Triển Vọng Nghềnuôi Dê Ở Lục Ngạn
Tận dụng ưu thế địa phương có nhiều đồi núi và đồng cỏ rộng nên những năm qua, nhiều hộ dân ở xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã đẩy mạnh phát triển nghề chăn nuôi dê thương phẩm, cho hiệu quả kinh tế cao…
Đầu năm 2011, anh Nguyễn Trí Thường ở thôn Tuấn Sơn, xã Biên Sơn đã quyết định đi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi dê từ một số mô hình ở trong và ngoài tỉnh Bắc Giang. Ngay sau khi nắm được những kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho đàn dê, anh Thường đã quyết định đầu tư 160 triệu đồng mua 30 con dê giống lai Bách Thảo từ Trại giống Ba Vì, Hà Nội và xây dựng chuồng trại.
Chỉ trong vòng 3 năm tập trung vào chăn nuôi, không kể số dê đã được bán thương phẩm mỗi năm lên đến cả trăm kg, hiện nay, đàn dê lai Bách Thảo của gia đình anh Thường đã có hơn 70 con, trong đó có trên 40 con cái sinh sản và 2 con dê bố. Với giá bán dê thương phẩm tại địa phương hiện là 130 nghìn đồng/kg và dê giống được 200 nghìn đồng/kg, thì cả đàn dê của anh Thường có tổng trị giá ước đạt gần 300 triệu đồng.
Anh Thường phấn khởi cho biết: “Nuôi dê không tốn kém gì lại cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là giống dê lai Bách Thảo có khả năng tăng trọng tốt, con trưởng thành có thể nặng tới 70 kg. Thông thường mỗi con dê cái trong 2 năm sẽ sinh sản 3 lứa, trung bình mỗi lứa dê đẻ được 2 con. Tính từ khi dê con được sinh ra, nếu nuôi thương phẩm chỉ trong vòng 6 tháng đã đạt từ 30 – 35 kg và có thể xuất chuồng. Việc duy trì chăn nuôi cả đàn dê hơn 70 con này, nhà tôi chỉ cần 1 lao động chăn thả đồi, rất nhàn”.
Tuy nhiên, muốn chăn nuôi dê hiệu quả thì người nuôi phải đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng chuồng trại và phòng chống dịch bệnh cho chúng. Chuồng nuôi dê phải luôn khô ráo và bảo đảm thoáng mát vào mùa hè, giữ ấm vào mùa đông. Bên cạnh đó, người nuôi phải thường xuyên làm công tác vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, đồng thời thực hiện tiêm phòng dịch bệnh cho đàn dê.
Ở xã Biên Sơn không chỉ có gia đình anh Thường chăn nuôi dê lai Bách Thảo cho hiệu quả kinh tế cao mà hàng chục hộ khác chăn nuôi dê ta (dê cỏ) cũng cho hiệu quả kinh tế khá. Tiêu biểu như gia đình: anh Trần Đình Quảng, bà Phùng Thị Sít, ở thôn Dọc Song; anh Trần Thế Giảng; Nguyễn Trí Chiến, ở thôn Tuấn Sơn… Mỗi hộ thường xuyên duy trì chăn nuôi đàn dê của gia đình từ 10 đến hơn 20 con, để tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế.
Ông Vô Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Biên Sơn cho biết: Do địa hình xã có nhiều đồi núi và cánh đồng cỏ rộng nên Biên Sơn có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc như trâu, bò, dê, ngựa… Đặc biệt là những năm gần đây, nhận thấy chăn nuôi dê có nhiều ưu điểm như: vốn đầu tư ban đầu không cần cao lắm; chăn nuôi không tốn kém nhưng lại cho hiệu quả kinh tế cao bởi thị trường đầu ra tiêu thụ dê thương phẩm luôn ổn định nên nhiều hộ dân đã đầu tư chăn nuôi dê, phát triển số lượng đàn.
Để phong trào nuôi dê của địa phương phát triển bền vững, trong thời gian tới, UBND xã sẽ chỉ đạo đội ngũ cán bộ khuyến nông phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi dê cho nông dân.
Đồng thời, xã sẽ tiếp tục quan tâm làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là việc tổ chức tiêm phòng các loại dịch bệnh cho đàn dê, đồng thời tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân, tận dụng ưu thế có đồng cỏ rộng để phát triển chăn nuôi gia súc, nhất là nuôi dê.
Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 2 năm 2014, tổng đàn dê của Biên Sơn đã có 1.570 con, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế mô hình nuôi dê tại địa phương đã giúp cho nhiều hộ dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên thành hộ khá, góp phần vào mục tiêu chung giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 38,5% năm 2012 xuống còn 33,8% năm 2013.
Có thể bạn quan tâm
Dự báo trong mùa mưa năm nay, nông dân sẽ đổ xô trồng cây đinh lăng bởi giá trị kinh tế của nó vượt xa so với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên Bình Phước hiện nay vẫn chưa chọn được loại giống đinh lăng nào phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh.
Hiện giá mủ cao su được thương lái thu mua ở mức 12.000 đồng/kg mủ đông, tăng 4.000 đồng/kg so với giá bình quân năm 2014. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, hai năm liền cao su giảm tái tạo mủ, năng suất thấp nên người trồng cao su không vui.
Khác với tâm trạng phấn khởi trong những vụ khoai môn trước đây, không khí thu hoạch khoai môn vụ hè thu 2015 ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) diễn ra khá buồn tẻ. Khoai môn rớt giá, thương lái không chịu thu mua, nhiều ruộng khoai môn tới ngày thu hoạch nhưng chủ ruộng chẳng màng thu hoạch.
Xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh có diện tích tự nhiên là 2.322,65 ha. Trong đó diện tích đất nông nghiệp là 2002,78 ha. Năm 2013, xã đã thực hiện được 17/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Trưởng ấp Láng (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) cho biết, hiện nay trong toàn ấp có khoảng hơn 500 hộ, nhưng có đến gần 70% số hộ dân trồng dây thiên lý lấy hoa để bán cho thương lái.