Vực dậy ngành chè
Cây chè liên quan đến đời sống của hàng trăm nghìn hộ dân, nhưng hiện nay năng suất và hiệu quả kinh tế của loại cây này rất thấp, nguyên nhân chính là do sản xuất manh mún, thiếu liên kết với thị trường, an toàn thực phẩm chưa quản lý tận gốc…
Top 5 xuất khẩu nhưng nguy cơ tổn thương cao
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2014, xuất khẩu chè chính ngạch của nước ta đạt 133.000 tấn, thu về 230 triệu USD và là nước đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya và Sri Lanka).
Mặc dù lượng xuất khẩu lớn như vậy, nhưng do chè Việt Nam chủ yếu xuất thô nên kim ngạch xuất khẩu chưa cao, giá chè xuất khẩu của nước ta lại chỉ bằng một nửa so với giá chè bình quân trên thế giới.
Năm 2014, diện tích chè cả nước đạt khoảng 130.000 ha, tăng 4.400 ha so với năm 2011.
Lâm Đồng vẫn là tỉnh có diện tích trồng chè lớn nhất với 21.900 ha. Tiếp đó là Thái Nguyên với 20.800 ha, Hà Giang 20.500 ha, Phú Thọ 16.300 ha, Yên Bái 11.500 ha.
Năng suất chè cả nước bình quân đạt 83,4 tạ búp tươi/ha, tăng 7,9% so với năm 2011. Sản lượng chè búp tươi đạt 926.600 tấn, lượng chè chế biến đạt trên 200.000 tấn chè khô.
Những năm gần đây ngành chè Việt Nam đang đối mặt với những nguy cơ mất thị trường xuất khẩu và hiệu quả xuất khẩu thấp do vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên chè vượt ngưỡng cho phép của một số nước nhập khẩu.
Câu chuyện tin đồn về chè Lâm Đồng nhiễm dioxin vừa qua không chỉ khiến doanh nghiệp trong nước, mà ngay cả các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) hoạt động xuất khẩu chè tại Lâm Đồng gặp khó khăn.
Việc này không chỉ minh chứng cho việc sản xuất và kinh doanh chè còn khá bị động trước các biến động của thị trường, mà còn cho thấy ngành chè tuy có tiềm năng, nhưng nguy cơ bị tổn thương cũng rất cao trong hội nhập.
Đi sâu hơn vào việc sản xuất tại nhiều địa phương có thế mạnh về chè như Lâm Đồng, Thái Nguyên, Hà Giang... dễ dàng nhận thấy thói quen sản xuất của người dân hiện nay cũng khiến ngành chè khó đi lên chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng, cần phải có một tổ chức lo dịch vụ BVTV cho các vùng chè. Trước hết các doanh nghiệp phải xây dựng vùng nguyên liệu và lo dịch vụ BVTV cho vùng nguyên liệu của mình, không để tình trạng mỗi năm phun 7 - 8 loại thuốc BVTV.
Theo Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) thì độ ATTP của chè Việt Nam ngày càng giảm do người dân đang sử dụng nhiều thuốc BVTV ngoài danh mục hoặc không được phép sử dụng trên chè, nồng độ phun thuốc quá cao và phun nhiều lần, không đảm bảo thời gian cách ly sau phun thuốc.
Cấp mã số vùng chè
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, chè là cây quan trọng. Đây cũng là cây truyền thống liên quan đến đời sống của hàng trăm nghìn hộ dân trong cả nước nên cần chú trọng phát triển.
Tuy nhiên, hiện nay cây chè của nước ta cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, đặc biệt chưa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh ATTP.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do sản xuất còn manh mún, tổ chức sản xuất chè chưa tốt, thiếu liên kết với thị trường; người dân thiếu kiến thức; quản lý thuốc BVTV còn nhiều bất cập; tổ chức theo dõi và kiểm tra đánh giá ATTP còn lỏng lẻo, không quản lý tận gốc.
Để vực dậy ngành sản xuất chè, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị ngành nông nghiệp phải kiên quyết thay đổi cách thức sản xuất để cây chè đạt tiêu chuẩn ATTP phục vụ tiêu dùng trong nước và đáp ứng xuất khẩu.
Bộ trưởng đã đưa ra một số giải pháp trước mắt, đó là tiếp tục tuyên truyền về kỹ thuật sản xuất và vấn đề ATTP cho chè bằng nhiều hình thức; quy hoạch vùng trồng chè và phân vùng nguyên liệu chè cho doanh nghiệp.
Song song với đó là tổ chức lại sản xuất, trước hết phát huy vai trò của doanh nghiệp, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng chè an toàn; thực hiện tốt các chính sách khuyến khích sản xuất chè an toàn; đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương hiệu tại các địa phương, doanh nghiệp.
Bộ trưởng NN&PTNT cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ chấn chỉnh quản lý Nhà nước, đặc biệt về quản lý BVTV, phân bón, tăng cường thanh tra giám sát để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường hệ thống BVTV cấp xã kết hợp với phát huy vai trò của các hiệp hội, đoàn thể tại địa phương để tạo ra thói quen sản xuất an toàn cho cây trồng nói chung và sản xuất chè nói riêng.
Một trong những biện pháp thiết thực nhất được tính tới là Bộ NN&PTNT sẽ cấp mã số cho vùng chè nguyên liệu để truy xuất nguồn gốc trong thời gian tới.
Đây là cách thức có thể vực dậy ngành chè theo hướng chuyên nghiệp hóa sản xuất, xây dựng thương hiệu và thu hút doang nghiệp cùng chung tay phát triển thương hiệu chè Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp với 200 con gà con cách đây hai năm, nay đàn gà lên đến 1 ngàn con chia làm ba đợt nuôi trong năm, ông Đặng Minh Trung, ngụ tại ấp Bình Thạnh - xã Châu Bình (Giồng Trôm - Bến Tre) phấn khởi.
Cũng như các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, từ đầu vụ đông xuân, bà con nhân dân huyện Hải Lăng (Quảng Trị) phải đối mặt với việc chuột đồng phá hoại lúa trên diện rộng, thì nay bà con lại lo lắng trước hiện tượng các loại rầy gây hại cục bộ cho cây lúa trong thời kỳ chín sạ.
7 năm qua, nông dân trồng đậu bắp nhật ở 3 xã: Tân Hòa, Định Hòa và Vĩnh Thới (Lai Vung - Đồng Tháp) đều đạt lợi nhuận cao hơn trồng lúa và một số loại cây màu khác. Hiện mô hình liên kết trồng cây đậu bắp Nhật đang có xu hướng mở rộng trên địa bàn huyện.
Có chút ngạc nhiên lẫn thú vị cho những người yêu cây trái khi biết rằng cây bơ trên đất Lâm Đồng ra quả hầu như quanh năm và thực ra trồng bơ cũng rất kinh tế không kém so với nhiều loại cây trồng khác.
Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh (Trung tâm KN - KN tỉnh) đã tiến hành thử nghiệm giống đậu phụng mới tại thôn Nghĩa Hòa (xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Kết quả bước đầu cho thấy, giống đậu phụng mới cho năng suất cao, có thể nhân rộng mô hình.