Tổ Yến Nhập Khẩu Đang Chiếm Lĩnh Thị Trường

Những người nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đang đau đầu vì sản phẩm của mình phải cạnh tranh với tổ yến nhập khẩu. Hiện chưa có đánh giá cụ thể nào về tỷ lệ tổ yến nhập khẩu đang được bày bán trên thị trường nhưng điều nhìn thấy rõ nhất là giá tổ yến trong nước đã giảm gần 50%.
80% LÀ TỔ YẾN NHẬP KHẨU?
Để có lời giải cho tình trạng này, chúng tôi đã tìm về ông Trần Văn Thiết, nhiều người gọi thân mật là ông Mười Thiết (Khương Ninh, Long Bình, Gò Công Tây) là một trong những người đầu tiên gây nuôi chim yến và hiện có quy mô nuôi đứng nhất, nhì của tỉnh hiện nay. Trang trại nuôi chim yến của ông hiện có gần 3 triệu con, với số lượng tổ yến được thu hoạch hàng năm trên 100 kg.
Ông Mười Thiết khẳng định tình trạng tổ yến nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia được bày bán trên thị trường đã diễn ra nhiều năm nay, với nhiều loại khác nhau. Chỉ có những người trong nghề mới có khả năng phân biệt đâu là tổ yến được nhập khẩu hay được nuôi trong nước.
Còn đối với người tiêu dùng, mua tổ yến rẻ hơn đồng nào thì đỡ đồng nấy. “Đúng ra hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia có giá bán chênh lệch với hàng trong nước rất nhiều. Nhưng người bán đâu có nói, chỉ kê lên thấp hơn hàng trong nước vài phân là người mua đã thích rồi. Có trường hợp khách hàng về Gò Công mua tổ yến về sử dụng rồi sau đó phản ánh là mua lầm” - ông Mười Thiết cho biết.
Thật ra, hiện chưa có kết quả khảo sát cụ thể nào về tỷ lệ tổ yến nhập khẩu đang được bày bán trên thị trường, dù biết nó chiếm thị phần rất lớn. Nhưng thực tế có thể dễ dàng nhìn thấy là giá tổ yến trong nước đã giảm đi rất sâu, trong đó có áp lực cạnh tranh về giá từ hàng nhập khẩu. Bởi giá trung bình trên thị trường hiện nay đối với tổ yến thô cũng chỉ khoảng 20 triệu đồng/kg, riêng loại 1 cũng khoảng 25 triệu đồng/kg.
Ông Mười Thiết cho biết, thực tế từ cuối năm 2013 đến nay tổ yến đã 3 lần giảm giá, chứ vào cuối năm 2013 giá tổ yến loại 1 còn trên 30 triệu đồng mỗi kg. Còn khi chim yến mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh, giá tổ yến có thể lên đến trên 50 triệu đồng/kg.
“Một số khách hàng nước ngoài đến Gò Công tìm hiểu, lấy tổ yến bỏ vào nước ngâm khoảng 15 phút đem ra tổ yến không tan ra; còn tổ yến khác thì sau một thời gian ngâm, tổ dễ vỡ ra, bời rời.
Đối với tổ yến Gò Công khi đưa vào mũi ngửi có mùi rất tanh, những ai mới làm sơ chế tổ yến chưa quen chịu không nổi. Chỉ có những người trong nghề nhìn tổ yến mới có thể biết được đâu là tổ yến trong nước do sợi nhuyễn, làm sơ chế xong vắt lại dính như keo, chứ không bời rời.
Tuy nhiên, tổ yến nhập khẩu còn đỡ hơn là hàng giả. Bởi tình trạng tổ yến giả cũng đã xuất hiện trên thị trường, nhất là ở thị trường tiêu thụ lớn như TP. Hồ Chí Minh” - ông Mười Thiết phân tích thêm.
Anh Quốc Nam, một trong những người nuôi và kinh doanh tổ yến ở TX. Gò Công cũng khẳng định với chúng tôi rằng, hiện tại tổ yến được lấy tại nhà nuôi ở Gò Công tối đa là 17 triệu đồng/kg, đã giảm gần 50% so với khi phong trào nuôi yến mới phát triển.
Thực tế là do số lượng tổ yến khai thác không nhiều trong khi nhu cầu tiêu dùng tổ yến ngày càng tăng cao nên việc nhập khẩu tổ yến cũng là điều đương nhiên. Bởi đối với những nhà nuôi chim yến trong nước, ít nhất 3 tháng mới lấy tổ một lần.
