Tổ liên kết nuôi gà thả vườn Ninh Sim trăn trở đầu ra
Nuôi gà sạch
Theo ông Lê Xuân Khoa - Tổ trưởng Tổ liên kết nuôi gà thả vườn Ninh Sim, tổ được thành lập năm 2012 theo chủ trương của Hội Nông dân (HND) tỉnh về việc xây dựng các tổ liên kết làm cơ sở cho việc sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đến nay, tổ có 16 hộ thành viên, nuôi hàng hàng ngàn con gà. Các thành viên trong tổ phải tuân thủ các quy định như: cam kết nuôi gà sạch; thực hiện đầy đủ các quy trình chăm sóc, vệ sinh, tiêm phòng theo hướng dẫn của ngành Thú y; thực hiện việc tự chế biến thức ăn, hạn chế dùng cám thực phẩm ảnh hưởng đến chất lượng thịt; tương trợ nhau mỗi khi có thành viên gặp khó khăn...
Thời gian qua, tổ đã có nhiều việc làm thiết thực giúp các thành viên. Mỗi hộ góp vốn 1 triệu đồng giúp 5 thành viên còn khó khăn đầu tư con giống, chuồng trại, sau đó luân phiên người khác... Tổ kêu gọi các thành viên có máy ấp san sẻ khó khăn với các hộ chưa có máy bằng cách ấp trứng giùm hoặc cung cấp con giống, không sử dụng giống bên ngoài, chưa rõ nguồn gốc... Bên cạnh đó, tổ còn đưa một số thành viên có kinh nghiệm tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y do HND xã tổ chức. Nhờ đó, từ khi thành lập đến nay, đàn gà của tổ không xuất hiện dịch bệnh.
Ông Nguyễn Sỹ Tuấn - thành viên trong tổ cho biết, ông nuôi 150 con gà thịt, ngoài ra còn nuôi gà sinh sản, mỗi năm xuất 3 lứa, lãi 30 triệu đồng/năm. Vào tổ liên kết, ông được chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn, kỹ thuật. Ngoài ra, ông còn được HND xã cho vay vốn phát triển sản xuất. Hiện nay, các thành viên trong tổ đã chủ động trồng bắp để phục vụ chăn nuôi (mỗi vụ 5 - 6 tấn), mua thêm cám gạo phối trộn khẩu phần cho gà, cám thực phẩm chỉ sử dụng giai đoạn gà dưới 1 tháng tuổi. Do vậy, gà xuất chuồng luôn bảo đảm chất lượng thịt sạch.
Theo đánh giá của ông Trương Công Danh - Phó Chủ tịch HND xã, Tổ liên kết nuôi gà thả vườn Ninh Sim hoạt động hiệu quả. HND xã đã đề xuất Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp trên hỗ trợ 200 triệu đồng để tổ có điều kiện phát triển chăn nuôi, mở rộng chuồng trại.
Lo đầu ra
Tuy sản xuất gà thả vườn bảo đảm số lượng, chất lượng nhưng đầu ra của tổ hiện quá bấp bênh. Ông Khoa cho biết, tổ có đặt vấn đề với cơ sở giết mổ gia cầm Huỳnh Lai - nơi tiêu thụ gà thường xuyên trong khu vực. Tuy nhiên, cơ sở này không dám ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm bởi vẫn còn bị động với thị trường. “Nuôi 1.000 con gà, không xuất đúng thời gian lỗ ngay 20 triệu đồng, do giá gà dao động. Gà đúng tuổi xuất với giá 70.000 - 75.000 đồng/kg (dưới 2kg/con), nhưng gà lớn hơn 2kg/con, chỉ còn 60.000 đồng/kg. Không chỉ lỗ về giá mà còn lỗ thức ăn, công chăm sóc, quản lý”, ông Khoa nói.
Ông Tuấn cho biết thêm, tổ cũng đã tìm nhiều biện pháp liên kết với tư thương để xuất gà song không ai dám nhận. Thời điểm lễ, Tết, gà hút hàng, bao nhiêu họ cũng mua, nhưng khi thị trường ế ẩm thì dù giá gà rẻ họ cũng không lấy. Vì thế, việc tiêu thụ sản phẩm vẫn dựa vào mối quan hệ của từng thành viên là chính. Ông Danh cho rằng, đầu ra sản phẩm là điều khó nhất đối với nông dân hiện nay và hiện các cấp hội cũng chưa thể giúp gì cho nông dân. Mục đích thành lập tổ liên kết là để nâng cao sức cạnh tranh cho từng hộ riêng lẻ, đặc biệt trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn còn “lực bất tòng tâm”...
Related news
Đối với những thị trường nhập khẩu (NK) thủy sản khó tính như EU và Nhật Bản, liên tục phát hiện mức dư lượng kháng sinh quá quy định sẽ là điểm trừ trong bài toán mở rộng thị trường xuất khẩu (XK) ở đây.
Khổ sở với đồng lương ba cọc ba đồng không đủ chi tiêu, đặc biệt là khi giá cả ngày càng leo thang, không ít công chức đã quyết định nghỉ việc về trồng rau sạch bán kiếm sống.
Là một nông dân “chính hiệu”, quanh năm gắn chặt với ruộng đồng, khi đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn trăn trở với niềm đam mê cây gốc ghép, mong muốn tạo ra những cây giống có chất lượng, phục vụ bà con nông dân. Ông là Nguyễn Văn Ngãi – thôn Nhật Chiêu 7, xã Liên Châu (Yên Lạc - Vĩnh Phúc).
Huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) có khoảng hơn 1.100 ha nuôi ngao. Do vùng bãi triều của huyện sâu, dốc, lầy bùn... nên người nuôi phải đầu tư nhiều hơn vùng khác để cải tạo bãi; hơn nữa, tỷ lệ phơi bãi thấp, thức ăn không đầy đủ nên thời gian nuôi ngao của địa phương thường từ 16 đến 17 tháng (bình thường 14 - 15 tháng)...
Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) dự kiến, kim ngạch xuất khẩu trái cây và rau năm 2014 sẽ đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Con số này sẽ tiếp tục tăng nếu chúng ta biết khai thác tốt nguồn lợi từ mặt hàng này.