Làm Giàu Từ Nghề Trồng Nấm
Mới 28 tuổi nhưng anh Vũ Ngọc Tuyến ở thôn Cá Nội, xã Hoàng Thắng (Văn Yên - Yên Bái) đã là chủ của một cơ sở sản xuất nấm sò và mộc nhĩ. Vụ đông xuân năm 2012 - 2013, gia đình anh đã thu lãi trên 60 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.
Đã hai năm kể từ khi có ý định bỏ nghề chế biến chè xanh, anh Tuyến cũng như nhiều hộ gia đình ở xã Hoàng Thắng không khỏi băn khoăn, lo lắng, chưa biết làm gì để nuôi sống gia đình. Hoàng Thắng là một trong những xã nghèo của huyện, mức thu nhập bình quân đầu người thấp, chỉ khoảng 13 triệu đồng/người/năm, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông và phần lớn chưa qua đào tạo nghề. Do vậy, việc làm gì để phát triển kinh tế quả thực là một bài toán hóc búa.
Năm 2012, trong lúc chưa tìm được hướng đi mới, anh Tuyến được Trung tâm Dạy nghề huyện Văn Yên cho đi thăm quan thực tế tại các cơ sở trồng nấm của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Anh nhận thấy, nghề trồng nấm đã giúp không ít hộ nông dân ở đây thu nhập mỗi vụ từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng. Hiệu quả kinh tế đã rõ lại tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có là rơm, rạ, mùn cưa và thời gian thu hoạch sản phẩm ngắn, chỉ khoảng 1,5 đến 3 tháng/vụ nên mỗi năm có thể trồng tới 3 vụ nấm.
Trở về địa phương, anh nông dân trẻ quyết tâm đầu tư trồng nấm. Nghĩ là làm, anh Tuyến đã tự tìm hiểu thêm về cây nấm qua sách, báo, bạn bè rồi vận động mẹ và người vợ trẻ cùng tham gia lớp học nghề trồng nấm tại Trung tâm Dạy nghề Văn Yên. Anh đã mạnh dạn mở rộng khu nhà trồng nấm từ xưởng chế biến chè cũ, đầu tư hệ thống lò hấp trị giá trên 30 triệu đồng và đặt mua giống tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (Sở Khoa học - Công nghệ).
Khi mới bắt tay vào trồng nấm, kinh nghiệm ít lại là lần đầu tiên cây nấm được đưa vào trồng tại địa bàn xã nên anh đã gặp không ít khó khăn. Cứ qua mỗi vụ nấm, anh lại tích lũy cho mình thêm nhiều kinh nghiệm. Giờ đây, cơ sở trồng nấm của anh Tuyến đã trở thành một địa chỉ tin cậy cung cấp nấm thương phẩm cho nhiều nơi, đặc biệt là thị trấn Mậu A và thành phố Yên Bái.
Khu nhà xưởng gia đình được xây dựng kiên cố và rộng rãi ngay trên trục đường chính của xã Hoàng Thắng với diện tích nhà xưởng 700m2. Gia đình đã ươm trồng trên 10.000 bịch nấm, trong đó nấm sò trên 5.000 bịch, còn lại là nấm mộc nhĩ, thu hoạch từ 3 đến 4 tấn/vụ.
Mỗi cân nấm sò bán ra có giá từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng, nấm mộc nhĩ khô là 110.000 - 120.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí ban đầu, lợi nhuận anh thu sau mỗi vụ khoảng 40 đến 60 triệu đồng. Nếu đem so sánh với việc trồng lúa thì trồng nấm giúp gia đình anh Tuyến thu lãi gấp nhiều lần.
Khi được hỏi về kinh nghiệm trồng nấm, anh Tuyến cho biết: “So với các loại cây trồng khác, nấm là loại nông sản có hiệu quả kinh tế cao và đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường Yên Bái. Thời gian tới, tôi tiếp tục vay vốn mở rộng nhà xưởng, đưa thêm một số giống nấm mới vào trồng với hy vọng nghề trồng nấm sẽ cho gia đình cơ hội làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương đồng thời tạo việc làm cho người thân và nhiều lao động trong thôn”.
Năng động, sáng tạo cùng với quyết tâm dám nghĩ, dám làm và nhiệt huyết của tuổi trẻ mà điều kiện kinh tế gia đình anh đã được cải thiện đáng kể. Anh đã mua sắm thêm được nhiều vật dụng đắt tiền cho gia đình. Mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình từ trồng nấm của anh Tuyến thực sự là một hướng đi mới, góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, 8/10 bản có điện lưới quốc gia, hầu hết các bản được đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, nước sinh hoạt. Địa phương có lợi thế nguồn lao động dồi dào, an ninh trật tự tốt, nhân dân tích cực sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thu nhập từ sản xuất cây trồng, vật nuôi thấp, đời sống nhân dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm 58%.
Thật may mắn cho chúng tôi khi đến thăm gia đình cựu thanh niên xung phong (TNXP) Hà Đức Ngọ, đội 13B, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên lúc ông mới trở về từ ruộng lúa. Vì bình thường, ít có lúc nào ông rảnh rỗi ở nhà mà luôn chân luôn tay làm đủ việc.
Ấu là loài cây thủy sinh rất thích hợp trồng trong mùa nước nổi, vì vậy loại cây này được khá nhiều bà con nông dân huyện Lấp Vò chọn trồng nhằm cải thiện thu nhập. Nếu biết cách trồng và chăm sóc hợp lý thì đây là một trong những loại cây màu thích hợp sống chung với lũ ở những vùng trồng lúa kém hiệu quả.
Vợ chồng anh Võ Hoàng Nam ở ấp Tân Hưng, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông đã có hơn 2 năm làm nghề cào và luộc hến cho biết: hơn nửa tháng nay, ngày nào vợ chồng anh cũng sử dụng ghe cào được trên dưới 100kg hến; đưa vào lò luộc đãi vỏ lấy được 15 - 20kg thịt hến.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười, tổng diện tích do bị đổ ngã là 4.827ha, tập trung ở các xã Mỹ An, Mỹ Quí, Mỹ Đông, thị trấn Mỹ An... lúa bị thiệt hại chủ yếu trong giai đoạn trổ chín; ước tính tổng thiệt hại là gần 4,4 tỷ đồng.