Triển Vọng Phát Triển Cây Mè Trên Chân Ruộng Lúa
Những năm gần đây, nông dân tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ, nhất là tại quận Thốt Nốt và Ô Môn đã tích cực phát triển trồng cây mè trên chân ruộng lúa trong vụ hè thu hằng năm. Cách sản xuất luân canh giữa lúa và hoa màu này đã giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất đáng kể so với làm 3 vụ lúa trong năm …
* Hiệu quả
Thời điểm này, nông dân tại các vùng trồng mè trên chân ruộng lúa vụ hè thu 2014 đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch rộ. Dù giá mè có giảm so với hồi đầu vụ nhưng vẫn còn cao hơn so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt nhiều nông dân càng phấn khởi khi mè khá trúng mùa.
Từ nhiều năm nay, ông Huỳnh Tấn Phát ở khu vực Long Định, phường Long Hưng, quận Ô Môn đã không làm lúa vụ hè thu mà chuyển sang trồng các loại rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày. Trước đây, có thời điểm ông trồng đậu nành và bắp lai, dù lợi nhuận có cao hơn trồng lúa nhưng vất vả, đầu ra nhiều lúc cũng gặp khó.
Từ 7 năm nay, ông đã chuyển hết 22 công đất lúa trong vụ hè thu hằng năm sang trồng cây mè. Theo ông Huỳnh Tấn Phát, trồng bắp lai phải mất thời gian khoảng 3 tháng, đến thu hoạch phải mất cả tuần để lột vỏ, phơi khô bắp… rồi phải tìm nơi bán.
Trong khi đó, thời gian trồng mè khoảng 75 ngày và chỉ cần phơi mè trong 1-2 ngày là bán được và có thương lái tìm đến tận nơi thu mua. Lợi nhuận từ cây mè có thể cao gấp đôi so với bắp lai và cao 3-5 lần so với trồng lúa trong vụ hè thu. Với năng suất đạt từ 6 giạ/công trở lên và giá bán hạt mè từ 38.000-45.000 đồng/kg như thời gian qua, nhiều hộ trồng mè đảm bảo có lợi nhuận ít nhất từ 2-5 triệu đồng/công.
"Tôi đã thu hoạch 12 công mè, với năng suất đạt tới 10 giạ/công và bán được với giá 40.000 đồng/kg, đang thu hoạch tiếp 10 công mè còn lại, ước năng suất cũng khá tốt. Giá bán mè hiện có giảm so với trước, nhưng vẫn còn cao hơn trên dưới 7.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước, đảm bảo cho tôi có lợi nhuận"- ông Huỳnh Tấn Phát vui vẻ nói.
Theo bà Lê Thị Điệp ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, các năm trước gia đình sản xuất lúa trong vụ hè thu tốn nhiều chi phí bơm tưới nước nhưng giá bán lúa thấp, lợi nhuận chỉ trên dưới 1 triệu đồng/công. Năm nay, gia đình bà gieo sạ hết 5 công mè trên chân lúa trong vụ hè thu 2014, cách nay hơn 1 tuần, đã thu hoạch đợt đầu 3,5 công mè với năng suất 12 giạ/công (tầm lớn), bán được giá 42.000 đồng/kg.
Trừ chi phí, tính ra có lợi nhuận trên 3,5 triệu đồng/công. Ông Nguyễn Thanh Minh ở phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, cũng cho biết: "Những năm qua, thấy nhiều bà con tại địa phương sản xuất mè luân canh trên chân ruộng đạt hiệu quả cao, vụ hè thu này tôi quyết định chuyển từ lúa sang gieo sạ mè trên tổng diện tích 6 công ruộng.
Do mới làm vụ đầu chưa có nhiều kinh nghiệm, năng suất mè chỉ đạt hơn 6 giạ/công, dù vậy tôi cầm chắc có lợi nhuận trên 2 triệu đồng/công".
Sản xuất luân canh giữa lúa và mè, nhất là trong vụ hè thu, không chỉ giúp nông dân gia tăng lợi nhuận ngay trong vụ sản xuất này mà còn có tác dụng hỗ trợ tốt cho các vụ sản xuất lúa sau. Theo nhiều nông dân trồng mè ở TP Cần Thơ, ruộng lúa sau khi sản xuất mè sạ lại sẽ rất trúng và ít sâu bệnh hơn so với sản xuất lúa liên tục 3 vụ trong năm do các mầm sâu bệnh bị tiêu diệt.
Ngoài ra, cây mè cũng là loại cây trồng giúp tiết kiệm nước trong mùa nắng và thích ứng tốt với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong vụ sản xuất hè thu hằng năm. Hạt mè sau khi thu hoạch và phơi khô, có thể bảo quản được trong một thời gian rất dài, có thể trữ hàng lại để chờ giá, hạn chế được áp lực bán ra khi bước vào mùa thu hoạch rộ.
Hơn nữa, đầu ra của cây mè cũng đang rất rộng mở do hằng năm các cơ sở sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp có nhu cầu thu mua một lượng lớn mè để sản xuất dầu ăn và các loại bánh kẹo...
