Triển Khai Vụ Mùa Ở Krông Nô Đẩy Mạnh Sản Xuất Để Có Năng Suất, Chất Lượng Cao

Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Krông Nô thì vụ mùa năm 2014, địa phương sẽ gieo trồng trên 47.500 ha cây trồng các loại, phấn đấu đạt tổng sản lượng lương thực hơn 104.000 tấn (bao gồm lúa 16.000 tấn, ngô 87.595 tấn).
Ngoài ra, địa phương còn phấn đấu phát triển thêm 1.300 ha rừng… Đến nay, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi nên bà con nông dân đang tập trung xuống giống các loại cây hoa màu và một số vùng trũng thấp, ven sông đang chuẩn bị làm đất để gieo cấy vụ hè thu.
Để thực hiện tốt kế hoạch gieo trồng, huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành chuyên môn và địa phương trên địa bàn tích cực chuẩn bị đầy đủ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại… Nhờ đó, việc triển khai sản xuất đến nay diễn ra thuận lợi và tiến độ gieo trồng đúng thời vụ, đúng kế hoạch đề ra.
Đối với cây lúa nước, huyện đã yêu cầu các địa phương cần khẩn trương gieo cấy sớm, ngay sau khi thu hoạch xong vụ đông xuân, nhất là các xã vùng ven sông Krông Nô. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng đã hướng dẫn các xã xác định cơ cấu giống lúa phù hợp cho từng vùng, chuẩn bị đủ nguồn giống có chất lượng phục vụ sản xuất và dự phòng khi thiên tai xảy ra, chú trọng công tác thâm canh tăng vụ…
Đồng thời, huyện cũng khuyến cáo người dân không nên tự để giống và lấy “thóc thịt” ra làm giống mà phải sử dụng các loại giống lúa do các công ty có uy tín cung cấp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Theo đó, bà con nên sử dụng các giống lúa như IR 64, OM 3536, B-TE1, ĐT34, Nghi hương 2308, NA – 2, Kim ưu 725… Đây là những giống lúa đạt hiệu quả cao qua thực tế sản xuất nhiều năm qua tại địa phương. Còn đối với cây ngô, để đạt được chỉ tiêu đề ra, ngay từ đầu vụ, các cấp, ngành chuyên môn của huyện đã tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, sử dụng các giống ngô cho năng suất cao, phù hợp với từng chân đất như LVN 24, LVN 25, DK 8868, CP 33, C919, Bioseed 9698, NK 67 ...
Riêng đối với các loại cây đậu đỗ, rau, địa phương ưu tiên bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, khuyến khích nông dân đầu tư thâm canh tăng vụ, đa dạng hóa sản phẩm, sử dụng giống mới có điều kiện luân canh tăng vụ nhằm tạo công ăn, việc làm cho người dân.
Tại xã Nam Đà, Đắk D’rô, Đức Xuyên..., các địa phương sẽ tập trung mở rộng diện tích rau an toàn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ và các vùng lân cận. Ngoài ra, huyện cũng xây dựng kế hoạch ổn định diện tích cà phê ở những vùng có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, có nguồn nước tưới ổn định.
Đồng thời, việc hướng dẫn người dân tăng cường chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cũng như thực hiện các biện pháp tái canh, áp dụng các quy trình sản xuất bền vững, tiết kiệm chi phí để tạo ra sản phẩm cà phê sạch được ngành chuyên môn huyện quan tâm.
Ngoài cây cà phê thì cây điều, cây cao su, cây ca cao cũng được huyện chú trọng thúc đẩy phát triển. Trong đó, công tác tập huấn chăm sóc, phòng trừ bệnh hại, cung cấp thông tin thị trường, hướng dẫn người dân chuyển đổi diện tích điều sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn đã được triển khai; khuyến khích người dân mở rộng diện tích ca cao dưới tán điều; khuyến cáo không chặt bỏ cây cao su bừa bãi… đã và đang được các cấp, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương trên địa bàn huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát và định hướng để người dân ổn định sản xuất.
Ngoài việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất như kỹ thuật sạ tập trung, ICM (3 giảm, 3 tăng).., thì công tác thủy lợi cũng được huyện quan tâm.
Do đó, để đảm bảo nước tưới cho 2.472 ha lúa hè thu và thu đông, các địa phương trong huyện đã đôn đốc người dân khẩn trương nạo vét kênh mương, tập trung sửa chữa những công trình hư hỏng để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho toàn bộ mùa vụ.
Với sự chuẩn bị khá kỹ trong việc chỉ đạo sản xuất, phòng trừ dịch hại, phòng chống thiên tai một cách khá chủ động, hy vọng, bà con nông dân sẽ có được một vụ mùa bội thu.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2013, huyện Can Lộc đã huy động 125 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng NTM; xây dựng được 33 mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả (11 mô hình dự kiến có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm).

Với địa hình miền núi, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) có lợi thế để phát triển kinh tế vườn đồi kết hợp. Đây là mô hình triển vọng và phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, nên mang lại lợi ích lớn.

Ngày 27/11/2013, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) phối hợp Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tổng kết mô hình công nghệ sinh thái quản lý rầy nâu và bệnh virus trên lúa tại ấp Bình Quới, xã Bình Phục Nhứt.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, nguyên nhân giá tiêu tăng cao trong những ngày qua là do sản lượng hồ tiêu trong năm 2013 của cả nước đạt thấp. Tại vùng chuyên canh hồ tiêu Chư Sê, Chư Pưh (tỉnh Gia Lai), năng suất của niên vụ 2013 chỉ đạt 37,7 tạ/ha, giảm gần 30% so với năng suất niên vụ 2012.

Trao đổi với PV bên lề Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết tam nông, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, nhìn lại 5 năm thực hiện nghị quyết, chúng ta có 8 điểm sáng và 16 mặt còn tồn tại, cần giải quyết.