Hiệu Quả Bước Đầu Mô Hình Sản Xuất Cà Chua An Toàn Theo Liên Kết Chuỗi
Vụ hè thu năm 2014, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hải Dương triển khai thực hiện mô hình sản xuất cà chua an toàn (VietGAP) thuộc đề tài khoa học “Xây dựng mô hình sản xuất rau quả tươi an toàn theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm”.
Mục tiêu của mô hình là nhằm tạo ra sản phẩm những quả cà chua an toàn và chất lượng theo tiêu chuẩn của VietGAP, được đánh giá cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, dễ dàng lưu thông trên thị trường; đồng thời, góp phần tạo lập một ngành trồng trọt bền vững với việc giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và đảm bảo lợi ích xã hội.
Mô hình được triển khai tại xã Thượng Đạt, TP. Hải Dương với quy mô 5,008ha, 45 hộ tham gia; giống được sử dụng là giống cà chua ghép Savior.
Khi tham gia các hộ phải ký cam kết thực hiện đúng quy trình VietGAP, được tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, được cung cấp và hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất VietGAP. Trong quá trình thực hiên, cán bộ chuyên môn luôn chủ động theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn các hộ thực hiện theo đúng quy trình VietGAP.
Ngày 17/10/2014, Chi cục đã tiến hành Hội thảo tham quan, đánh giá kết quả mô hình. Tại Hội thảo các đại biểu đánh giá cao về mô hình sản xuất cà chua ghép trồng theo quy trình VietGAP, mô hình đã khẳng định ưu thế kháng bệnh héo rũ vi khuẩn, khẳng định về năng suất và giá trị vượt trội so với cà chua đối chứng, mở ra hướng đi mới để xã Thượng Đạt hình thành vùng sản xuất cà chua hàng hóa quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Đỗ Văn Hòa, chủ hộ tham gia mô hình cho biết: “Có thể nói, trồng cà chua ghép Savior theo quy trình VietGAP là phương thức canh tác hiện đại, đảm bảo an toàn cho người trồng cũng như sản phẩm và không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài những hiệu quả kinh tế lâu dài, sản xuất cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP góp phần tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của người nông dân, giúp chúng tôi hiểu được rằng: trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì và phát triển.
Đồng thời, việc áp dụng trồng cà chua theo quy trình VietGAP còn thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.
Ông Lê Đình Sơn, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hải Dương - Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Qua quá trình theo dõi, giám sát, đánh giá, lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm của Tổ chức đánh giá chứng nhận VietGAP (do Bộ NN&PTNT chỉ định) cho thấy, các hộ tham gia sản xuất cà chua theo quy trình VietGAP tại xã Thượng Đạt đã tuân thủ đúng các quy định và quy trình VietGAP.
Qua phân tích chất lượng của sản phẩm không phát hiện các mối nguy hại mất an toàn. Ngày 02/10/2014 sản phẩm cà chua Thượng Đạt đã được cấp chứng chỉ VietGAP và sản phẩm đã có mặt tại hệ thống các siêu thị BigC, Intermex,… trên địa bàn tỉnh và các đầu mối tiêu thụ khác”.
Kết quả của mô hình bước đầu đã được đánh giá cao và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để có những cơ sở khoa học vững chắc và ổn định mô hình cần được thực hiện thêm ở các vụ trong năm (thường sản xuất rau màu 1 năm 3 vụ). Đồng thời, để có sản phẩm cà chua tươi an toàn quanh năm cung cấp cho hệ thống các siêu thị tạo mối liên kết chuỗi bền vững trong tiêu thụ sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 15-8, tại TPHCM, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), Công ty TNHH De Heus và Công ty Fresh Studio Innovations Asia (DHFS - Safe Pork) ký biên bản hợp tác thiết lập chuỗi giá trị thịt heo an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.
Giá thanh long đang ở mức rất thấp cùng với bệnh trên thanh long đang bùng phát ở nhiều nơi làm cho người trồng cây ăn trái đặc sản này đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Hơn tuần nay ở các huyện biên giới An Giang và Đồng Tháp đã xuất hiện cá linh non đầu mùa, đặc sản vùng sông nước miền Tây một năm xuất hiện một lần.
2 năm qua, các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang Vĩnh Long và Tiền Giang đã hình thành được chuỗi liên kết trong việc tổ chức sản xuất rải vụ cho vườn xoài theo hướng an toàn.
Xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo được coi là “thủ phủ” chuyên canh cây ớt 2 vụ/năm của tỉnh Tiền Giang với hơn 350 ha.