Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triển Vọng Cây Ca Cao Trên Đất Sông Hinh Ở Phú Yên

Triển Vọng Cây Ca Cao Trên Đất Sông Hinh Ở Phú Yên
Ngày đăng: 07/12/2012

Ngoài cây cao su, những năm gần đây huyện Sông Hinh (Phú Yên) chú trọng mở rộng diện tích trồng cây ca cao, trong đó có mô hình trồng ca cao dưới tán rừng, mở đầu cho một dự án quy mô lớn, có diện tích hàng trăm hecta, nhằm nâng cao đời sống nhân dân trong vùng hưởng lợi và tích cực bảo vệ rừng.

TỪ MÔ HÌNH TRỒNG CA CAO TRONG VƯỜN

Thời gian gần đây, cây ca cao được một số nông dân ở huyện Sông Hinh trồng xen với các loại cây trồng khác có bóng mát trong vườn nhà và bước đầu mang lại hiệu quả. Từ năm 2009, ông Nguyễn Tấn Công ở thôn Chí Thán, xã Đức Bình Đông trồng 1.800 cây ca cao trên diện tích 2 ha, hiện đã cho quả. Ông Công cho biết, gia đình ông trồng ca cao dưới tán cây ăn quả trong vườn nhà, nhờ vậy chủ động được nước tưới và chắn được gió nên ca cao phát triển khá tốt. Hy vọng vài năm tới sẽ cho thu hoạch năng suất cao. Theo ông Nguyễn Hữu Hóa, Phó chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông, cây ca cao rất thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, nên địa phương đang khuyến khích bà con mở rộng diện tích. Tuy nhiên, để phát triển ca cao trên diện rộng, cho năng suất cao đòi hỏi phải chủ động được nước tưới và tán che phủ trong 3 năm đầu, đồng thời tuân thủ phương pháp chăm sóc theo đúng hướng dẫn của các nhà chuyên môn.

Là một trong những địa phương triển khai trồng thử nghiệm cây ca cao của huyện Sông Hinh, ngay từ năm 2010, xã Sông Hinh đã trồng gần 10 ha ca cao và đến năm 2011 phát triển lên gần 97 ha. Còn tính chung trên địa bàn huyện Sông Hinh, đến năm 2012 có 200 ha ca cao. Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho rằng: “Mô hình trồng ca cao của các hộ gia đình sẽ là tiền đề để huyện phát triển trồng đại trà và đưa cây ca cao trở thành một trong những cây trồng hiệu quả. Trong những năm tới, huyện sẽ phát triển diện tích ca cao trên cơ sở chuyển một số diện tích đất rừng nghèo kém hiệu quả, đất rẫy phù hợp. Đồng thời hợp đồng với Công ty Ca cao Cargill Việt Nam hướng dẫn phương pháp trồng, thu hoạch, cách lên men hạt và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

ĐẾN TRỒNG ĐẠI TRÀ DƯỚI TÁN RỪNG 
Từ những kết quả ban đầu, cuối năm 2010, huyện Sông Hinh đã triển khai dự án đầu tư liên doanh, liên kết trồng rừng kinh tế kết hợp trồng cây công nghiệp dài ngày (ca cao) với các hộ gia đình. Dự án này do Công ty TNHH Đại Hoàng Nguyên (Đăk Lắk) làm chủ đầu tư, thực hiện tại hai xã Sông Hinh và Ea Trol. Khởi đầu của dự án là việc trồng 15 ha ca cao của hộ ông Niê Y Nã ở thôn 3 (xã Sông Hinh).

Cây ca cao được trồng xen dưới tán cây rừng thưa, luống phát theo hàng, hàng cách hàng 4m, đường kính hố trồng 60cm, cây cách cây 3m. Các dây leo, bụi rậm, cây có đường kính nhỏ dưới 10cm được chặt bỏ, chỉ để lại những cây lấy gỗ. Sau 3 tháng trồng, cây ca cao đã bén rễ, phát triển đều, đạt độ cao 40 - 50cm. Ông Y Nã chia sẻ: “Cây ca cao trồng xen tỉ lệ sống đạt cao, trong khi đó chi phí cho tưới nước chỉ bằng 1/6 so với trồng ngoài rẫy. Điều cần quan tâm là phải thường xuyên theo dõi, vệ sinh sạch sẽ xung quanh gốc để tránh mối xâm nhập vì phần lớn cây ca cao chết là do mối xông gốc”.

