Trăn Trở Nghề Nuôi Tôm Ở Bạc Liêu
Tỉnh Bạc Liêu hiện có diện tích nuôi tôm gần 130 nghìn ha, lớn thứ hai ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Sản lượng tôm chất lượng cao của tỉnh đạt hơn 100 nghìn tấn/năm, chiếm gần một phần tư sản lượng tôm chất lượng cao của cả nước. Nuôi tôm đã và đang thật sự là thế mạnh kinh tế của địa phương.
Tuy nhiên, thực trạng nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu đang đứng trước nhiều khó khăn, bất cập, cần được quan tâm, giải quyết...
Nuôi tôm sú hay tôm thẻ chân trắng?
Một trong những vấn đề "nóng" hiện nay tại tỉnh Bạc Liêu là nhiều hộ nông dân đã và đang bỏ tôm sú chuyển sang thả nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT). Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Bạc Liêu, hiện nay, con tôm sú vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, nhất là từ lâu Bạc Liêu đã có tiếng trong và ngoài nước về nghề nuôi tôm sú, với chất lượng, kích cỡ tôm lớn nhất khu vực ÐBSCL.
Nhưng do chạy theo phong trào và lợi ích trước mắt, nhiều hộ dân trong tỉnh đã "quay lưng" với tôm sú, ồ ạt chuyển sang thả nuôi TTCT.
Nhiều chuyên gia trong ngành thủy sản khuyến cáo, sự thay đổi đột ngột này, nếu chính quyền và nông dân Bạc Liêu không bình tĩnh, cân nhắc kỹ thì sẽ phải trả giá đắt khi thị trường xuất khẩu không còn "mặn mà" đối với con TTCT. Còn đối với tôm sú, có thị trường khá ổn định, nhất là nhiều nước đã quen thuộc với sản phẩm tôm sú và ưa dùng trong hơn 20 năm qua...
Trao đổi ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân, kỹ sư Phạm Minh Quang, Phó Giám đốc thường trực Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu nhận xét: "Một vài năm trở lại đây nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu có nhiều thuận lợi, song cũng gặp không ít khó khăn. Nhất là việc thả nuôi tôm sú và TTCT cũng đang nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau. Có người ủng hộ việc nhân rộng mô hình thả nuôi TTCT, nhưng cũng có không ít người phản đối khá gay gắt".
Theo kỹ sư Quang, cả hai "trường phái" này đều có thuận lợi và khó khăn riêng. Trong thực tế, mấy năm trở lại đây, thời gian thả nuôi tôm sú công nghiệp thường kéo dài từ sáu đến bảy tháng mới đạt kích cỡ từ 20 đến 25 con/kg, trong khi những năm trước chỉ từ bốn đến năm tháng. Còn thả nuôi TTCT theo mô hình công nghiệp, bán công nghiệp, ưu điểm là thời gian thả nuôi chỉ từ hai đến ba tháng là cho thu hoạch.
Bên cạnh đó, một vấn đề đáng quan tâm đối với người nuôi TTCT ở Bạc Liêu, đó là tôm nuôi xuất hiện nhiều bệnh lạ, chết đột ngột hàng loạt. Mặt khác, do nhiều hộ dân ồ ạt thả nuôi TTCT cho nên sản lượng lớn, các công ty, nhà máy chế biến thủy sản thu mua không kịp; các đối tác đã lợi dụng tình hình này để ép giá thu mua, làm cho người nuôi tôm vốn đã gặp nhiều rủi ro, càng khó khăn, điêu đứng hơn!...
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi còn được biết, đối với người nuôi tôm, từ trước đến nay, con giống luôn được xác định là khâu quan trọng nhất, là yếu tố góp phần vào sự thành, bại của vụ nuôi. Tuy nhiên, ở Bạc Liêu nhiều năm qua, việc đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất con giống chưa được chú trọng đúng mức.
Ðáng lưu ý là, các cơ sở sản xuất tôm giống trong tỉnh đều của tư nhân, mỗi năm cũng chỉ cung ứng cho thị trường tại chỗ khoảng 20% sản lượng con giống thả nuôi. Toàn bộ con giống còn lại phải nhập từ các địa phương khác và số lượng qua kiểm dịch còn rất hạn chế. Chưa kể đến còn phụ thuộc rất nhiều vào lượng tôm giống trôi nổi trên thị trường.
Ông Võ Hồng Ngoãn, người được mệnh danh là "vua tôm" ở vùng ven biển TP Bạc Liêu ngán ngẩm cho biết: Thời gian qua có không ít người đi về các vùng nông thôn rao bán từng bọc tôm giống thẻ chân trắng đựng trong thùng, giống như rao bán cà rem, người dân nơi đây thường gọi là "tôm giống cà rem" với giá rất rẻ.
Song, nhiều người nuôi tôm không thể nào biết các bọc tôm giống này được sản xuất từ cơ sở nào và ở đâu, vì không hề có nhãn hiệu ghi xuất xứ nguồn gốc.
