Giá heo hơi giảm người chăn nuôi lao đao
Hơn 1 tháng qua, giá heo hơi trên thị trường “lao dốc” từ 4,4 triệu đồng xuống còn 3,4 - 3,6 triệu đồng/100 kg, giảm gần 1 triệu đồng so với những tháng đầu năm 2015. Theo dự đoán, giá heo tiếp tục giảm trong những ngày tới, do trong tháng 7 âm lịch nhiều người ăn chay.
Giá heo hơi giảm
Do tập quán sản xuất nhỏ lẻ, nghề chăn nuôi tập trung quy mô lớn chậm phát triển, thường 1 hộ nuôi vài con heo để ăn cơm thừa, cá cặn gọi là “bỏ ống”. Từ đó, cung không đủ cầu nên trên 70% lượng thịt heo tiêu thụ trong tỉnh phải nhập từ các tỉnh khác như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ… Lẽ ra theo cơ chế thị trường, khi cung không đủ cầu thì giá sẽ tăng cao, nhưng ngược lại giá heo hơi giảm mạnh, gây hoang mang cho người nuôi.
Là một trong những hộ nuôi heo lâu năm với quy mô lớn ở ấp 2, xã Khánh Lâm, những ngày này, gia đình anh Tô Sáng cảm thấy rất bất an vì đàn heo hơi hơn 20 con của gia đình đang chuẩn bị bán mà giá heo thì cứ liên tục sụt giảm. Theo ước tính của anh Sáng, nếu bán heo ngay thời điểm này, gia đình anh chắc chắn thua lỗ vì vốn đầu tư cho đàn heo quá cao.
Anh Sáng chia sẻ: “Lúc mình bắt heo giống giá khá cao, mỗi con 1,5 triệu đồng, rồi tiền thức ăn cho chúng mỗi con cũng ngót nghét gần 1,5 triệu đồng nữa, chưa tính chi phí thuốc men. Nếu bán ngay thời điểm heo rớt giá chỉ có nước lỗ, nếu heo đạt từ 100kg trở lên thì lỗ ít, chứ hụt là lỗ nặng, bởi heo không đạt chuẩn từ 100kg trở lên thương lái mua rẻ hơn từ 100.000 - 200.000 đồng/100 kg nên tôi quyết định để lại chờ giá thêm vài ngày nữa”.
Cũng là một trong những hộ chăn nuôi heo nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Minh Chiến, ở ấp 14, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh đang hết sức lo lắng. Bởi trước đây, ngoài việc trồng lúa, nuôi tôm thì heo cũng mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập khá nên đàn heo của gia đình ông không ngừng được phát triển. Hiện còn 32 con heo thịt, 5 con heo nái và hơn 15 heo con, ông cứ nghĩ sẽ có thu nhập hàng chục triệu đồng. Thế nhưng, với giá heo như hiện nay thì việc thu lãi từ đàn heo của gia đình ông Chiến là rất mong manh.
Ông Chiến bày tỏ: “Những năm trước đây, nhất là đầu năm 2015 giá heo cao nên thu nhập từ heo cũng kha khá, nay đột nhiên hạ giá quá trời nên tôi cảm thấy buồn, không biết còn giảm nữa không. Nhờ tôi có đàn heo giống nhà và tận dụng các loại thức ăn sẵn có như chuối cây, rau xung quanh nhà nên chi phí đầu tư ít, từ đó tính ra mình cũng còn lời chút đỉnh chứ không lỗ”.
Ðó mới chỉ là nỗi buồn của những người nuôi heo tập trung với quy mô lớn, còn đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ thì việc thua lỗ là chắc chắn, bởi họ không chủ động được nguồn con giống. Bên cạnh đó, các hộ này đa phần là hộ khó khăn nên không đầu tư mua thức ăn được bằng tiền mặt nên họ phải chịu kê giá của doanh nghiệp.
Ngoài việc giá heo hơi liên tục giảm mạnh, nhiều hộ chăn nuôi còn bị thương lái ép giá, nhất là các hộ nuôi trên khu vực lâm phần rừng tràm do phương tiện đi lại, mua bán gặp nhiều khó khăn.
Một số hộ chăn nuôi phản ánh, thương lái chỉ mua khi heo bụng đói, nếu cho heo ăn no là họ sẽ hạ giá hoặc không mua. Thông thường thương lái mua giảm từ 100.000 - 300.000 đồng/100 kg so với thị trường. Chính vì thế, khi giá heo hơi giảm, tình trạng các hộ nuôi nhỏ lẻ sẽ từ bỏ nuôi loại gia súc này là điều khó tránh khỏi.