Theo tính toán của dự án, năng suất dự kiến năm đầu thu bói (sau 4 năm trồng) trung bình đạt 1,5 tấn/ha, mỗi hecta có giá trị gần 19 triệu đồng/ha. Cộng với công chăm sóc vườn cây, công thu hái sản phẩm, sơ chế sản phẩm ủ lên men, phơi khô… tổng thu nhập của hộ gia đình tham gia dự án lên đến hơn 37 triệu đồng/ha/năm. Ông Phan Văn Bàn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sông Hinh trồng gần 2 sào ca cao đã cho thu hoạch, nói: “Cây ca cao sinh trưởng, phát triển tốt. Chúng tôi mong được đầu tư mở rộng diện tích, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Dự án trồng ca cao triển khai tại huyện Sông Hinh có hình thức đầu tư liên doanh, liên kết với các hộ gia đình có đất lâm nghiệp hợp pháp, thông qua hợp đồng. Các hộ gia đình được đầu tư cây giống, phân bón, kỹ thuật, vốn và được thanh toán tiền công lao động nếu được nhận làm công nhân của công ty. Sau khi thu hoạch, người dân được hưởng lợi 25% tổng sản lượng trên một đơn vị diện tích. Thời gian thực hiện dự án là từ khi xây dựng đến hết chu kỳ khai thác 40 năm.

Cây ca cao đang mở ra triển vọng trên huyện Sông Hinh, góp phần tạo ra thu nhập, phù hợp trong việc chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng của huyện. Ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: “Đây là dự án đầu tư có tính khả thi cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng phải thận trọng, chặt chẽ vì đất triển khai dự án khá lớn, khoảng 1.000 ha. Bên cạnh đó, đa số đất rừng nghèo đã được giao khoán và liên quan đến nhiều đối tượng sử dụng đất, nhiều loại đất. UBND huyện đang yêu cầu các ngành liên quan xúc tiến nhanh việc khảo sát thực địa, xác định rõ hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất của từng khu vực để làm cơ sở mở rộng diện tích cây ca cao”.

Để trồng được 1.000 ha ca cao vào năm 2015 theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện đề ra, bên cạnh việc khuyến khích người dân trồng cây ca cao, huyện Sông Hinh đang phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện cho Công ty TNHH Đại Hoàng Nguyên triển khai nhanh dự án đầu tư liên danh, liên kết trồng rừng kinh tế kết hợp trồng cây ca cao dưới tán rừng.


Có thể bạn quan tâm

Hoa ly Tây Tựu chết hàng loạt nông dân mất tiền tỷ Hoa ly Tây Tựu chết hàng loạt nông dân mất tiền tỷ

Diễn biến khí hậu thất thường, nắng nóng kéo theo mưa lớn kéo dài khiến hoa ly Tây Tựu để chuẩn bị cho Tết đang chết hàng loạt. Nhiều nhà vườn gần như mất đến 40-80% số hoa, bà con làng hoa đều lo lắng sẽ không đủ hoa phục vụ Tết.

26/11/2015
Nuôi tôm hùm thương phẩm ăn bát vàng Nuôi tôm hùm thương phẩm ăn bát vàng

Tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi, cộng với kỹ thuật nuôi tích lũy nhiều năm, ông Phạm Thành Thệ (xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) thu lãi hàng tỷ đồng/năm từ nuôi tôm hùm thương phẩm.

26/11/2015
Tái cơ cấu nông nghiệp khởi sắc nhờ công nghệ Nhật Bản Tái cơ cấu nông nghiệp khởi sắc nhờ công nghệ Nhật Bản

Hà Nam - tỉnh có diện tích nhỏ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, đã chọn cách làm tái cơ cấu riêng, đó là mời gọi, liên kết với các công ty của Nhật Bản đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Bằng cách này, Hà Nam đã có sự chuyển đổi trong nông nghiệp rất lớn.

26/11/2015
Quế Long tận dụng thế mạnh con đặc sản Quế Long tận dụng thế mạnh con đặc sản

Từng là xã nghèo nhất nhì của huyện Quế Sơn (Quảng Nam), nhưng sau gần 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Quế Long đã có những bước phát triển nổi bật, cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, bộ mặt làng quê khởi sắc rõ rệt.

26/11/2015
Giảm khoảng cách giàu nghèo, tăng lòng tin của người dân Giảm khoảng cách giàu nghèo, tăng lòng tin của người dân

Ngày 26.11 tại Gia Lai, Ban chỉ đạo Tây Nguyên sẽ phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức hội nghị “Sơ kết 3 năm thực hiện đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và 2 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại địa bàn Tây Nguyên”.

26/11/2015