Hạn đến sớm, mặn xâm nhập sâu và kéo dài
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi phát biểu kết thúc hội nghị
Theo ý kiến đánh giá của các nhà khoa học, đại diện các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng tại Hội nghị “Hội đồng Quản lý Hệ thống Thủy lợi Quản lộ - Phụng Hiệp năm 2015”, mùa hạn năm nay sẽ đến sớm, mặn sẽ xâm nhập sâu và kéo dài.
Hội nghị diễn ra vào sáng ngày 18/11, tại TP.Cà Mau do Tổng cục Thủy lợi kết hợp cùng Sở NN-PTNT Cà Mau chủ trì.
Hạn đến sớm
Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, mùa khô 2014 – 2015 bắt đầu sớm vào đầu tháng 12/2014.
Mùa mưa năm 2015, lại đến muộn hơn cùng kỳ và TBNN khoảng gần 1 tháng (vào tháng 5).
Từ đầu mùa mưa đến nay lượng mưa, diện mưa phân bổ không đều, phần lớn lượng mưa tại các địa phương trong tỉnh thấp hơn cùng kỳ khoảng 6 – 7%, so với TBNN từ 17 – 21%.
Nói về kế hoạch điều tiết nước trên địa bàn, ông Lê Tự Do, Giám đốc Trung tâm QL Khai thác Công trình Thủy lợi Bạc Liêu cho biết: Mùa khô năm 2015-2016 khả năng mặn xâm nhập sớm, sâu và kéo dài.
Nguồn nước ngọt về bán đảo Cà Mau khó khăn.
Trại Sóc Trăng, 10 tháng đầu năm 2015, trên kênh Quản lộ - Phụng Hiệp đã có 9 đợt mặn xâm nhập từ phía tỉnh Bạc Liêu vào thị xã Ngã Năm.
Trong đó, hai đợt mặn xâm nhập (ngày 24/4 – 12/5/2015 và 16/5 – 1/6/2015), mặn vượt qua 5 ngả vào sâu nội đồng kết hợp với thời tiết nắng nóng đã gây thiệt hại 371,92 ha lúa hè thu.
Ông Hồng Minh Nhật, Trưởng phòng Kinh tế TX Ngã Năm đánh giá, tình hình xâm nhập mặn tại địa phương là rất phức tạp, kéo dài đến tận tháng 9 vẫn còn tiếp diễn (thường tháng 7 kết thúc).
Hiện tại nhiều nơi của Ngã Năm đang thiếu nước phục vụ SX.
Theo ông Nhật, với tình hình này mặn sẽ xâm nhập sâu qua Ngã Năm vào tới huyện Mỹ Tú.
Tại hội nghị, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam và Viện Khoa học Biển đều nhất trí với khả năng xâm nhập mặn đến sớm và kéo dài ở vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp.
Kết quả quan trắc của Viện Kỹ thuật Biển cho thấy, vào các tháng 3, 4, 5, 6 năm 2015, môi trường nước trong vùng có nhiều biến đổi phức tạp.
Hiện tượng xâm nhập mặn diễn ra khá phổ biến vào mùa khô và kéo dài sang cả các tháng đầu mùa mưa.
Viện Kỹ thuật Biển dự báo, các cửa sông gần vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp sẽ chịu ảnh hưởng của các đợt triều cường mạnh vào cuối các tháng 10, 11, 12/2015, kết hợp với gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh dẫn đến mặn sẽ về sớm.
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, có khả năng khô hạn gay gắt sẽ xuất hiện trong các tháng 2-4/2016.
Theo Đài KTTV Nam Bộ, mùa mưa có thể sẽ kết thúc vào đầu tháng 11/2015, sớm hơn trung bình nhiều năm và tổng lượng trong mùa khô có khả năng thấp hơn so với TBNN từ 30-50%.
Hoạt động của El Nino trên Đồng bằng sông Cửu Long vẫn ở mức mạnh.
Ảnh hưởng sản xuấtẢnh hưởng sản xuất
Trước tình hình chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino ngay trong mùa mưa, kế hoạch SX của các địa phương trong vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp bị ảnh hưởng rất lớn.
Theo dự báo tình hình hạn năm nay sẽ đến sớm, mặn xâm nhập sâu và sẽ kéo dài
Ông Trịnh Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết: Kế hoạch vụ lúa – tôm của tỉnh năm nay xuống giống 30.500 ha.