Mặc dù nguồn gốc mập mờ, song với người nuôi tôm, do muốn gỡ vốn nhanh cho nên đã bất chấp các khuyến cáo của cơ quan chức năng, thấy giống rẻ là mua và thả nuôi, không cần biết đến hậu quả gây tổn hại đến môi trường vùng nuôi. Khi tôm bị chết thì vội tháo nước trong ao ra thẳng kênh rạch, khiến dịch bệnh lây lan, phát triển trên diện rộng...
Trong khi nhiều người bỏ tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng thì nhiều hộ nuôi tôm ở Bạc Liêu vẫn trúng mùa, thu lợi nhuận cao từ nuôi tôm sú.
Nhân rộng mô hình mới
Mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng là một trong những mô hình sản xuất mới, đem lại hiệu quả cao và bền vững đối với nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu thời gian qua. Hoặc mô hình nuôi tôm kết hợp với các loài thủy sản khác đang được nhân rộng.
Tại huyện Ðông Hải, bước đầu có hơn 500 hộ dân áp dụng mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng với diện tích gần 3.000 ha. Ngoài ra, huyện đang thực hiện phương châm nuôi trồng đa con gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững qua mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp mô hình chủ lực là nuôi cua, cá, tôm kết hợp.
Mô hình này không chỉ giúp nông dân giảm xuống mức thấp nhất các khoản chi phí đầu tư, mà còn giảm thiệt hại so với nuôi công nghiệp, đồng thời còn nuôi thêm nhiều loại thủy sản khác trên cùng một đơn vị diện tích, cho nên giảm yếu tố rủi ro khi tôm chết.
Ngoài ra, mô hình nuôi tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp sử dụng chế phẩm vi sinh cũng là hướng đi tích cực cho nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu nói riêng và ở ÐBSCL nói chung.
Anh Lê Anh Xuân, người nuôi tôm ở vùng ven biển Bạc Liêu cho biết: Từ năm 2008 đến nay, nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm sú công nghiệp, cho nên rất ít khi tôm nuôi bị chết đột ngột.
Ðặc biệt, năm nào anh cũng có lãi, có năm thu lãi bốn đến năm tỷ đồng. Hay như hộ ông Võ Hồng Ngoãn từ mấy năm nay đã rất thành công trong việc áp dụng mô hình nuôi tôm sú theo quy trình sinh học.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Ngoãn khẳng định: Mô hình nuôi tôm sú ứng dụng chế phẩm sinh học với mật độ thưa đã tạo ra nhiều ưu thế nhờ giảm rủi ro và chi phí. Ðây là mô hình nuôi tôm mà ngành nông nghiệp và người dân gọi là "nuôi tôm sạch".
Do áp dụng thành công mô hình nuôi tôm công nghiệp bằng quy trình sinh học, tôm nuôi luôn đạt kích cỡ lớn, giá bán cao. Mấy năm qua, trong khi nhiều hộ nuôi tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp ở vùng ven biển tỉnh Bạc Liêu thua lỗ, nhưng năm nào ông Võ Hồng Ngoãn cũng trúng mùa, thu lãi hàng tỷ đồng.
Có thể khẳng định, sau gần 20 năm chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm, nhìn chung, đời sống của nhiều hộ dân tỉnh Bạc Liêu có bước phát triển đáng ghi nhận, nhiều hộ dân đã xây dựng nhà mới khang trang, mua sắm nhiều phương tiện đắt tiền phục vụ sinh hoạt và đời sống.
Tuy nhiên, cũng có không ít hộ do nuôi tôm liên tiếp thất bại dẫn đến nghèo khó, nhiều hộ buộc phải bỏ đất hoang đi làm thuê khắp nơi. Ðó là "cái mất" không nhỏ mà các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng ở địa phương cần quan tâm xem xét, giải quyết để nuôi tôm thật sự trở thành một nghề, là thế mạnh kinh tế của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Đó là nơi sinh trưởng của hàng chục loại rau thơm cao cấp có nguồn gốc nước ngoài và là trang trại rau thơm lớn nhất Đà Lạt - nơi cung cấp hầu hết các chủng loại rau thơm gốc nước ngoài cho các nhà hàng, khách sạn, hệ thống siêu thị phục vụ khách cao cấp. Đó cũng là trang trại của bà Phạm Thị Thu Cúc với thương hiệu Rừng hoa Bạch Cúc.
Thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, năm 2010, ông Nguyễn Công Tại, ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định), đã trồng 118 cây dừa xiêm trên diện tích 3.600 m2 đất vườn nhà.
Nhằm thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, góp phần xây dựng các tiêu chí nông thôn mới (NTM), UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt đề án giảm nghèo theo hình thức chăn nuôi gà thả vườn (dự án) cho 20 hộ khó khăn trên địa bàn xã Tân Lợi (Đồng Phú).
Trong khi nhiều người đang đau đầu với bài toán trồng - chặt thì ở xã Long Trị, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) nhiều người phất lên và trở thành tỉ phú nhờ cây cam xoàn. Trong số đó phải kể đến ông Nguyễn Văn Đen (Sáu Đen - PV) ở ấp 2 của địa phương này.
Bất kể ngày hay đêm, ông Đào Văn Non (ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) vẫn làm việc với đam mê cháy bỏng.