Trái Cây Vào Mùa
Những ngày này, tại các chợ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đầy ắp những loại trái cây được người dân từ trong vườn đem ra, hoặc được các tiểu thương lấy từ các tỉnh khác về bán lại. Sản phẩm rất đa dạng về chủng loại, chất lượng không thua hàng ngoại và giá bán cũng tương đối mềm.
Tại TP.Vị Thanh (Hậu Giang), có nhiều loại trái cây được bày bán từ trong sạp ở các chợ lớn đến chợ phường, xã cho tới các xề bán dọc đường với màu sắc đẹp, rất thu hút khách hàng. Cô Thủy, chủ vựa trái cây ở chợ Vị Thanh, cho biết: “Ở vựa của tôi bán chạy nhất là chôm chôm, trung bình bán gần 400 kg/ngày cả sỉ và lẻ.
Còn măng cụt bán ra cũng từ 200 - 300 kg/ngày, chủ yếu là người dân mua về ăn, đám tiệc, hoặc bán lại còn làm quà biếu thì tương đối ít”. Trái cây bán ở chỗ cô Thủy chủ yếu là hàng trong nước vì giá thấp, phù hợp với túi tiền của người dân. Còn trái cây nhập giá cao hơn nhiều, bán rất chậm nên vựa cũng hạn chế lấy về bán vì người tiêu dùng cũng ngán ngại trái cây ngoại, nhất là trái cây có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Theo cô Thủy, trái cây nội tuy nhỏ nhưng chất lượng thì không thua kém trái cây ngoại và điều quan trọng là rất an toàn cho người sử dụng. Hiện sạp của cô bán trên 20 loại trái cây, chỉ có chôm chôm Thái gần đây giá tăng lên 25.000 đồng/kg do gần hết mùa, còn các mặt hàng khác giá vẫn ổn định.
Chị Bé Bảy mua trái cây chợ Vị Thanh, cho biết: “Bây giờ đang là mùa thu hoạch trái cây, khi đi chợ tôi cũng thường hay mua về để cả gia đình cùng ăn. Tôi thấy giá một số loại trái cây cũng phù hợp với túi tiền của người dân. Khi chọn mua, tôi vẫn thích trái cây sản xuất trong nước vì có chất lượng tốt, dù mẫu mã, màu sắc không bằng hàng ngoại nhưng được cái là giá rẻ và không sợ thuốc bảo vệ thực vật”.
Đa số mặt hàng trái cây được bày bán từ các sạp, xề bán lề đường là trái cây trồng trong nước. Trái cây trong tỉnh được nhà vườn cung ra lúc này là cam, quít, măng cụt,… còn chôm chôm, bòn bon, sầu riêng, mận... thì hàng chở từ Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng…
Chị Hoa, một nhà vườn bán măng cụt ở chợ phường 7, TP.Vị Thanh, chia sẻ: “Năm nay, măng cụt được mùa, giá bán ra cũng bình ổn. Nhà trồng với diện tích ít và hiện nay cũng vào cuối mùa thu hoạch nên tranh thủ đem ra chợ bán để tăng thêm lợi nhuận. Giá bán lẻ là 20.000 đồng/kg, còn cân tại nhà cho thương lái chỉ 14.000 - 16.000 đồng/kg”.
Trái cây trong nước phong phú về màu sắc và hiện nay được các nhà vườn chú ý nâng cao chất lượng để sản phẩm ngày một ngon hơn. Tuy nhiên đầu ra cũng không ổn định, trồng theo kiểu đại trà, khi hút hàng thì giá cao ngất ngưởng, khi dội chợ thì giá rẻ bèo. Nhận thấy điều bất lợi này, anh Đinh Văn Đệ, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A đã cho trái ra nghịch vụ nhằm bán được giá.
Anh Đệ cho biết: “Giá cả trái cây thường bấp bênh nên gia đình tôi hàng năm đều cho trái rải vụ, vì thế mà đầu ra ổn định, giá bán cao gấp 2 - 3 lần giá mùa bình thường. Sắp tới tôi sẽ cho ra thị trường xoài cát Hòa Lộc nghịch vụ bán vào rằm tháng 7, tháng 10 âm lịch. Vì thời điểm này một số loại trái cây đã qua mùa, thị trường tiêu thụ mạnh và bán sẽ được giá hơn”.
Theo anh Đệ, do ảnh hưởng của đợt mưa dầm vừa qua nên tỷ lệ đậu trái thấp, năng suất xoài giảm đáng kể. Nhờ mô hình bao trái nên giảm chi phí phòng trừ sâu bệnh, cho trái đẹp, bóng sáng. Sản phẩm xoài cát Hòa Lộc của anh gần đây luôn được thương lái săn đón vì sử dụng phương pháp trồng sạch để cho ra sản phẩm có chất lượng, an toàn cho sức khỏe.
Vụ xoài nghịch năm nay, dự kiến sản lượng xoài của gia đình gần 1 tấn. Thông thường giá vào thời điểm thu hoạch từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, nhưng theo anh Đệ lợi nhuận sẽ thấp hơn so năm trước vì sản lượng năm nay sụt giảm.
Có thể bạn quan tâm
Đứng trước báo động đỏ về dịch bệnh tôm nuôi, nhiều năm qua ngành nông nghiệp đề ra nhiều giải pháp để loại trừ tôm giống kém chất lượng, song vẫn chưa thực hiện được.
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè trên đầm nước mặn Sa Huỳnh lo lắng vì kẻ gian cắt lồng bè nuôi cá của một số hộ nuôi gây thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Tuy vào vụ gần 2 tháng và bệnh sữa trên con tôm không còn phức tạp như năm trước, nhưng tình trạng tôm chết rải rác vẫn còn xảy ra, vì vậy vấn đề dịch bệnh đang là nỗi lo thường trực của người nuôi tôm hùm trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).
Vẫn không ngừng tay múc từng bát cám đổ vào máng cho đàn lợn chị Thanh ở xã Văn Lương, huyện Tam Nông (Phú Thọ) vừa giãi bày: Giá cám bây giờ đắt quá, lãi thấp lắm, không có việc nên chúng em cứ phải nuôi, chứ trừ tiền giống, nhất là tiền mua thức ăn chẳng được bao nhiêu.
Cùng với việc áp dụng công nghệ biogas trong chăn nuôi, gần đây nhiều nông dân ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã thực hiện thành công kỹ thuật làm đệm lót sinh học áp dụng cho nuôi heo, gà.