Triển Vọng Kinh Tế Từ Mô Hình Nuôi Gà Nhiều Cựa
Từ một huyện chỉ độc canh về cây lúa, đến nay huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đã có nhiều chuyển đổi tích cực đa dạng hóa về cây trồng, vật nuôi. Các mô hình như: Nuôi lợn nái Móng Cái, nuôi giun kết hợp làm VAC, nuôi trâu bò vỗ béo và trồng các loại rau màu có giá trị kinh tế cao đang ngày được nông dân mở rộng. Cùng với nhiều loại hình kinh tế phát triển nói trên, ở huyện Lộc Bình hiện nay còn có những mô hình được nhiều bà con quan tâm cần được nhân rộng đó là: Nuôi gà nhiều cựa thả vườn.
Gà nhiều cựa (hay còn gọi là gà 6 ngón), là một giống gà được nuôi phổ biến vùng núi cao Mẫu Sơn. Gà nhiều cựa có đặc điểm là mỗi bên chân gà có 5 hoặc 6 ngón, gà trống có màu lông đỏ, vàng và đen, gà mái thường chỉ có màu vàng, chân của loại gà này thấp hơn gà bình thường.
Hiện giống gà này đang được bà con ở nhiều nơi trong huyện Lộc Bình đưa về thuần hóa và nuôi thả vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Hoàng Văn Len, thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình là một trong những hộ có thu nhập cao từ mô hình nuôi gà nhiều cựa thả vườn, trao đổi với chúng tôi, anh Len cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cũng nuôi các loại gà khác nhau nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi nuôi gà nhiều cựa theo hình thức thả vườn hiệu quả kinh tế mang lại hơn hẳn.
Đây là giống gà dễ nuôi, chi phí ít vì nuôi theo mô hình thả vườn nên gà tự kiếm ăn một phần, ngoài ra chỉ cần cho ăn thêm ít ngô, thóc. Hiện nay, gia đình tôi nuôi 30 con gà mái chuyên đẻ trứng tự ấp và khoảng 150 con gà thịt đều nuôi theo hình thức thả vườn. Sau 6 - 7 tháng nuôi, trọng lượng tối đa đối với gà trống từ 3 - 3,5 kg, gà mái từ 2 - 2,5 kg, với giá bán trên thị trường hiện nay là 220.000 – 250.000 đồng/kg, mỗi năm đem lại cho gia đình tôi khoản thu nhập gần 50 triệu đồng”. Gà nhiều cựa có thịt thơm ngon và ngọt, ít mỡ, hàm lượng đạm cao hơn nhiều so với một số giống gà địa phương nên dù giá đắt nhưng vẫn được thị trường ưa chuộng.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi gà nhiều cựa thả vườn, ông Triệu Sáng Lùng, thôn Khuổi Tẳng, xã Mẫu Sơn cũng mua giống gà này về nuôi, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện gia đình ông Lùng có gần 100 con gà nhiều cựa, mỗi năm bán ra thị trường từ 50 - 70 kg gà mang lại khoản thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng. Ông Lùng nói: “Nuôi gà nhiều cựa theo hình thức thả vườn không mất thời gian chăm sóc, chi phí ít, lợi nhuận kinh tế cao hơn hẳn các giống gà khác nên hiện gia đình tôi đã bỏ hết các giống gà khác chỉ nuôi gà nhiều cựa và sẽ tiếp tục mở rộng đàn gà trong những năm tiếp theo”. Việc nuôi gà nhiều cựa thả vườn rất dễ, người nuôi chỉ cần tiêm phòng mỗi năm 2 lần và chú ý các bệnh hay xảy ra với gà thả vườn như: bệnh newcastle, gumboro và bệnh đậu gà…, làm tốt được khâu này coi như người nuôi đã nắm chắc được phần thắng.
Từ hiệu quả bước đầu đưa lại, mô hình nuôi gà nhiều cựa thả vườn là một bước đi mới, mạnh dạn, sáng tạo của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi ở huyện Lộc Bình. Tin tưởng rằng mô hình nuôi gà nhiều cựa thả vườn ở đây sẽ càng nhân rộng và phát triển hơn nữa, giúp bà con phát triển kinh tế gia đình và vươn lên làm giàu.
Có thể bạn quan tâm
Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19,23% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong 9 tháng
Đầu vụ đã phải chịu thất bại về giống khi tỷ lệ lên chỉ đạt 50 - 60%, giờ đây, khi gừng bắt đầu lên củ, người trồng gừng của huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau lại khốn đốn vì dịch bệnh.
Năm 2015, năng suất quả su su Sa Pa đạt khoảng 55 đến 58 tấn/ha, trong khi đó, năm 2014 năng suất đạt 60 tấn/ha.
Đó cũng là nhận định của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA). Bởi theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu (XK) khoảng 100 ngàn tấn tiêu, sản lượng hồ tiêu trong nông dân và doanh nghiệp cất trữ chỉ còn khoảng 30 ngàn tấn.
Sau hơn 2 năm đưa cây gừng lên với bà con nông dân huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) theo Dự án 3PAD với mục tiêu thiết lập mô hình phát triển nông lâm nghiệp bền vững.