Bà Nguyễn Thị Hiền, ở ấp 13, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, bày tỏ: “Hôm rồi dành dụm tiền mua được 2 con heo nuôi coi như bỏ ống, nhưng giờ giá heo thế này thì lỗ là cái chắc rồi. Tôi ghi chép đầy đủ tiền heo giống, thức ăn, rồi chuồng trại đến thời điểm này là hơn 8 triệu đồng giờ bán ra cao lắm là được 7 triệu đồng, nếu không tính tiền chuồng coi như huề vốn, còn tính là lỗ. Tôi sẽ không tiếp tục nuôi heo nữa mà sẽ chuyển sang nuôi con nào có giá cao và ổn định hơn”.
Chị Trần Thị Hương, người nuôi heo ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, cho biết, lợi dụng giá heo hơi giảm mạnh, một số thương lái ép giá người nuôi. Thương lái đến mua heo viện lý do lúc này trong tháng 7, lễ Vu lan, nhiều người ăn chay, thời tiết mưa nhiều thịt heo tiêu thụ chậm, rồi đưa ra một số lý do để ép giá người chăn nuôi như: heo cỏ, xương to, da dầy, nhiều mỡ, vai, mông lép, ít thịt… Cuối cùng họ đưa ra mức giá thấp hơn giá thị trường từ 100.000 - 300.000 đồng/100 kg.
Giá con giống, thức ăn vẫn không giảm
Anh Trần Thanh Tuấn, ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Giá heo hơi thì giảm, ngược lại giá con giống, thức ăn không giảm, thậm chí còn tăng nhẹ. Anh nhẩm tính, để nuôi con heo đến 100kg phải mất thời gian hơn 4 tháng, cộng tiền con giống 1,2 triệu đồng và thức ăn trong 4 tháng, thuốc phòng bệnh. Với giá hiện nay trên 3 triệu đồng thì người nuôi lỗ gần 500.000 đồng/con, đó là chưa tính chi phí làm chuồng, công nuôi và bệnh tật.
Nguyên nhân dẫn đến giá heo giảm mạnh như hiện nay là do mức tiêu thụ của thị trường giảm, bởi người tiêu dùng rất e ngại với thịt heo, do thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện các vụ heo bơm nước trước khi giết mổ nên chất lượng thịt heo không đảm bảo an toàn.
Giá heo hơi giảm nên việc tái đầu tư sản xuất chăn nuôi heo của người dân giảm đáng kể, dẫn đến số lượng đàn heo trên địa bàn cũng giảm theo. Tính riêng huyện U Minh, nếu như cuối năm 2014, đầu năm 2015 trên địa bàn huyện còn khoảng 21.000 con heo thì nay chỉ còn khoảng 17.000 con, giảm gần 4.000 con. Nếu giá heo tiếp tục giảm thì đàn heo trên địa bàn huyện có khả năng sẽ tiếp tục giảm theo.
Huyện U Minh đang có nhiều chính sách hỗ trợ người chăn nuôi như đầu tư con giống, hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời khuyến cáo các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên nuôi heo nái để giống; tận dụng triệt để các nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương.
Ðặc biệt là kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp bơm nước vào heo trước khi giết mổ để tạo sự an tâm cho người tiêu dùng. Ðây chính là giải pháp để nâng cao giá trị con heo, khuyến khích người dân chăn nuôi phát triển đàn heo trong thời gian tới, nhằm bình ổn thị trường heo hơi, giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương
Có thể bạn quan tâm
Bà Hồ Thị Thùy (thôn Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi) cho biết: Dưa hấu ít chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế gấp 3 lần so với trồng các loại cây trồng khác. Năm nay nhà tôi trồng 5 sào dưa hấu, năng suất khoảng 1,2 tấn/sào, với giá 8.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đã cho lãi ròng 30 triệu đồng.
Sau 2 năm rưỡi chăm sóc, vườn cam của ông cho thu hoạch lứa đầu tiên bán được 170 triệu đồng. Ông Tiến cho biết: “Vườn cam của tôi đã được 2 năm rưỡi, tôi để trái bán cũng được 4-5 tấn, giá 17.000 đồng/kg. Tôi ước năng suất năm tới khoảng hơn 10 tấn, với giá như hiện nay thì tôi lời khoảng 100 triệu”.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua việc sản xuất thanh long đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, trong năm 2013 và đầu năm 2014, giá cả thanh long tăng cả chính vụ và trái vụ (giá bình quân chính vụ năm 2013 là 13.273 đồng/kg, trái vụ 17.210 đồng/kg).
Một giải pháp mang lại hiệu quả cao không thể không nhắc tới, đó là Hội Nông dân huyện Đức Linh đã chủ động phối hợp với các ngành tổ chức các mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, cung ứng cây, con giống nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của hội viên nông dân có cùng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực để hợp tác.
Vào chính vụ, các loại quả đặc trưng của mùa hè như vải, mận, dưa hấu, dưa lê, dưa bở... được bày bán la liệt khắp các chợ, trên đường phố Thủ đô. Nhiều loại hoa quả giá đột ngột giảm mạnh, rẻ như rau.