Nhưng lượng mưa ít, mặn xâm nhập đột biến đã ảnh hưởng rất lớn đến mùa vụ, bà con chỉ xuống giống hơn 25.000 ha, trong đó diện tích bị thiệt hại hơn 8.000 ha.
“Chúng tôi đã chỉ đạo xuống giống vụ đông xuân sớm, thu hoạch trong tháng 3 để hạn chế tối đa tác động của tình hình hạn hán, được dự báo sẽ đến sớm vào năm nay”, ông Thanh nói.
Kế hoạch xuống giống 25.000 ha lúa trên đất nuôi tôm của Cà Mau tại huyện Thới Bình cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thực tế diện tích xuống giống không đạt và bị thiệt hại cũng tương tự như Bạc Liêu.
Trước thực trạng trên, ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau cho rằng, cần tập trung cho 2 giải pháp: Tuyên truyền rộng rãi tình hình thay đổi thời tiết để người dân có ý thức chủ động trong SX và vận hành tốt hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển SX.
“Trong điều kiện biến đổi khí hậu, vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp cũng chịu tác động.
Chúng ta cần nghiên cứu cụ thể những thay đổi là gì, xác định đặc trưng điều kiện tự nhiên của vùng, để điều chỉnh quy hoạch phù hợp”, ông Sử kiến nghị.
Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đề nghị 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng kết hợp chặt chẽ với nhau trong việc đồng quản lý hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp.
Về lâu dài, cần rà soát lại quy hoạch của vùng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Các nhà khoa học cần nghiên cứu chi tiết hơn hạn, mặn ở đâu, ảnh hưởng như thế nào để các địa phương chủ động mùa vụ, định hướng cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Năm nay dự báo khí hậu thay đổi rất phức tạp, Trung ương đặc biệt quan tâm đến vấn đề trên.
Nhưng các nhà khoa học và địa phương chưa tiếp cận kịp, cần phải chú trọng hơn.
“Chúng tôi sẽ báo cáo lên Bộ NN-PTNT để đầu tư cho hệ thống thủy lợi của vùng.
Đồng thời, đề nghị các địa phương điều tra lại thiệt hại do hạn hán thời gian qua, có báo cáo cụ thể để có chương trình hỗ trợ theo quy định”, ông Hùng kết luận.
Có thể bạn quan tâm
Bắc Phong có diện tích tự nhiên 2.233,88 ha, trong đó có trên 600 ha đất sản xuất bao gồm 455 ha ruộng lúa 2 vụ và 3 vụ, phần còn lại là đất trồng màu. Do điều kiện tự nhiên, cây lúa vẫn có vị thế là cây trồng chủ lực trong canh tác nông nghiệp của Bắc Phong, vụ đông-xuân chính cho năng suất bình quân 6,5 tấn/ha.
Vụ đông- xuân năm nay, nông dân xã Phước Sơn (huyện Ninh Phước) trồng trên 40 ha cây thuốc lá. Những ngày này, nông dân đang vào vụ thu hoạch cây thuốc lá đợt thứ 4 trong tổng số 5 đợt thu hoạch. Bà con phấn khởi vì cây thuốc lá cho năng suất cao hơn mọi năm.
Trở lại xã Hòa Sơn (huyện Ninh Sơn) vào những ngày cuối tháng hai, chúng tôi gặp nông dân địa phương đang nhộn nhịp khẩn trương vào mùa thu hoạch mì. Những rẫy mì trải dài tít tắp rộn tiếng nói cười của người lao động đào củ, chất mì lên xe. Mì xắt lát phơi trắng các khu dân cư tạo thành bức tranh ngày mùa sinh động trên vùng đất Hòa Sơn.
Xuất thân từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn và khởi đầu lập nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng bằng nghị lực và tinh thần vượt khó, anh Đồng Phú Khánh (51 tuổi) ở khu phố Phú Thứ, thị trấn Phú Thứ (Tây Hòa) đã vươn lên thoát nghèo với nghề trồng hoa và đúc chậu kiểng trên chính mảnh đất quê hương mình.
Trời xế trưa, vừa đánh chiếc xe tải cua vào sân, anh Trần Như Thi, thôn Hoà Luật Nam, xã Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ mở cửa xe bước xuống nở nụ cười tươi rói, khoe với vợ: "Hôm ni trúng mánh, trừ mọi chi phí cũng kiếm lời được cả triệu đồng tiền bán rau...".