Sản Xuất Giống Cá Bông Lau Bằng Kích Dục Tố
Cá bông lau là loài cá da trơn, thịt thơm ngon và là đặc sản của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, do khai thác vô tội vạ nên gần đây, loài cá này gần như cạn kiệt ngoài tự nhiên. Do đó, việc sản xuất nhân giống cá bông lau là rất cần thiết.
Chọn cá bố mẹ
Cá bông lau bố mẹ thường được nuôi vỗ thành thục trong bè đặt trên sông nước chảy và phải là những cá thể khỏe mạnh, cân đối, không dị hình, trọng lượng từ 2,5kg/con trở lên; mật độ nuôi 5kg/m3 bè. Mùa vụ nuôi vỗ cá bố mẹ bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến giữa tháng 11 năm sau. Thời gian cá thành thục và bước vào sinh sản từ tháng 8, mùa cá đẻ kéo dài đến đầu tháng 11.
Có thể cho cá ăn thức ăn tự chế hoặc thức ăn công nghiệp. Đối với thức ăn tự chế, do thức ăn chìm nên mỗi ngày cho ăn 2 lần, còn thức ăn viên dạng nổi thì mỗi ngày chỉ cho ăn 1 lần vào buổi tối.
Cá bông lau nhìn bên ngoài rất khó phân biệt đực - cái. Đến mùa sinh sản mới có biểu hiện ra bên ngoài, cụ thể: Cá đực có lỗ sinh dục dạng hơi tròn lồi ra, còn cá cái lỗ sinh dục hơi lõm vào so với cá đực. Trên cơ sở đó, người nuôi chọn cá đực là những cá thể khỏe mạnh, vuốt ở mặt bụng gần lỗ sinh dục sẽ có tinh màu trắng sữa chảy ra.
Chọn cá cái là những cá thể có bụng to, dùng que thu trứng quan sát tế bào trứng, khi thấy hạt trứng to, tương đối đồng đều, dễ tách rời nhau thì cho cá đẻ trong bể xi măng hoặc bè.
Cho đẻ bằng kích dục tố
Cá bông lau không đẻ tự nhiên trong bè, do đó phải tiêm kích dục tố HCG kích thích cá sinh sản nhân tạo như cá tra. Tiêm 3- 5 liều dẫn đầu tiên với liều lượng 500 UI/kg cho cá cái để tế bào trứng hấp thu tốt chất kích thích, trứng chín đồng đều.
Khi trứng đã đạt mức tối đa thì tiêm liều sơ bộ, liều lượng từ 1.000 - 1.500 UI/kg, khoảng cách từ liều dẫn đến liều sơ bộ là 24 giờ. Sau 8-10 giờ thì tiêm liều quyết định, liều lượng 5.000 UI. Liều tiêm cho cá đực từ 2.000 - 3.000 UI/kg cùng thời gian tiêm liều quyết định của cá cái. Thời gian hiệu ứng kích thích tố từ lúc tiêm liều quyết định đến khi rụng trứng từ 9-12 giờ.
Kiểm tra cá, dùng khăn sạch lau khô toàn thân, nhất là vùng bụng cá, dùng tay vuốt từ phía sau đầu cá chạy dọc theo 2 lườn bụng đến điểm cuối là lỗ sinh dục thì thấy trứng chảy thành dòng từ lỗ sinh dục cá cái. Ở cá đực, tinh cũng nhú ra từ lỗ sinh dục có màu trắng sữa. Trước khi thấy có dấu hiệu rụng trứng thì tiến hành thu tinh cá đực trước, tinh được giữ trong nước muối sinh lý nồng độ 0,9%.
Sau đó tiến hành vuốt trứng bằng phương pháp thụ tinh khô, dùng lông gà quấy đều trứng và tinh dịch, trong lúc quấy thì cho thêm nước sạch vào từ từ nhằm tạo điều kiện cho tinh trùng hoạt động, tăng xác suất thụ tinh cho trứng.
Trứng cá bông lau thuộc loại trứng dính nên sau khi cá đẻ, cần khử dính bằng dung dịch Tanin rồi rửa lại bằng nước sạch, đem ấp trong bình Weiss. Sau 24-25 giờ trứng sẽ nở và bắt đầu ăn thức ăn, chủ yếu là động vật phù du.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã tích cực tìm kiếm các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, đưa vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó có mô hình trồng bí đỏ của gia đình chị Đinh Thị A Ngắc, ở làng 2, xã Vĩnh Thuận.
Ca cao khô lên men từ 50.000 - 55.000 đ/kg, ca cao tươi dao động từ 4.500 - 4.800 đ/kg tùy loại trái, tăng hơn 30% so với vài tháng trước.
185 xã đã đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM), hàng chục nghìn công trình xây dựng cơ sở hạ tầng được hình thành… Đó là những kết quả nổi bật sau 3 năm cả nước triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Đề xuất trên được đưa ra tại phiên họp chiều 15.5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012.
Ngày 14/5, đoàn kiểm tra liên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Giống Nông nghiệp Điện Biên, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên tổ chức thăm đồng đánh giá năng suất lúa vụ đông xuân năm 2013 - 2014 trên địa bàn huyện.