Tiềm năng xuất khẩu trứng vịt muối
Trứng vịt muối từ đàn vịt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất được khách hàng ưa chuộng bởi hương vị đặc biệt.
Xuất khẩu “phập phù”
Hiện nay, Việt Nam có tổng đàn vịt đứng thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc, thuộc “top 10” quốc gia có sản lượng thịt và trứng vịt lớn nhất trên thế giới. Đây là vật nuôi có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất vịt trong nước cũng như xuất khẩu hiện còn nhiều hạn chế.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đánh giá: Trứng vịt muối là một trong những mặt hàng xuất khẩu nhiều tiềm năng.
Sản phẩm trứng vịt muối của Việt Nam được ưa chuộng bởi có hương vị khá đặc biệt mà trứng vịt muối các nước khác không có, nhất là trứng từ đàn vịt nuôi thả ở vùng ĐBSCL.
Mặc dù có tiềm năng xuất khẩu lớn nhưng hiện nay cả nước mới có 3 doanh nghiệp xuất khẩu trứng vịt muối và cũng chỉ xuất khẩu chủ yếu sang 3 thị trường là Singapore, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc).
Điều đáng lưu ý là, suốt từ năm 2010 đến nay, xuất khẩu mặt hàng này thường xuyên thiếu sự ổn định khi số lượng tăng giảm thất thường.
Cụ thể, nếu như năm 2010, cả nước xuất khẩu hơn 34,1 triệu quả thì năm 2011 lại giảm xuống gần 32 triệu quả. Năm 2012, con số này giảm xuống hơn 22,7 triệu quả và tới năm 2013 tiếp tục sụt giảm chỉ còn hơn 18,1 triệu quả.
Đang trong đà sụt giảm liên tiếp vài năm liền nhưng đến năm 2014, xuất khẩu trứng vịt muối đột ngột tăng lên so với năm trước khi đạt trên 27,1 triệu quả. Và tính tới hết nửa đầu năm 2015, tổng số trứng vịt muối xuất khẩu đạt hơn 10,2 triệu quả.
Một số chuyên gia đánh giá, điểm yếu nổi bật trong sản xuất, xuất khẩu trứng vịt muối của Việt Nam là các doanh nghiệp chưa tổ chức sản xuất theo chuỗi, việc giao thương hầu như mang tính gia đình, truyền thống.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chưa chủ động nghiên cứu, mở rộng khách hàng/thị trường sẵn có và phát triển những thị trường mới nhiều tiềm năng khác.
Ngoài ra, việc mở rộng đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ mới và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, G.GAP, EuroGAP, ASEANGAP… vào quá trình thu gom, xử lý và chế biến trứng muối còn nhiều vấn đề phải tính toán
Trong đó việc hình thành các vùng, cơ sở an toàn dịch đối với cúm gia cầm của các cơ sở chăn nuôi cung cấp trứng cho 3 doanh nghiệp xuất khẩu trứng vịt muối kể trên còn chưa hình thành liên kết sản xuất.
Cần tích cực vào cuộc
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, muốn thúc đẩy xuất khẩu trứng vịt muối, quan trọng là phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi.
Theo đó, phải đầu tư đảm bảo khép kín từ khâu đầu vào thức ăn, con giống, vùng chăn thả cho đến nguyên liệu làm vỏ bọc cho quả trứng muối và tiêu thụ sản phẩm.
“Lâu nay, xuất khẩu trứng vịt muối chủ yếu do doanh nghiệp quy mô vừa ở phía Nam tự tổ chức.
Nhà nước chưa có bất kỳ chính sách nào tác động đến tổ chức sản xuất, xuất khẩu ngành hàng này. Đối với riêng việc hình thành chuỗi sản xuất, tôi cho rằng vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong khâu tổ chức kết nối trong toàn bộ chuỗi.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải đưa ra các chính sách để quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường… cho sản phẩm trứng vịt muối”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đi vào từng khía cạnh cụ thể, một số chuyên gia đề xuất, muốn ngành trứng muối đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng tốt tiềm năng sẵn có, cơ quan Thú y phải tăng cường hơn nữa năng lực kiểm tra chất lượng trứng xuất khẩu; tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp chứng nhận an toàn dịch cúm gia cầm cho các cơ sở chăn nuôi vịt lấy trứng nguyên liệu cho xuất khẩu.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc cần thiết là chú trọng tổ chức chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; khẩn trương phát triển hệ thống các cơ sở chăn nuôi sạch, đảm bảo an toàn dịch bệnh (mô hình chăn nuôi vịt khép kín, an toàn sinh học).
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu đa dạng các sản phẩm trứng vịt muối như trứng muối nước, trứng muối hút chân không… đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, cùng với đó tăng cường công tác nghiên cứu thị hiếu, nhu cầu sản phẩm trứng muối ở một số thị trường tiềm năng chưa khai thác như Australia, Brunei, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…
Có thể bạn quan tâm
Trong khi thị trường xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn thì con cá rôphi nổi lên như một đối tượng thay thế đầy triển vọng nhờ thị trường tương đối mở. Do khá dễ nuôi nên việc chuyển đổi nuôi từ cá tra sang cá rôphi đang được một số dn như công ty cp chế biến thực phẩm sông hậu (sohafood) thực hiện.
Là đối tượng thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao, loài cá chiên sống tự nhiên trên dòng sông Sêrêpôk đang bị đe dọa bởi sự khai thác triệt để của con người.
Những năm qua, nghề nuôi thủy sản nước lợ, mặn ở các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông và TX. Gò Công khá phát triển. Tuy nhiên, ý thức bảo vệ môi trường của người nuôi thủy sản còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường ven biển rất cao. Do đó, người nuôi cần thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ môi trường ven biển, hạn chế dịch bệnh, gia tăng hiệu quả nuôi.
Gần 40 ha tôm thẻ chân trắng ở xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu, Nghệ An) liên tục nhiễm các bệnh đường ruột, phân trắng, hoại tử gan tụy, đốm trắng... khiến người nuôi điêu đứng.
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, tháng 7 là thời điểm thích hợp cho việc thả nuôi tôm vụ mùa mới, bởi không chỉ thuận lợi về điều kiện thời tiết, nguồn nước, môi trường, mà dự báo giá tôm nguyên liệu sẽ tăng trở lại trong những tháng cuối năm. Hiện, tại các địa phương vùng Nam Cà Mau, người nuôi tôm đang khẩn trương việc cải tạo ao, đầm theo đúng quy trình kỹ thuật, tất bật với các hoạt động thả nuôi, chăm sóc, bảo vệ, hứa hẹn một mùa thắng lợi.