Cơ Hội Mới Cho Lý Sơn
Lý Sơn đang đứng trước cơ hội phát triển mới khi tới đây Chính phủ sẽ ký quyết định về cơ chế chính sách đặc thù cho huyện đảo này.
Cuối năm nay, Lý Sơn cũng sẽ có điện lưới quốc gia được thực hiện xuyên biển bằng cáp ngầm. Đây đều là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy huyện đảo vốn giàu tiềm năng và có vị trí chiến lược quan trọng phát triển mạnh mẽ hơn về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng.
Phát triển mạnh “mũi giáp công”
Giữ vững thương hiệu hành, tỏi Lý Sơn
“Trồng và chế biến hành, tỏi trong thời gian tới phải phù hợp với hệ sinh thái, phát triển bền vững nhằm bảo vệ môi trường sống, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao. Thông qua việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, bảo quản và chế biến hành, tỏi nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đưa huyện đảo Lý Sơn trở thành một mô hình về phát triển nông nghiệp công nghệ cao”- đồng chí Nguyễn Thanh, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho biết.
Lý Sơn vốn nổi tiếng với hành, tỏi và giá trị sản xuất ngành trồng trọt bình quân 1ha đất canh tác đạt con số rất ấn tượng - 328 triệu đồng/năm. Thế nhưng, đây không phải là lĩnh vực đóng góp lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện đảo.
Năm 2013, giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 3,6%, trong khi đó, thủy sản và thương mại-dịch vụ mới là hai lĩnh vực đóng góp lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của huyện đảo. Trong năm 2013, giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 216 tỷ đồng, chiếm 33%. Còn thương mại dịch vụ giữ vị trí số 1, khi giá trị sản xuất đạt gần 320 tỷ đồng, chiếm 49%.
Những con số này đã minh chứng mức độ đóng góp mang tính vượt trội trong phát triển kinh tế của huyện đảo và hai lĩnh vực này sẽ được ưu tiên đầu tư phát triển trong thời gian đến. Đồng chí Nguyễn Thanh-Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho biết, tới đây huyện sẽ tiếp tục vận động nhân dân đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, gắn với đầu tư trang thiết bị hiện đại, ngư lưới cụ tiên tiến để đánh bắt xa bờ, nhằm đảm bảo chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm.
Đến năm 2020, huyện phát triển trên 200 tàu có công suất trên 200 CV, đủ điều kiện hình thành 10 đến 20 tổ đội vươn khơi xa khai thác hải sản và làm dịch vụ trên biển, tạo điều kiện đánh bắt dài ngày trên biển, nâng cao giá trị kinh tế. Đồng thời giúp đỡ nhau khi gặp thiên tai, hoạn nạn và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Việc phát triển đội tàu có công suất lớn sẽ gặp thuận lợi khi hiện nay Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích ngư dân phát triển đóng tàu vỏ thép với những ưu đãi trong vay vốn, thời gian trả nợ, chính sách bảo hiểm…
Nếu như trước đây, dịch vụ hậu cần nghề cá ở Lý Sơn vẫn là khâu yếu, thì nay với cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, nhất là khi huyện đảo được cung cấp nguồn lưới điện quốc gia, thì việc phát triển cơ sở hạ tầng khu dịch vụ hậu cần nghề cá sẽ mang đến cho lĩnh vực thủy sản một diện mạo mới.
Ngoài việc tiếp tục đầu tư hoàn thiện Vũng neo trú tàu thuyền (giai đoạn 2), Lý Sơn nên quan tâm kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hải sản để chế biến những loại sản phẩm đông lạnh có giá trị xuất khẩu, cũng như cung cấp cho thị trường trong nước. Cùng với đó là phát triển hàng loạt dịch vụ đi kèm như cung cấp nước ngọt, đá lạnh, thực phẩm, xăng dầu, sửa chữa tàu thuyền, thu mua sản phẩm thủy sản…
Đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch
Bên cạnh việc phát triển lĩnh vực thủy sản, Lý Sơn cần được đầu tư để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ lĩnh vực thương mại-dịch vụ và du lịch. Trước mắt, đẩy nhanh xây dựng cảng vận tải Bến Đình, mạng lưới bưu chính viễn thông, hình thành tuyến xe buýt đến các điểm du lịch và hiện đại các phương tiện vận tải biển bằng việc tăng cường các tàu cao tốc.