Còn đối với những nhà mới xây để nuôi, lượng tổ yến lấy được cũng rất ít, chỉ vài trăm gram trong khi nhu cầu tiêu thụ rất lớn, đòi hỏi phải nhập yến ngoại về. “Tổ yến Malaysia gần như chiếm khoảng 80% thị phần và được người tiêu dùng chấp nhận. Nhưng hiện nay thật sự rất khó phân biệt. Những người kinh doanh tổ yến chuyên nghiệp, đủ đội ngũ có kinh nghiệm cũng phải chấp nhận thực tế này.
Hiện tại tổ yến ở Gò Công được bán khắp nơi, nhưng thời gian tới các nơi đều có nuôi, nhu cầu tiêu thụ không còn cao nên khả năng giá giảm thêm là đương nhiên” - ông Quốc Nam cho biết.
ÁP LỰC TỪ NHỮNG NGÔI NHÀ NUÔI MỚI
Dẫu trên thị trường tiêu thụ hiện có những điều bất thường đang xảy ra nhưng những ngôi nhà nuôi chim yến vẫn cứ mọc lên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn TX. Gò Công bên cạnh người dân địa phương, cũng có nhiều nhà đầu tư từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương đến đầu tư xây dựng nhà để nuôi chim yến.
Thậm chí cũng có nhóm của Tập đoàn Việt Úc xuống đầu tư xây dựng mấy chục căn nhà nuôi chim yến. Nhiều người đã ví von rằng, thu hút đầu tư nhiều nhất ở vùng Gò Công, nhất là ở TX. Gò Công là đầu tư vào nhà nuôi chim yến. Điều này có lẽ không sai vì chỉ cách một thời gian ngắn đã có hàng loạt ngôi nhà nuôi chim yến mới được mọc lên.
Anh N.T.T, ở phường 1, TX. Gò Công nói rằng, tới đây người dân vẫn tiếp tục nuôi chim yến do tận dụng thiên nhiên ưu đãi. Khi xây dựng nhà mới nhiều người tận dụng 1, 2 tầng để nuôi chim yến nên cũng không phát sinh thêm nhiều chi phí đầu tư, bất kể khu vực nào ở vùng Gò Công hiện nay đều có thể nuôi.
Chứ đầu tư xây mới nhà nuôi yến riêng chắc không còn nhiều do hiệu quả mang lại không còn cao như trước. Trước đây có thể 5 năm thu hồi được vốn nhưng nay lên đến 10 năm. Bởi những ngôi nhà nuôi yến mới xây thường số lượng chim yến về lưu trú và làm tổ thưa thớt, do đặc thù chim yến sống theo bầy đàn, ít lưu trú ở những ngôi nhà mới.
Lãnh đạo Phòng Kinh tế TX. Gò Công tính toán cho chúng tôi biết rằng, mỗi căn nhà nuôi chim yến có vốn đầu tư ít nhất 1,5 tỷ đồng (thường trên 2 tỷ đồng/căn). Thống kê sơ bộ, ở TX. Gò Công hiện có gần 300 căn nhà nuôi chim yến, nên tổng vốn đầu tư cho nhà nuôi chim yến trên địa bàn thị xã cũng xấp xỉ 600 tỷ đồng.
Đây là con số không nhỏ. Nhưng vấn đề đáng bàn ở đây không phải là số vốn đầu tư đã thu hút được vào lĩnh vực này mà cái chính là ở hiệu quả đầu tư đạt được đến mức độ nào. Bởi theo tính toán sơ bộ hiện nay có đến 70% nhà nuôi chim yến ở Gò Công kém hiệu quả do nhiều nguyên nhân.
Còn theo thống kê gần đây của Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 452 cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến, tập trung trên địa bàn TX. Gò Công, huyện Gò Công Tây, huyện Tân Phú Đông…
Khía cạnh cạnh tranh sản phẩm cũng đáng được bàn luận. Giả sử tất cả những ngôi nhà ở Gò Công có đông đúc chim yến, yếu tố cạnh tranh về giá bán sản phẩm cũng làm cho những nhà đầu tư khó tìm được hiệu quả cao.
Bằng chứng là các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan có truyền thống nuôi chim yến, với số lượng tổ đã được thu hoạch hàng năm rất lớn và với giá bán cũng rất thấp. Số lượng tổ yến này đang dần chuyển vào tiêu thụ ở thị trường Việt Nam ngày càng nhiều.
Thực tế là giá tổ yến thương phẩm nhập ngoại từ các nước có truyền thống nuôi chim yến trên thị trường trong nước chỉ từ 16 - 17 triệu đồng/kg, trong khi tổ yến Gò Công hiện dao động cũng chỉ trên dưới 20 triệu đồng/kg.
Tất nhiên, tổ yến Gò Công được đánh giá là có chất lượng tốt hơn do điều kiện tự nhiên ưu đãi. Như vậy, những nhà đầu tư nuôi chim yến ở Việt Nam nói chung và ở Tiền Giang nói riêng thực sự đang đứng trước những bài toán khó.
Có thể bạn quan tâm

