Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giống Ngoại Bén Rễ Ở Thành Phố Hồ Chí Minh

Giống Ngoại Bén Rễ Ở Thành Phố Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 20/02/2014

Rất nhiều giống cây trồng có nguồn gốc, xuất xứ từ các nước nông nghiệp tiên tiến trên thế giới đã được Khu nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM đem về trồng thử nghiệm, cho kết quả khả quan.

Các giống cây trồng sử dụng trong nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) giúp giá trị sản xuất đất nông nghiệp ở TP.HCM tiếp tục tăng mạnh dù đất sản xuất ngày càng eo hẹp.

Thử nghiệm nhiều giống ngoại

Ông Lê Ngọc Đức - Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu NNCNC TP.HCM cho biết, trong năm 2013, đơn vị này đã triển khai thực hiện hơn 35 đề tài nghiên cứu trong nông nghiệp với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng, tập trung vào nhóm đối tượng cây trồng có triển vọng như hoa lan, rau ăn quả, cá kiểng và các loại chế phẩm sinh học.

Trong đó, Khu NNCNC TP.HCM đã tiến hành khảo nghiệm một số giống cây trồng mới nhập ngoại, có thể phát triển được trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của TP.HCM như 19 giống lê nguồn gốc từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc; 15 giống dưa lưới từ Nhật Bản, 2 giống cỏ ngọt từ Nga…

Theo đại diện Ban quản lý Khu NNCNC TP.HCM, các giống cây trồng có nguồn gốc ngoại nhập trên đang được người tiêu dùng các nước ưa chuộng. Trong khi đó, mục tiêu của nông nghiệp đô thị ở TP.HCM là hướng tới sản xuất các sản phẩm sạch, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe cho xuất khẩu.

“Năm nay các doanh nghiệp trong Khu NNCNC đã sản xuất và cung cấp cho thị trường trên 14 tấn hạt giống F1 chất lượng cao, hơn 2.000 tấn thành phẩm các loại…, doanh thu đạt hơn 98 tỷ đồng, tăng gần 70% so với 2012”, ông Đức cho biết thêm. Hiện tại, đã có 14 dự án đầu tư vào Khu NNCNC TP.HCM với tổng vốn khoảng trên 450 tỷ đồng.

Theo xu hướng nông nghiệp công nghệ cao

Trước tình trạng đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm, xu hướng phát triển NNCNC ở TP.HCM đang cho những kết quả khả quan, sau nhiều năm theo đuổi. Ngành nông nghiệp TP.HCM cho biết, năm 2013, GDP nông lâm ngư nghiệp thành phố đạt hơn 7.767 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm 2012. Giá trị sản xuất năm 2013 cũng đạt hơn 14.500 tỷ đồng, tăng 6% so với 2012.

Cơ cấu nông nghiệp cũng chuyển dịch theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Về vấn đề này, ông Lê Thanh Liêm- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thêm, đất sản xuất nông nghiệp của thành phố liên tục giảm trong những năm qua.

Năm 2012, diện tích đất dành cho nông nghiệp toàn thành phố còn khoảng 55.000ha, giá trị sản xuất đạt 239 triệu đồng/ha/năm. Đến năm 2013, diện tích đất nông nghiệp thành phố giảm còn khoảng 51.300ha, tuy nhiên, giá trị sản xuất vẫn ước đạt 282,6 triệu đồng/ha/năm, tăng bình quân 19% giai đoạn từ 2009 – 2013.

“Cần sớm chuyên nghiệp hóa đội ngũ nông dân, đảm bảo nông dân có đủ trình độ chuyên môn và được hưởng các ưu tiên trong sản xuất thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu của sản xuất NNCNC”- TS Nguyễn Hải An, Ban quản lý Khu NNCNC TP.HCM góp ý kiến.

Đến năm 2015, Khu NNCNC TP.HCM sẽ mở rộng thêm khoảng 400ha, đồng thời, xây dựng thêm các khu NNCNC phục vụ lĩnh vực chăn nuôi rộng 100ha ở huyện Bình Chánh và thủy sản rộng khoảng 97ha tại huyện Cần Giờ.

Ông Robert Nissen– Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn nông nghiệp Ag-Hort International Pty Ltd tại Hội chợ Triển lãm nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm Hi-tech Argo TP.HCM năm 2013 mới đây cũng cho biết, bên cạnh các nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Phần Lan... nhiều nước ở châu Á cũng đã chuyển nền nông nghiệp theo hướng số lượng sang nền NNCNC để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, hiệu quả.

Ví dụ như Trung Quốc hiện đã có khoảng 500 khu NNCNC và trên 4.000 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái khác nhau. Những khu này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền nông nghiệp hiện đại của Trung Quốc như tăng nhanh năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo được giống lúa cao sản (năng suất 12 tấn/ha), các giống cà chua năng suất 140 tấn/ha, rau cải đỏ ngọt năng suất 60 tấn/ha…


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Tôm Chân Trắng Theo Chiều Sâu Nuôi Tôm Chân Trắng Theo Chiều Sâu

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có khoảng 1.100 ha nuôi tôm chân trắng, chiếm 50% diện tích NTTS, trong đó vùng nuôi tôm chân trắng nhiều nhất là các huyện Ninh Hòa, Vạn Ninh và TP Cam Ranh.

20/03/2014
Kỹ Thuật Nuôi Bò Lai F1BBB Kỹ Thuật Nuôi Bò Lai F1BBB

Nuôi bò thịt là việc làm quen thuộc của dân ta từ lâu đời. Giống bò phổ biến là con bò vàng. Do tầm vóc nhỏ nên bà con đặt cho nó cái tên là “bò cóc”.

22/02/2014
Tổng Trữ Lượng Hải Sản Biển Việt Nam Trên 4 Triệu Tấn Tổng Trữ Lượng Hải Sản Biển Việt Nam Trên 4 Triệu Tấn

Trữ lượng cá nổi nhỏ ước tính trung bình khoảng 2,65 triệu tấn; cá nổi lớn khoảng 1,03 triệu tấn; hải sản tầng đáy khoảng 487 ngàn tấn; còn lại là các loài giáp xác, cá rạn san hô.

20/03/2014
Lợi Ích Kép Từ Trồng Rau An Toàn Lợi Ích Kép Từ Trồng Rau An Toàn

Trồng rau an toàn khác với cách làm truyền thống. Để nông dân trồng rau đạt chất lượng, Hội ND xã Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) đã phối hợp với trung tâm dạy nghề huyện mở lớp trồng rau an toàn, quảng bá sản phẩm…

22/02/2014
Chị Nguyễn Thị Năm, Tỷ Phú Nuôi Dê, Cừu Trên Đồng Đất Quán Thẻ Chị Nguyễn Thị Năm, Tỷ Phú Nuôi Dê, Cừu Trên Đồng Đất Quán Thẻ

Hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi dê, cừu với bao vất vả, thăng trầm, đến nay chị Nguyễn Thị Năm, thôn Quán Thẻ 1 (xã Phước Minh, Thuận Nam) đã xây dựng cho mình trang trại nuôi cừu, với tổng đàn lên đến 1.000 con. Lợi nhuận hàng năm từ chăn nuôi cừu đã giúp chị trở thành một trong số ít phụ nữ giàu có trên đồng đất Quán Thẻ.

20/03/2014