Ngăn Chặn Lây Nhiễm Cúm Gia Cầm Qua Biên Giới
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện khẩn về việc tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn lây nhiễm bệnh cúm gia cầm qua biên giới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngày 11/8/2013, cơ quan y tế của Trung Quốc đã xác nhận ca tử vong thứ 45 do virus cúm H7N9. Như vậy, tính đến nay đã có 134 người bị nhiễm virus H7N9 tại Trung Quốc và có 45 ca tử vong (chiếm tỷ lệ 33,6%), trong đó có những ca mắc bệnh tại tỉnh Quảng Đông gần với các tỉnh biên giới phía Bắc của nước ta.
Mặt khác, tình hình buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới và gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn xảy ra ở một số tỉnh phía Bắc và ngày càng tinh vi hơn.
Cùng với đó, ngày 13/8/2013, cơ quan Y tế của Campuchia cũng xác nhận thêm 2 trường hợp mới bị mắc bệnh cúm gia cầm. Kể từ đầu năm 2013 đến nay, tổng số người mắc bệnh cúm gia cầm H5N1 tại Campuchia là 16 người, trong đó có 11 ca tử vong (chiếm tỷ lệ gần 68,8%). Đặc biệt, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở người và có nhiều ca tử vong thuộc các tỉnh biên giới giáp với nước ta.
Trước tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục khẩn trương chỉ đạo thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhiễm các chủng virus cúm gia cầm vào trong nước; đặc biệt là việc nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
Đặc biệt cần tuyên truyền để nhân dân giám sát phát hiện, đấu tranh, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu vào trong nước tiêu thụ.
Đồng thời, cần rà soát, tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin cúm cho đàn gia cầm, nhất là các tỉnh có nguy cơ cao (khu vực giáp biên giới Campuchia, nơi có ổ dịch cũ, xung quanh khu vực có ổ dịch mới, nơi có mật độ chăn nuôi gia cầm cao…).
Về tình hình dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trên đàn chim cút tại tỉnh Tiền Giang, theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến ngày 13/8 dịch đã xuất hiện trong 4 tuần với tổng số chim cút bị mắc bệnh phải tiêu hủy là hơn 26.000 con.
Ngoài ra, Cục Thú y cũng triển khai giám sát tại 60 chợ, điểm buôn bán gia cầm nhập lậu tại 9 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội. Qua xét nghiệm 2.554 mẫu gia cầm nhập lậu và loại thải, hiện chưa phát hiện virus cúm A/H5N1.
Có thể bạn quan tâm
Vào khoảng giữa tháng 6, hành tây Đà Lạt mua tại vườn chưa tới 3.000 đồng/kg, đến thời điểm hiện tại loại hàng này đã đội giá lên gấp hàng chục lần. Với mức giá từ 25.000- 40.000 đồng/kg (tùy loại) dù được xem là cao kỷ lục, nhưng nông dân vẫn không có hàng để bán.
Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp, các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực đưa hàng Việt “phủ sóng” ở nông thôn, đặc biệt là những vùng khó khăn.
“Chất tạo nạc đang là vấn nạn làm hủy hoại sản xuất, sức khỏe của người tiêu dùng và nếu không được xử lý triệt để thì ngành chăn nuôi sẽ lâm vào cảnh tự sát”.
Nhiều hộ trồng tích trữ hành, tỏi vào cuối vụ nhằm đợi giá lên cao trong dịp Tết mới bán ra, khiến lượng nông sản này tại Lý Sơn còn lại khoảng 800 tấn.
Các đối tượng kinh doanh đã chuyển hướng và lách luật bằng cách giảm sử dụng clenbuterol và thay bằng salbutamol.