Cơ quan kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga Rosselkhoznadzor ngày 6/10 cho biết hơn 25 tấn cá basa filê đông lạnh của Việt Nam cập Cảng Lớn ở thành phố St. Petersburg đã bị áp dụng hạn chế tạm thời.

Được sự chỉ dẫn tận tình, chúng tôi tìm đến ngôi nhà có vườn cây với tên gọi khá lạ so với người dân Phố núi: cây chùm ngây. Người đàn ông tuổi đã ngoài 50 tên Nguyễn Sỹ Trung chính là chủ nhân của mảnh vườn ấy. Mấy ai ngờ rằng mảnh vườn vỏn vẹn 100 m2 này chính là niềm vui của đôi vợ chồng cựu chiến binh sống tại tổ 4, phường Thắng Lợi (TP. Pleiku).

Sở hữu hơn 40 cây dâu da đất với năng suất từ 1 tạ đến 3 tạ/cây, gia đình ông Nguyễn Hòa My (ở thôn An Điền Bắc, xã Cửu An, thị xã An Khê) đã chọn đúng cây trồng, hợp thổ nhưỡng để thoát nghèo “khỏe” với thu nhập gần 50 triệu đồng/năm.

Tận dụng lợi thế đất đai, thổ nhưỡng kết hợp với phương pháp canh tác khoa học và trên cả là ý chí vượt khó vươn lên, nhiều hộ nông dân ở huyện Krông Pa đã và đang làm đổi thay cuộc đời mình. Những hộ nông dân thu nhập tiền tỷ hay hàng trăm triệu đồng mỗi năm đã không còn là chuyện hiếm trên vùng đất xa xôi này.

Trong nắng Thu dịu nhẹ nhuộm vàng cánh đồng lúa chín là hình ảnh người dân quê nhanh tay gặt những bông lúa vàng trĩu hạt; là sự tất bật thu từng bó lúa đã hanh khô qua nắng để đưa vào máy tuốt... Những hình ảnh ấy tuy bình dị nhưng đã tạo nên bức tranh sinh động cho mùa lúa chín ở xã Quang Minh (Bắc Quang).