Tổ Hợp Tác Nuôi Bò Vỗ Béo Nhìn Từ Xã Hòa Sơn (Dak Lak)

Đầu năm 2014, Tổ hợp tác (THT) đoàn kết nuôi bò nhốt thâm canh thôn 8 (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông - Dak Lak) được thành lập trong niềm hân hoan không chỉ riêng bà con nông dân, mà cả với chính quyền địa phương. Hình thức liên kết này mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở một huyện thuần nông.
Nhà nhà nuôi bò vỗ béo
Nuôi bò vỗ béo không còn là chuyện mới ở xã Hòa Sơn, bởi gần như nhà nào cũng nuôi từ 1-2 con bò, cá biệt có hộ đầu tư nuôi quy mô lớn, với hơn 10 con. Vì vậy, đến nay Hòa Sơn được xem là địa phương có số lượng bò nhiều nhất huyện. Ông Phạm Phú Thiên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, thực ra lâu nay bà con vẫn nuôi bò, nhưng là giống bò truyền thống của địa phương và chăn thả tự do ngoài đồng, với quy mô mỗi hộ 1-2 con nên hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2011, Dự án cạnh tranh nông nghiệp đã hỗ trợ 5 hộ nuôi bò ở Hòa Sơn kinh phí sửa chữa chuồng trại, trồng cỏ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, vỗ béo bò thịt cũng như cách chế biến một số loại thức ăn bổ sung và các biện pháp phòng bệnh cho đàn bò…, nhờ đó hiệu quả kinh tế từ nuôi bò tăng lên rõ rệt.
Tiếp đó, năm 2013, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình nông thôn mới (NTM) xã Hòa Sơn được bố trí 120 triệu đồng mua 12 con bò cho 6 hộ phát triển chăn nuôi. Không dừng lại ở việc nuôi bò vỗ béo đơn lẻ, đầu năm 2014, có 13 hộ chăn nuôi ở thôn 8 đã tự nguyện thành lập THT đoàn kết nuôi bò nhốt thâm canh (với 58 con bò ban đầu) nhằm mục đích hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, hướng tới phát triển chăn nuôi bò theo hướng bền vững.
Ông Nguyễn Minh Duy, Tổ trưởng THT đoàn kết nuôi bò nhốt thâm canh cho biết: trước hết các thành viên trong tổ chia sẻ kinh nghiệm trồng cỏ, kỹ thuật nuôi bò vỗ béo, đặc biệt là liên kết để hạn chế sự chèn ép của thương lái, đưa bò trở thành hàng hóa; đồng thời chia sẻ rủi ro nếu không may bò của thành viên nào đó bị chết.
Còn bà Đỗ Thị Tư (thôn 8, xã Hòa Sơn) thì bộc bạch: Nuôi bò vỗ béo như chăm con mọn, nhất là 3 tháng đầu khi mới mua về, nhưng được cái lợi nhuận cao và thời gian quay vòng vốn nhanh. Trung bình mỗi năm một con bò vỗ béo cho lợi nhuận hơn 10 triệu đồng (chưa kể tiền bán phân bò).
Tiếp sức cho nông dân làm giàu
Một khảo sát gần đây của Phòng NN&PTNT huyện cho thấy, năm 2010 khi bắt đầu thực hiện Chương trình NTM, cả huyện chỉ có 95 hộ nuôi bò vỗ béo, nhưng đến cuối năm 2013 đã lên đến 1.060 hộ. Rõ ràng mô hình nuôi bò vỗ béo đã được người dân trong huyện chấp nhận bởi hiệu quả kinh tế đem lại.
Giờ đây, người dân không dừng lại ở việc nuôi một vài con bò, mà đã cùng nhau liên kết chặt chẽ nhằm bảo đảm đầu ra, đầu vào, hạn chế rủi ro trong chăn nuôi. Về lâu dài bà con còn dự định nuôi bò sinh sản để chủ động nguồn giống, giảm giá thành chăn nuôi. Tuy nhiên để dự định làm giàu của những nông dân này thành hiện thực cần phải có sự tiếp sức của Nhà nước.
Ông Phạm Phú Thiên phân tích: thành lập THT chỉ là điều kiện cần, để THT nuôi bò nhốt thâm canh phát triển bền lâu còn cần có chính sách hỗ trợ. Về phía ngành nông nghiệp đã có tờ trình đề nghị UBND huyện hỗ trợ tín dụng giúp THT bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho các hộ chăn nuôi mua bò giống, trồng cỏ… với lãi suất ưu đãi.
Sau 3 năm thu hồi vốn sẽ hoàn trả phần gốc cho UBND huyện, tiền lãi sẽ thành lập quỹ để tiếp tục hỗ trợ các thành viên phát triển chăn nuôi hoặc phòng chống rủi ro khi cần thiết. Về lâu dài, ngành NN&PTNT cần có chính sách giúp người chăn nuôi tiếp cận thị trường, tạo sự gắn kết giữa các nhà, vì đây là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất.
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, hình thức tổ chức sản xuất (tiêu chí số 13) là phải có THT hoặc HTX hoạt động hiệu quả. Đến cuối năm 2013, huyện Krông Bông có 11/13 xã đạt tiêu chí này (chỉ còn xã Hòa Sơn và Khuê Ngọc Điền là chưa đạt).
Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, HTX nông nghiệp ở huyện thường có quy mô nhỏ (vài chục hộ xã viên), hiệu quả kinh tế thấp, không ổn định, do đó khó bảo đảm quyền, lợi ích của hộ nông dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ thành viên trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Do vậy, ngành nông nghiệp huyện đang ưu tiên mọi nguồn lực xây dựng thành công THT chăn nuôi này, tạo tiền đề để tiến tới thành lập HTX nông nghiệp bền vững trong tương lai - ông Phạm Phú Thiên khẳng định.
Có thể bạn quan tâm

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu bắt đầu xuất hiện vào năm 1996 ở ĐBSCL. Từ đó đến nay, nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn đang nở rộ, nhất là vào thời điểm giáp vụ, khan hiếm nguyên liệu ở khu vực này.

Chi cục sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sinh sống tại các xã ven biển, ven đầm chung tay với chính quyền địa phương tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát tại các điểm nóng, kịp thời xử lý các đối tượng vi phạm

Thời tiết đang rét đậm kèm theo gió mùa Đông Bắc nên sức đề kháng của vật nuôi và thủy sản giảm, sinh trưởng phát triển chậm, dễ mắc bệnh, thậm chí có thể chết rét hàng loạt nếu như không có biện pháp phòng, chống kịp thời

Những năm qua, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trong khai thác hải sản của ngư dân Tiền Giang lên đến 30%. Nguyên nhân chính là do hầm bảo quản không đảm bảo, phương pháp bảo quản còn lạc hậu, khiến chất lượng hải sản giảm sút. Do đó, việc nâng cấp hầm bảo quản, áp dụng các phương pháp bảo quản tiên tiến là vô cùng cần thiết, để giảm tổn thất sau thu hoạch.

“Thời tiết xấu, ngư dân chúng tôi không dám đùa giỡn với tính mạng và tài sản của mình nên phải cho tàu nằm bờ gần một tháng nay”, thuyền trưởng Nguyễn Công (chủ tàu BĐ 95279, trú huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đang neo đậu tàu tại Âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng chia sẻ.