* Cần có chính sách hỗ trợ phát triển
Hiện nay, điều mà nhiều nông dân trồng cây mè chưa an tâm là giá cả đầu ra của sản phẩm thường xuyên biến động theo chiều hướng bất lợi cho nông dân khi bước vào các mùa thu hoạch rộ. Điều này làm giảm lợi nhuận đáng kể, nhất là những nông hộ không có điều kiện dự trữ lại sản phẩm để chờ giá mà phải bán ngay sau thu hoạch để thanh toán các khoản nợ tiền vật tư và phục vụ đầu tư tái sản xuất cho các vụ mùa tiếp theo.
Bên cạnh đó, nông dân cũng chưa được hỗ trợ nhiều từ các ngành chức năng trong công tác giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý dịch hại trên cây mè để đảm bảo ổn định và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm một cách bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thân ở khu vực Qui Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, cho biết: " Thời gian qua, do chưa có giống tốt và chưa rành các kỹ thuật trồng, nhiều ruộng mè của nông dân còn cho năng suất thấp và hiện tỷ lệ chênh lệch về năng suất giữa các ruộng mè của bà con là rất lớn.
Hơn nữa chưa có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu, đầu ra sản phẩm của bà hầu như phụ thuộc vào thương lái nên khó bán được giá cao khi vào các mùa thu hoạch rộ. Đơn cử, hồi đầu vụ giá hạt mè tới 45.000 đồng/kg, nhưng hiện thương lái chỉ mua với giá 37.000-38.000 đồng/kg".
Cây mè đã và đang khẳng định trên nền đất lúa tại nhiều địa phương ở TP Cần Thơ. Minh chứng cho điều này là diện tích trồng mè tại nhiều địa phương trong thành phố có xu hướng phát triển và được duy trì ở mức cao trong nhiều năm qua. Song, để nhân rộng các diện tích trồng mè lên, đòi hỏi các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương cần phải có các hỗ trợ thích đáng cho cây trồng này.
Theo ông Trương Văn Phú, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Ô Môn, cách nay 3 năm, diện tích trồng mè trên chân ruộng lúa trong vụ hè thu tại quận Ô Môn chỉ khoảng 900 ha, đến vụ hè thu 2014 được nâng lên 1.700 ha, tăng 300 ha so với cùng kỳ năm trước. Ở phường Thới Long, nông dân đã chuyển gần 100% diện tích đất lúa sang trồng mè trong vụ hè thu. Hiện nông dân thu hoạch được hơn 500 ha mè với năng suất đạt bình quân hơn 1,1 tấn/ha.
Dự kiến, năm nay nhiều nông hộ trồng mè sẽ có lợi nhuận cao gấp 3 lần so với trồng lúa. "Để phát triển bền vững cây mè, tới đây rất cần có sự hỗ trợ của các Bộ ngành trung ương và thành phố trong việc định hướng phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường và tham gia bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp, đồng thời cần tăng cường hỗ trợ về giống, về kỹ thuật trồng, bảo quản sản phẩm cho nông dân"- Ông Trương Văn Phú kiến nghị. Vụ hè thu 2014, diện tích trồng mè tại quận Thốt Nốt vẫn được duy trì ở mức khá cao với hơn 2.800 ha, nhưng đã giảm khoảng 100 ha so với cùng kỳ năm trước.
Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, diện tích mè giảm có phần do người dân lo ngại về đầu ra. Bà Nguyễn Thị Mãi, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cho rằng: "Để khuyến khích bà con phát triển mè, tới đây cần tăng cường các hỗ trợ về giống, kỹ thuật và có giải pháp ổn định đầu ra sản phẩm cho nông dân. Thời gian qua, dù rất mong có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhưng quận còn gặp khó trong việc tìm kiếm, mời gọi doanh nghiệp".
Chuyển bớt các diện tích đất trồng lúa sang luân canh trồng các loại rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày trong vụ hè thu là rất cần thiết và Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cụ thể và kịp thời. Có như vậy, mới giúp cho người dân an tâm phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu cây trồng một cách hiệu quả nhất.
Có thể bạn quan tâm
Từ đầu năm đến nay, Hợp tác xã Thủy Lâm, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã xuất bán 10 tấn cá hồi thương phẩm đạt doanh thu hơn 2 tỷ đồng.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp, người nuôi ốc hương trong đìa ở vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông thuộc TX Sông Cầu (Phú Yên) thu tiền tỷ.
Sản lượng tôm của Thái Lan sẽ không thể quay trở lại được mức cao trước đây do các vấn đề liên quan đến dịch bệnh EMS/AHPND (dịch bệnh đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành tôm nước này từ năm 2012) vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Ngày 5/8/2015, Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II (2015 - 2020) nhằm đánh giá kết quả hoạt động nhiệm kỳ qua, đề ra phương hướng nhiệm kỳ tới. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền đã tham dự Đại hội.
Từ ngày 6 đến ngày 7 tháng 8 năm 2015, tại thị trấn Phước Bửu – Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức lớp tập huấn “Bồi dưỡng kỹ năng khuyến nông và kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP” cho 30 học viên là cộng tác viên khuyến nông, chủ trang trại và bà con nuôi tôm trong tỉnh.