Tổ liên kết nuôi gà thả vườn Ninh Sim trăn trở đầu ra
Nuôi gà sạch
Theo ông Lê Xuân Khoa - Tổ trưởng Tổ liên kết nuôi gà thả vườn Ninh Sim, tổ được thành lập năm 2012 theo chủ trương của Hội Nông dân (HND) tỉnh về việc xây dựng các tổ liên kết làm cơ sở cho việc sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đến nay, tổ có 16 hộ thành viên, nuôi hàng hàng ngàn con gà. Các thành viên trong tổ phải tuân thủ các quy định như: cam kết nuôi gà sạch; thực hiện đầy đủ các quy trình chăm sóc, vệ sinh, tiêm phòng theo hướng dẫn của ngành Thú y; thực hiện việc tự chế biến thức ăn, hạn chế dùng cám thực phẩm ảnh hưởng đến chất lượng thịt; tương trợ nhau mỗi khi có thành viên gặp khó khăn...
Thời gian qua, tổ đã có nhiều việc làm thiết thực giúp các thành viên. Mỗi hộ góp vốn 1 triệu đồng giúp 5 thành viên còn khó khăn đầu tư con giống, chuồng trại, sau đó luân phiên người khác... Tổ kêu gọi các thành viên có máy ấp san sẻ khó khăn với các hộ chưa có máy bằng cách ấp trứng giùm hoặc cung cấp con giống, không sử dụng giống bên ngoài, chưa rõ nguồn gốc... Bên cạnh đó, tổ còn đưa một số thành viên có kinh nghiệm tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y do HND xã tổ chức. Nhờ đó, từ khi thành lập đến nay, đàn gà của tổ không xuất hiện dịch bệnh.
Ông Nguyễn Sỹ Tuấn - thành viên trong tổ cho biết, ông nuôi 150 con gà thịt, ngoài ra còn nuôi gà sinh sản, mỗi năm xuất 3 lứa, lãi 30 triệu đồng/năm. Vào tổ liên kết, ông được chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn, kỹ thuật. Ngoài ra, ông còn được HND xã cho vay vốn phát triển sản xuất. Hiện nay, các thành viên trong tổ đã chủ động trồng bắp để phục vụ chăn nuôi (mỗi vụ 5 - 6 tấn), mua thêm cám gạo phối trộn khẩu phần cho gà, cám thực phẩm chỉ sử dụng giai đoạn gà dưới 1 tháng tuổi. Do vậy, gà xuất chuồng luôn bảo đảm chất lượng thịt sạch.
Theo đánh giá của ông Trương Công Danh - Phó Chủ tịch HND xã, Tổ liên kết nuôi gà thả vườn Ninh Sim hoạt động hiệu quả. HND xã đã đề xuất Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp trên hỗ trợ 200 triệu đồng để tổ có điều kiện phát triển chăn nuôi, mở rộng chuồng trại.
Lo đầu ra
Tuy sản xuất gà thả vườn bảo đảm số lượng, chất lượng nhưng đầu ra của tổ hiện quá bấp bênh. Ông Khoa cho biết, tổ có đặt vấn đề với cơ sở giết mổ gia cầm Huỳnh Lai - nơi tiêu thụ gà thường xuyên trong khu vực. Tuy nhiên, cơ sở này không dám ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm bởi vẫn còn bị động với thị trường. “Nuôi 1.000 con gà, không xuất đúng thời gian lỗ ngay 20 triệu đồng, do giá gà dao động. Gà đúng tuổi xuất với giá 70.000 - 75.000 đồng/kg (dưới 2kg/con), nhưng gà lớn hơn 2kg/con, chỉ còn 60.000 đồng/kg. Không chỉ lỗ về giá mà còn lỗ thức ăn, công chăm sóc, quản lý”, ông Khoa nói.
Ông Tuấn cho biết thêm, tổ cũng đã tìm nhiều biện pháp liên kết với tư thương để xuất gà song không ai dám nhận. Thời điểm lễ, Tết, gà hút hàng, bao nhiêu họ cũng mua, nhưng khi thị trường ế ẩm thì dù giá gà rẻ họ cũng không lấy. Vì thế, việc tiêu thụ sản phẩm vẫn dựa vào mối quan hệ của từng thành viên là chính. Ông Danh cho rằng, đầu ra sản phẩm là điều khó nhất đối với nông dân hiện nay và hiện các cấp hội cũng chưa thể giúp gì cho nông dân. Mục đích thành lập tổ liên kết là để nâng cao sức cạnh tranh cho từng hộ riêng lẻ, đặc biệt trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn còn “lực bất tòng tâm”...
Có thể bạn quan tâm
Cây Hồng hoa là loại dược liệu quý, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao, được Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ thực hiện Đề tài đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của loại cây này, bước đầu cho kết quả tích cực, là tín hiệu vui cho người nông dân và ngành nông nghiệp Dak Lak trong việc đa dạng hóa cơ cấu cây trồng.
Tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 1.300 ha quýt, tập trung nhiều tại huyện Bạch Thông với 1.020 ha. Là cây trồng chủ lực, mỗi héc-ta quýt mang lại cho người dân thu nhập khoảng 200 triệu đồng/vụ. Hiện nay, quýt Bắc Kạn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là niềm tự hào đồng thời cũng đặt ra cho huyện trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và quảng bá loại quả đặc sản của địa phương.
Sau nhiều năm lặn lội với cây, với đất, gia đình ông Đặng Văn Túc, thôn 8, xã Quý Quân (Yên Sơn, Tuyên Quang) đã có gần 1.300 gốc bưởi đường, bưởi Diễn..
Với diện tích lớn nhất tỉnh, cây quýt ở Bạch Thông (Bắc Kạn) đã mang lại thu nhập cao cho hàng nghìn hộ dân. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, công tác quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho loại quả đặc sản này là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền địa phương và người dân.
Tiền Giang đang được Chính phủ New Zealand hỗ trợ ứng dụng những công nghệ và kinh nghiệm hàng đầu thế giới trong việc phát triển và tiếp thị các giống hoa quả có giá trị kinh tế cao hướng đến xuất khẩu thông qua triển khai dự án Sáng kiến nông nghiệp mới.