Trại Ngựa Bạch Bên Sông Hồng

Gần 10 năm trước, Nguyễn Mạnh Thắng (sinh năm 1971) ở Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội vẫn là một anh nông dân nghèo khó, không nghề nghiệp ổn định. Rồi bỗng nhiên anh nghĩ ra một hướng đi mới, rất độc đáo đó là mở trang trại lai tạo và nhân giống ngựa bạch. Bằng nghị lực vượt khó, vợ chồng anh đã khai hoang bãi bồi ven sông Hồng để làm trại ngựa. Giờ đây trang trại đã có hơn 100 chú ngựa bạch và rất nhiều ngựa giống đã được bán ra.
Vào năm 2006 người chị của Thắng gợi ý anh nuôi ngựa bạch. Anh kể: “Tôi và chị mình sau nhiều ngày bàn bạc, đi tìm hiểu các trại ngựa khắp nơi. Khi đó tổng số ngựa bạch trên cả nước chỉ còn khoảng 400 - 500 cá thể. Ngựa được thịt ra nấu cao ngày một nhiều, còn người đi nhân giống lai tạo ngựa bạch khi đó hầu như không có”. Sau đó, Thắng đã quyết định bán hết gà, vịt cộng với tiền của chị mình để lập trang trại ngựa bạch.
Theo anh Thắng, ngựa bạch Cao Bằng nhỏ, con trưởng thành chỉ nặng khoảng 150 - 180kg, nuôi ngựa bạch nói chung và ngựa Cao Bằng nói riêng vừa dễ mà cũng vừa khó. Dễ ở chỗ ngựa bạch ăn được tất cả các loại cỏ, bệnh tật rất ít, thường chỉ các bệnh thông thường như đầy hơi, chướng bụng, dễ chữa khỏi. Nhưng khó là chúng kém thích nghi với thời tiết mùa hè.
Được sự tư vấn của khoa thú y Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Thắng đã mạnh dạn nuôi thêm một số cá thể ngựa nữa sau nhiều phen thất bại. Sau khoảng 2 năm, trại ngựa đã có số lượng kha khá và hiện nay diện tích trang trại của Thắng đã lên tới 6,7ha, với nhiều bãi cỏ cho ngựa ăn, việc nhân giống và phát triển đàn ngựa cũng suôn sẻ.
Theo anh Thắng, ngựa bạch cũng có 2 loại được phân biệt theo màu lông. Đó là loại ngựa bạch trắng muốt như tuyết và ngựa bạch thau với lông ngả màu đồng. Những chú ngựa bạch dù là trắng muốt hay đồng thau, sau khi tắm rửa sạch sẽ đều rất đẹp. Từ hình dạng và bộ lông đẹp đẽ ấy, anh Thắng đã nghĩ ra ý định thuần hóa vài cặp để cho mọi người cưỡi chơi.
Hàng ngày anh Thắng tận tay chăm sóc chú ngựa bạch đã thuần hóa từ cho ăn, đeo yên, đeo dây cương rồi cưỡi nó đi vài vòng quanh trang trại cho quen với hơi người, quen đường đi lối lại. Việc nuôi ngựa bạch để nhân lai tạo giống bán là cuộc mưu sinh làm giàu, nhưng thuần hóa ngựa, theo anh Thắng thực sự là đam mê và mong muốn để có một vài chú ngựa bạch phục vụ cho các bạn trẻ vui chơi đích thực.
Có thể bạn quan tâm

Để mở ra hướng đi mới cho sản xuất hàng hoá trong xây dựng nông thôn mới (NTM), giúp người dân nâng cao thu nhập, đảm bảo kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững, xã Lê Lợi (Hoành Bồ - Quảng Ninh) đã triển khai một cách hiệu quả mô hình nuôi gà tập trung.

Do thời tiết nóng ẩm, nên nhiều trà lúa hè thu có nguy cơ xuất hiện dịch bệnh đạo ôn và bệnh vi khuẩn. Thực tế tại Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đạo ôn đã xuất hiện. Nếu việc phòng trị không chủ động bệnh sẽ lan nhanh ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa.

Cá ngừ là mặt hàng xuất khẩu đứng thứ ba của Việt Nam sau tôm và cá tra, basa với 526 triệu đô-la Mỹ năm 2013 và tương lai sẽ trở thành mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản nếu có cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ ngư dân đầu tư, cải tạo trang thiết bị, công cụ đánh bắt nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Mặc dù có thể làm thành những món ăn hấp dẫn, nhưng cá lau kính – một loài sinh vật ngoại lai – đang là mối nguy cơ có thật đối với hệ sinh thái trong các thủy vực tự nhiên.

Các địa phương cần công khai chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi biết, hợp tác trong công tác phòng chống dịch, không bán chạy gia súc, gia cầm mắc bệnh.