Cà Chua Đơn Dương Có Quá Chua?
Trong tháng 10/2014, vùng nguyên liệu cà chua Đơn Dương giảm giá bán ra khá sâu so với mức giá sàn tối thiểu. Sau những ngày đầu “chua chát” với cà chua, người nông dân Đơn Dương đã bình tâm trở lại, tiếp tục thực hiện bài toán “lấy cà chua bù lỗ cho cà chua”!
Một năm, hai lần xuống giá
Buổi trưa gần cuối tháng 10/2014, chúng tôi đến khu vực sản xuất cà chua tập trung ở thôn 1, xã Đạ Ròn, Đơn Dương (Lâm Đồng), chứng kiến không khí tất bật thu hoạch cà chua… “ngày xuống giá”.
Tại khu vườn 0,4 ha, không chỉ có chủ vườn là anh Phạm Thanh Toàn cùng vợ, mà có cả bố mẹ và những người làm công cùng “gặt hái” cà chua. Những người này cho biết, trong khoảng 20 ngày đầu tháng 10/2014, cà chua thu rộ đưa về Sài Gòn bán chỉ dao động với giá 800 - 1.000 đồng/kg, giảm gần 10 lần so với thời điểm từ 2 - 3 tháng trước đó.
Đã vậy, cũng với mức giá này, trong 5 ngày vừa qua, thương lái đến vườn chỉ tuyển lựa thu mua cà chua loại tốt nhất - chiếm 60 - 70% sản lượng thu hoạch; phần lớn tỷ lệ còn 30 - 40% còn lại, gia đình anh Toàn đưa về làm thức ăn bắt buộc cho gia súc. “Hộ gia đình chúng tôi giao hàng cà chua cho thương lái chỉ chốt được sản lượng hàng ngày.
Còn giá cả như thế nào, khoảng 2 - 3 ngày sau, bên mua từ Sài Gòn mới thông báo cụ thể cho mình biết…” - chủ vườn Phạm Thanh Toàn nói.
Hộ gia đình anh Phạm Thanh Toàn đã vào nghề sản xuất cà chua tại thôn 1, xã Đạ Ròn, Đơn Dương cả chục năm nay. Nhưng trong năm 2014 là năm đầu tiên bị mất giá cà chua đến 2 lần.
Lần đầu vào khoảng 15 ngày cuối tháng 2, giá bán chỉ xê dịch trên dưới 1.500 đồng/kg. Và lần thứ hai là 20 ngày tháng 10 vừa nêu. Hạch toán hiện tại cho thấy: cứ 0,1ha trồng 3.000 cây cà chua, mỗi cây đầu tư khoảng 4.000 đồng tiền vốn.
Chăm sóc sau gần 4 tháng, năng suất bình quân mỗi cây thu từ 2kg trở lên. Dự kiến đến đầu tháng 11/2014, vườn cà chua 0,4 ha của anh Toàn sẽ thu hoạch xong. Nếu thị trường vẫn giữ ở mức giá này thì lần thứ 2, hộ gia đình Toàn chịu lỗ ước tính khoảng 25 triệu đồng tiền vốn đầu tư, cộng với tiền công lao động phải lỗ tương đương thêm 25 triệu đồng nữa.
Cây chủ lực có “quá chua”?
Dẫu vậy, hộ anh Phạm Thanh Toàn vẫn còn 0,4 ha cà chua sẽ bước vào thu hoạch trong vòng khoảng 45 - 50 ngày tới. Hy vọng lúc đó, giá bán sẽ cải thiện trở lại để anh Toàn “gỡ lại” khoản lỗ trên 0,4 ha vừa thu.
Trường hợp hộ anh Trần Văn Hoàng, xã viên HTX Nông Lâm Súc Phi Vàng, thôn 3, xã Đạ Ròn, Đơn Dương thì trồng cà chua thu tháng trước lãi, tháng sau lỗ, bù lại vẫn còn lãi. Cụ thể trong tháng 9/2014, anh Hoàng bán cà chua với giá khoảng 5.000 đồng/kg, đạt tổng thu trên 0,5ha hơn 100 triệu đồng.
Trừ hết mọi chi phí đầu tư và công lao động, lứa cà chua gần 4 tháng này, anh Hoàng thu lãi hơn 50 triệu đồng. Đối ngược lại, trong 0,5ha thu bán trong 20 ngày vừa qua với giá chưa quá 1.000 đồng/kg, tổng thu ước tính khoảng 20 triệu đồng.
