 22,7 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2013 và dự kiến cả năm có thể cán mốc 30 tỷ USD.

Gia đình ông Nguyễn Vân ở thôn 8 hiện có hơn 1.000 trụ tiêu đều phát triển tốt, nhiều năm nay, trung bình luôn cho sản lượng 4 tấn. Theo ông Vân thì hồ tiêu là cây trồng khó tính, đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ chặt chẽ những kỹ thuật trong tất cả các khâu từ chọn giống, chuẩn bị đất đai, trồng và chăm sóc.

Đầu năm 2014, bản Nậm Nèn 1, xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà bắt đầu xuất hiện một số mô hình nuôi tằm ăn lá sắn. Đến nay, sau hơn nửa năm, các mô hình ấy đều đang phát triển tốt, người dân đã thu hoạch được nhiều lứa tằm thịt, tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể trong thời điểm nông nhàn.

Dù mới được thành lập và đi vào hoạt động được gần 2 năm nhưng mô hình Câu lạc bộ (CLB) giống cây trồng tại xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc hỗ trợ giống, kinh nghiệm sản xuất cho nông dân trong xã. CLB cũng góp phần phát triển kinh tế và nâng cao đời sống hội viên nông dân trên địa bàn.

Theo bà con nông dân, năng suất hoa màu năm nay tương đối khá nhưng giá cả bấp bênh, đặc biệt là càng gần cuối vụ, một số loại hoa màu như hành lá, ớt, bắp lai rớt giá nên bà con có lãi ít, thậm chí một số diện tích phá huề.