Do tôm chết hàng loạt, lỗ nặng, nhiều nông dân đã phải treo ao, kiếm kế sinh nhai khác.
Tình trạng tôm chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, ĐBSCL đang khiến nông dân điêu đứng, lâm vào cảnh nợ nần. Nhiều người đã phải bỏ nghề nuôi tôm, đi tìm việc khác để làm.
Kiệt quệ vì tôm
Tiền Giang là một trong những địa phương ở ĐBSCL bị thiệt hại nặng do tôm chết hàng loạt. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có 3.568 ha với 1.113 triệu con tôm giống thả nuôi (đạt 85% diện tích). Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 5, đã có trên 513 ha với 367 triệu con giống bị chết, chiếm 33%.
Dẫn chúng tôi đi trên bờ đê khu bãi bùn, thuộc xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông vào đêm 30-5, kỹ sư Nguyễn Phước Vinh cho biết: “Thông thường, nếu không gặp thiên tai thì khu vực nuôi tôm này hằng đêm đèn sáng rực cả góc trời. Nhưng chỉ sau một tháng, vùng chuyên canh nuôi tôm này đã chết sạch nên những ngọn đèn cũng tắt luôn”. Theo kỹ sư Vinh, khu bờ đê bãi bùn có đến 90% dân sống bằng nghề nuôi tôm.
Năm nay tự dưng tôm chết hàng loạt nên người dân ở đây phải lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Anh Trần Văn Quýt, một người nuôi tôm lâu năm ở đây, cho biết vụ này, anh thả 350.000 con tôm giống, mỗi con 120 đồng và bị chết sạch, lỗ hơn 100 triệu đồng. Không còn cách nào khác, sau khi vớt hết tôm chết, anh đành treo ao đi làm thuê kiếm sống qua ngày và trả nợ ngân hàng.
Nhưng thiệt hại nặng nhất ở vùng nuôi tôm Tân Phú Đông là ông Năm Phong, xã Phú Tân. Cả 10 ao tôm của ông mới thả bị chết đỏ ao, thiệt hại trên 2 tỉ đồng.
Muối mặt nông dân
Tình cảnh của người nuôi tôm ở các tỉnh miền Trung cũng chẳng khá hơn. Liên tục thời gian gần đây, gần 50 ha tôm thẻ chân trắng của người dân huyện Núi Thành, Thăng Bình và TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam bỗng dưng chết hàng loạt làm cho nhiều gia đình méo mặt vì lỗ. Ông T. C. T (50 tuổi, trú xã Tam Phú, TP Tam Kỳ - Quảng Nam) cho biết ông có 3 hồ tôm tổng khoảng 1 ha. Trong đó một hồ thả trên 100.000 con tôm giống, vừa tròn một tháng thì bị chết hết, thiệt hại khoảng 20 triệu đồng. Cạnh hồ ông T. có 2 hồ tôm của ông T. V. S (40 tuổi). Ông S. thả gần 500.000 con cũng bị chết sạch.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 1.300 ha diện tích ao hồ nuôi tôm. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 410 ha đang thả tôm nuôi, số diện tích còn lại do tôm chết phải bỏ hoang. Ông Bùi Nga (xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa) nói: “Nhà tui có gần 10.000 m2 thả nuôi 700.000 con tôm giống. Sau 3 tháng chăm sóc thế nào cũng lấy được 6 - 7 tấn tôm, thế mà giờ trở nên trắng tay, lỗ hơn 500 triệu đồng”.
Khoảng 120 hộ nuôi tôm trên cát thuộc thôn Thạch Thang cũng đang điêu đứng vì tôm chết. Ông Hồ Văn Tân (thôn Thạch Thang, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức) nhìn hồ tôm trơ đáy than: “Sau tết, mót hết tài sản còn lại đầu tư lần cuối, ai ngờ tôm được ba tuần tuổi thì chết đỏ hồ. Vậy là coi như trắng tay”.
Từ đầu tháng 2 đến nay, dịch bệnh trên tôm hùm bùng phát mạnh tại Phú Yên, Khánh Hòa. Thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) và huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) là hai địa phương bị nặng nhất, có vùng tỉ lệ tôm chết từ 50%-70%. Theo ông Huỳnh Kim Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa, số lượng tôm hùm toàn tỉnh bị chết trong vụ năm nay lên đến hơn 50 tấn, thiệt hại của nông dân đến thời điểm này trên 50 tỉ đồng./.