Ngoài ra, cần huy động mọi nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thương mại-dịch vụ và du lịch như: Xây dựng chợ, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí…
Ông Nguyễn Phúc Nhân-Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, ngành xem Lý Sơn là định vị du lịch của Quảng Ngãi, vì thế không nên phát triển nóng vội mà phải làm theo hướng bền vững. Hiện Sở đang phối hợp với một đơn vị của Hàn Quốc quy hoạch du lịch theo hướng giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa nhưng mang tính hiện đại theo mô hình của đảo Jeju (Hàn Quốc).
Lý Sơn đang là “điểm đến đặc biệt” trong thời gian qua và những năm đến sẽ vẫn là địa chỉ thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Hạ tầng dịch vụ, du lịch đi trước là việc cần làm. Tuy nhiên, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở lưu trú (hiện các doanh nghiệp và nhân dân mới đầu tư được 13 cơ sở lưu trú, chỉ với 100 phòng), Sở VH-TT&DL cần phối hợp với huyện Lý Sơn tạo ra các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, mang đặc trưng riêng.
Ngoài các tour du lịch văn hóa tâm linh, gắn với lễ hội truyền thống như Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ cúng cá ông, các điểm tham quan liên quan đến hải đội Hoàng Sa…Lý Sơn có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch mới như lặn ngắm san hô, lướt ván (An Bình), câu cá, câu mực ven đảo…
Ông Lê Mỹ Liên-Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường đề xuất, Lý Sơn đã được phê duyệt dự án khu bảo tồn biển với tổng diện tích tới 7 nghìn hécta, cần “hâm nóng” lại dự án này để tạo điều kiện phát triển du lịch. Có tạo thêm những loại hình du lịch mới, đồng thời mở rộng dịch vụ thì mới kéo dài thời gian lưu lại huyện đảo của du khách.
Vấn đề của du lịch Lý Sơn nữa là cần cải thiện môi trường. Phải coi bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi người dân đất đảo. Đó vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển du lịch.
Có thể bạn quan tâm
“Năng suất đạt hơn 4 tấn/ha, như vậy cây điều có thể giúp nông dân làm giàu rồi…” Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói trong dịp đi thực tế vườn điều đã được trẻ hóa của 2 nông dân Hoàng Trọng Thủy, Hoàng Trọng Thanh ở thôn 10, xã Long Hà (Bù Gia Mập - Bình Phước) vào đầu tháng 4.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện, mặc dù năm nay mùa khô kéo dài, các hồ đập mực nước xuống thấp nhưng do địa phương đã nhận định được tình hình, chủ động xây dựng lịch nông vụ và điều tiết nước tưới hợp lý nên toàn bộ diện tích cây trồng đều đảm bảo được nguồn nước.
Vụ đậu xanh năm nay, toàn huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) trồng 1.066 ha (tăng 259 ha so năm trước), tập trung ở các xã: Khánh Bình Tây 535 ha, Khánh Hưng 420 ha, Trần Hợi 79 ha, Khánh Bình Tây Bắc 17 ha và Khánh Bình Đông 15 ha. Đến nay, bà con thu hoạch được 30 ha, năng suất ước đạt từ 1,5 - 1,8 tấn/ha.
Đến xã Mỹ Thanh (Bạch Thông, Bắc Kạn) chúng tôi được nghe nói về việc trồng gừng ở các thôn Phiêng Kham, Thôm Ưng và thôn Châng, nhờ cây trồng này mà nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Với mô hình trồng gừng trên đất đồi đã mở ra một cách làm mới, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Được thành lập từ năm 2010, đến nay, Tổ hợp tác trồng rau an toàn ở phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Phước có 22 thành viên tham gia, với diện tích trên 10 ha.