Bù trừ qua lại, 2 lứa cà chua trong năm 2014, trên 01 ha, anh Hoàng vẫn còn đạt lãi trên 20 triệu đồng. Tương tự tính chung trong HTX Nông Lâm Súc Phi Vàng ở xã Đạ Ròn, đã thu hoạch 03 ha cà chua trong 3 tháng 7,8,9 năm 2014, mức giá bán trung bình từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Tính ra sơ bộ, HTX này đã đạt lãi trong một lứa cà chua 03 ha với hàng trăm triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Ròn, Đơn Dương thống kê toàn xã canh tác thường xuyên khoảng gần 1.000ha cà chua.
Trong 20 ngày rớt giá vừa qua, chỉ chiếm từ 50 - 60% diện tích cà chua thu hoạch. Trong khi liên tục trong 3 tháng trước đó, ước khoảng 20% diện tích thu bán được giá đến 8.000 đồng/kg. Và hiện có từ 20 - 30% diện tích cà chua còn lại sẽ tiếp tục thu hoạch trong vòng 45 - 60 ngày tới, dự báo những doanh thu sẽ khả quan hơn.
Nhìn ra toàn huyện Đơn Dương, anh Huỳnh Ngọc Thạch, Phó Phòng Nông nghiệp huyện thống kê hàng năm nông dân trồng trên dưới 3.500ha cà chua. Trong đó có khoảng 1.000 ha rơi vào tình trạng rớt giá trong tháng 10/2014 này. Những vườn vừa thu hoạch xong lứa rau luân canh vẫn đang tiếp tục xuống giống cà chua lứa mới.
Trung bình mỗi hộ dân ở Đơn Dương canh tác ổn định trên 0,5ha cà chua, nhân ra tổng cộng có hơn 7.000 hộ sản xuất bao năm qua đạt thu nhập từ trung bình khá đến khá và giàu. Việc rớt giá trong 20 ngày qua chỉ là một phần lỗ trong nhiều phần lãi mà nông dân Đơn Dương đã thu được hàng chục năm qua.
Có điều đây là cũng là một bài học không thể thiếu quan tâm về công tác dự báo thị trường cà chua cần tiến hành một cách kịp thời, đầy đủ hơn, nhằm giúp nông dân cơ cấu hợp lý và hiệu quả cao về diện tích và lịch gieo trồng, hạn chế thấp nhất những rủi ro khi cung vượt cầu như đã xảy ra.
Người Sài Gòn bán cà chua ủng hộ nông dân Lâm Đồng
Một nhóm tình nguyện viên ở TP HCM đã lập kế hoạch mang cà chua từ Lâm Đồng về TP HCM tiêu thụ nhằm hỗ trợ bà con nông dân trước cảnh cà chua rớt giá thê thảm và được rất nhiều người dân TP ủng hộ. Theo đó, cứ mỗi chủ nhật hàng tuần, các thành viên tổ chức bán cà chua Lâm Đồng với giá bán 8.000 đồng/kg và giao hàng miễn phí nếu mua trên 100 kg.
Bạn Thái Hiệp, trưởng nhóm với 30 thành viên "Bán hàng hỗ trợ nông dân Lâm Đồng", cho biết đây là tuần thứ 3 nhóm tổ chức bán và tất cả cà chua được thu mua với giá cao gấp 4, 5 lần của thương lái rồi thuê xe tải chở từ Lâm Đồng về TP HCM. Ngoài ra, sẽ có một nhóm bạn ở tại Lâm Đồng để trực tiếp liên hệ với người dân mang hàng về.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi khu vực Tây Nguyên chuẩn bị bón phân cho cây tiêu, cà phê cũng là thời điểm phân bò ở Bình Định ào ạt theo những chuyến xe tải hành trình “tây tiến”.
Đồng Tháp cần phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên (vị trí địa lý, tài nguyên đất, nước ngọt...) để phát triển nông nghiệp, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch có giá trị gia tăng cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (gạo và thủy sản).
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, vụ hè - thu năm 2012, nông dân trong tỉnh Đồng Nai sẽ trồng hơn 6.400 hécta mía, tăng gần 300 hécta so với vụ hè - thu năm 2011. Diện tích mía vụ này tăng do thời gian qua giá mì giảm xuống dưới giá thành, nông dân chuyển đất trồng mì sang trồng mía. Các huyện có diện tích trồng mía vụ hè - thu nhiều là: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Nhơn Trạch và Xuân Lộc.
Những ngày qua, sâu ăn lá bồ đề đang phát sinh và gây hại rất nhanh trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái), tập trung chủ yếu ở 3 thôn Xiêng 1, bản Tại, Lũng xã Tân Lập và hiện đang có xu hướng lây lan sang những xã lân cận như Tân Lĩnh, Phan Thanh...
Những ngày này diêm dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang hối hả bước vào vụ muối mới. Năm nay được mùa muối nhưng người làm muối nơi đây vẫn đang trĩu nặng những trở trăn về cái nghề nhọc nhằn, được ví như "chó chạy vào nhà là người chạy ra bưng".