Cánh Đồng 10 Loại Cây Ở Xuân Sơn (Quảng Ninh)
Thời điểm này 4 sào cây bí ngồi trồng trên cánh đồng thử nghiệm giống mới của Hàn Quốc tại xã Xuân Sơn, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) đang cho thu hoạch. Toàn bộ diện tích này đều xanh mướt; đặc biệt quả bí mọc từ trong thân cây, xen kẽ các nhánh lá láng mịn, xanh non trông bắt mắt.
Rất khác lạ so với các giống bí thường thấy, bí ngồi thân cây thẳng, thấp; quả nhỏ, dài như quả mướp, thu hoạch khi quả còn non. Mặc dù mới trồng được gần 2 tháng, song cây sinh trưởng và phát triển rất tốt, đã cho thu hoạch và đặc biệt năng suất rất cao.
Chị Nguyễn Thị Ngà, một nông dân ở đây cho biết: Giống cây này thật sự rất khoẻ mạnh. Đợt bão số 14 vừa qua tưởng là hỏng bởi cây đổ gập xuống, một phần lá bị gãy nát, thế nhưng chỉ sau một tuần cây đã phục hồi hoàn toàn, tiếp tục ra lá non và quả. Ngoài ra trong quá trình trồng, chăm sóc loại cây này chúng tôi bón rất ít phân và đều là phân sạch, không có phân hoá học, thế nhưng cây vẫn phát triển rất tốt, nhất là giai đoạn ra quả.
Chỉ nhìn vào năng suất này có thể khẳng định cây bí ngồi có giá trị kinh tế cao. Cụ thể với giá thu mua như hiện nay, khoảng 15.000 đồng/kg thì 4 sào trên sẽ đạt giá trị từ 4,5-6 triệu đồng/ngày; tính ra khoảng trên dưới 10 triệu đồng/sào/vụ thu hoạch, tương đương 250-300 triệu đồng/ha/ vụ thu hoạch, mức cao gấp 2,5-3 lần giá trị trồng lúa hiện nay.
Đáng nói là loại cây bí ngồi kể trên nằm trong 10 loại cây trồng thuộc khuôn khổ dự án thử nghiệm giống mới của Hàn Quốc, với 1ha trồng 10 loại cây lấy lá và lấy củ. Bao gồm ớt, hành, bí ngô, khoai tây, bí ngồi, khoai lang, củ cải, cà rốt, cà chua và xà lách. Phía Hàn Quốc sẽ cung cấp giống và chuyển giao kỹ thuật canh tác, một phần vật tư phục vụ dự án; huyện Đông Triều chịu trách nhiệm triển khai thực tế mô hình. Đáng mừng là đến thời điểm này, ngoài cây bí ngồi, hầu hết các loại cây còn lại đều đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Chị Nguyễn Thị Thà, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, đơn vị được huyện Đông Triều giao làm đối ứng, chịu trách nhiệm triển khai thực tế cho biết: Hiện ngoài củ cải gần như bị hỏng do bị ngâm trong nước trong cơn bão số 14 vừa qua; ớt cũng chậm lớn, thì các loại cây còn lại đều thích ứng với đất đai, phát triển đúng hoặc sớm hơn chu kỳ. Trong đó bí ngồi, hành, khoai lang, xà lách, cà chua phát triển tốt hơn cả.
Nói thật là khi quyết định tham gia làm đơn vị đối ứng của mô hình này tôi cũng phải rất quyết tâm. Bởi HTX cũng mới trải qua 3 năm phát triển, trong khi đó hiệu quả mô hình thì chưa đánh giá được. Thế nhưng giờ nhìn cả cánh đồng với mỗi một khoảnh đất là một loại cây, một màu sắc khác nhau, song đều tốt tươi, tràn đầy sinh lực thì thực sự tôi thấy xứng đáng.
Được biết từ năm 2012 đến nay, nhằm tăng sản lượng và giá trị nông nghiệp một cách nhanh và bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân, huyện Đông Triều đã thông qua các đơn vị chuyên môn của trung ương để thực hiện một số mô hình hợp tác với Hàn Quốc trong chuyển giao công nghệ và giống.
Cụ thể, trước đó, cuối năm 2012, thông qua Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, huyện Đông Triều đã thành công với mô hình 1ha trồng 7 loại cây ở xã Nguyễn Huệ. Hiện nay cũng thông qua Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, huyện đang triển khai mô hình 1ha trồng 10 loại cây tại xã Xuân Sơn kể trên.
Cùng với đó, hiện huyện Đông Triều cũng đang thông qua Trường Đại học Nông nghiệp triển khai 60ha khoai tây tại 4 xã trung tâm trên địa bàn; 100% sản phẩm trên diện tích này đều được phía Hàn Quốc bao tiêu. Ngoài ra, hiện huyện Đông Triều cũng đang tích cực thực hiện lộ trình mô hình 80ha cây trồng lấy lá và lấy quả giống Hàn Quốc ở 3 xã Đức Chính, Tràng An, An Sinh. Đáng mừng là các mô hình đã thực hiện đều đã và đang khẳng định đồng đất Đông Triều phù hợp với nhiều loại cây trồng giống mới, từ đó cho kết quả tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Đặng Văn Diềm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Qua thực tế thì mức đầu tư trồng các giống mới Hàn Quốc với giống của ta là tương đương; kỹ thuật canh tác cũng không quá khó, người nông dân đều có thể triển khai thành thạo, tuy nhiên hiệu quả kinh tế lại lớn hơn hẳn. Thậm chí có một số loại cây đang cho giá trị cao gấp 2 đến 3 lần giống thông thường. Đây chính là ưu thế của các giống mới Hàn Quốc, hoàn toàn đáp ứng được mục tiêu của huyện là tăng giá trị trên diện tích sản xuất nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Tại TP.HCM, nhiều nhà đầu tư đổ dồn về huyện Cần Giờ mua đất xây nhà nuôi chim yến. Trong khi thiếu những nghiên cứu khoa học đánh giá hiệu quả và rủi ro thì việc phát triển quá nhanh theo phong trào nuôi yến đã khiến không ít người lo ngại
Dự án “Phát triển sản xuất lúa nếp Gà gáy Mỹ Lung thành vùng sản xuất hàng hóa” do huyện Yên Lập phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ triển khai từ năm 2009 đến nay đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân tại địa phương.
Với đặc tính chịu khô hạn, không khó tính trong lựa chọn đất sinh trưởng nên ngay khi được đặt hom, cây dứa đã bén rễ và sinh trưởng phát triển tốt ở đất núi Điện Quan. Để có giống cây, người Mông ở đây phải mua giống tận đất dứa Mường Khương với loại dứa quả to, lá nhỏ, ngọt và cho nhiều thân ở một gốc về trồng
Sau một thời gian tăng lên ở mức đảm bảo người nuôi có lãi, gần đây giá cá tra nguyên liệu đã giảm mạnh, khiến người nuôi tiếp tục sống trong cảnh thấp thỏm lo âu. Người nuôi cá mong mỏi bao giờ giá cá tra hết bấp bênh như hiện nay, để có điều kiện phát triển nghề nuôi có truyền thống lâu đời ở vùng ĐBSCL?
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Kiên Giang, tính đến ngày 5-4-2012, toàn tỉnh đã thu hoạch dứt điểm 64.430 ha lúa mùa, năng suất bình quân khoảng 4,27 tấn/ha. Vụ Đông Xuân 2011 – 2012, đến thời điểm này đã thu hoạch xong 283.791 ha, đạt 97,36% diện tích gieo sạ, năng suất bình quân đạt tới 7,14 tấn/ha.