Ra khơi phải tháo dỡ cabin tàu
Sáng kiến để vượt khó
Ngày mà cầu Thạnh Đức, bắc ngang qua “eo biển” Sa Huỳnh chính thức đưa vào sử dụng, hơn 70 chủ tàu ở thôn Thạnh Đức 1, xã Phổ Thạnh ai nấy đều ngơ ngác. Bởi gầm cầu thấp, mà cabin tàu thì lại cao. Nếu chiều cao của cabin tàu vượt quá 2,5m thì ngư dân không tài nào vượt được gầm cầu để ra khơi đánh bắt. Trong khi phần lớn tàu ở Thạnh Đức 1 đều đánh bắt gần bờ, đi và về trong ngày nên sẽ rất bất tiện nếu tìm nơi neo trú ở các địa phương khác. “Sóng gió bao nhiêu cũng chịu được, chả lẽ vì chút trở ngại mà bỏ nghề?”, ngư dân Châu Ngọc Thạch nghĩ thế và quyết tâm tìm cách để tàu mình có thể vượt cầu, vươn khơi.
Nghĩ là làm. Ông tự đo đạc kích thước cabin rồi thuê thợ mộc tại địa phương tiến hành hạ thấp cabin từ 3,5m xuống còn 2,3m. Sau đó, ông làm tiếp một cabin khác có độ cao khoảng 1,2m rồi lắp ráp, gắn kết làm “tầng trên” của cabin. Tầng trên cabin này tiện lợi ở chỗ có thể tháo rời ra được. Vì vậy, bằng sáng kiến của mình, ông Thạch vừa có thể khiến cabin tàu đảm bảo cao đủ 3,5m, vừa có thể dễ dàng vượt qua được lòng cầu Thạnh Đức để ra khơi.
Sau khi nhìn thấy chiếc tàu có cabin “hai tầng” của ông Thạch hoàn thành, các chủ tàu khác trong vùng liền học hỏi để làm theo. Và đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 60 chiếc tàu ở Thạnh Đức 1 lắp đặt cabin “hai tầng” đầy sáng tạo này.
Nhưng vẫn còn lắm âu lo
Không may mắn như những tàu đánh bắt gần bờ, công suất nhỏ, có thể làm cabin “hai tầng” để hạ độ cao, 10 tàu đánh bắt xa bờ, công suất trên 400CV của ngư dân thôn Thạnh Đức 1 đành chấp nhận neo đậu ở các cảng biển khác chứ không thể lái tàu về quê.
Nảy ra được sáng kiến để ứng phó với khó khăn, nhưng đến giờ, sau gần 20 năm lắp đặt cabin “hai tầng”, lão ngư Châu Ngọc Thạch cho biết: “Trước đây, giá cả làm cabin tầng trên vào khoảng 2 chỉ vàng, còn giờ thì dao động từ 8-12 triệu đồng. Nhưng chỉ cần tháo dỡ không cẩn thận là cabin lại hư hỏng ngay.
Mười mấy năm nay, tôi đã phải thay đến 7 cabin rồi. Nên đây chỉ là phương án tạm thời chứ không thể bền lâu được”. Hơn nữa, do việc vận chuyển, tháo dỡ cabin phải cần từ 6-8 người hợp sức lại, nên một số chủ tàu hiện cũng không còn mặn mà: “Tháo dỡ cabin tốn công tốn sức quá, nên anh em thuyền viên trên tàu nản dần. Vậy là chúng tôi thống nhất hạ cabin từ 3,5m xuống còn 2,5m và chấp nhận trần người ra với thời tiết, chứ không làm thêm tầng trên che gió mưa nữa”, chủ tàu Võ Tấn Đạt trầm ngâm.
Ngoài những bất lợi do gầm cầu thấp, hiện nay, luồn lạch ra vào của tàu thuyền tại khu vực cầu Thạnh Đức ngày một bồi lấp nên vào mỗi đợt nước ròng (từ ngày 12-17 âm lịch hằng tháng), dù tháo dỡ được cabin xuống nhưng ngư dân cũng chẳng thể đưa tàu “chui lọt” gầm cầu. Thế là họ đành phải neo tàu, chờ con nước xuống mới có thể vươn khơi.
Sáng kiến ra cabin “hai tầng” để vượt trở ngại, nhưng giờ, các ngư dân Phổ Thạnh 1 đành “lực bất tòng tâm” trước sự bồi lấp của luồng lạch. Họ đang rất cần được trợ lực, hỗ trợ khơi thông luồng lạch mới có thể tiếp tục vững tiến khơi xa.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi các nhà quản lý du lịch, các công ty lữ hành than phiền về sự khan hiếm sản phẩm lưu niệm Quảng Nam thì tại không ít điểm du lịch, việc bày bán sản phẩm ngoại nhập diễn ra công khai gây ảnh hưởng đến thương hiệu làng nghề xứ Quảng.
Du lịch phát triển đã giúp nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh hồi sinh, trở thành điểm tham quan của khách. Tuy nhiên, du lịch cũng mang đến những tác động ảnh hưởng đến cuộc sống cộng đồng, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn liên quan đến lợi ích.
Những ngày này, nhiều hộ dân ở các xã ven sông của huyện Duy Xuyên đang khẩn trương thu hoạch vụ tôm cuối cùng trong năm 2015 nhằm tránh thất thoát do mưa lũ gây ra. Hiệu quả kinh tế của vụ nuôi này không cao do sản lượng sụt giảm cùng giá bán thấp hơn các vụ trước.
Nhờ đẳng sâm, đời sống của người dân xã A Xan (huyện Tây Giang) từng bước được gỡ khó, dần đi vào ổn định.
Sau khi tiếp nhận nhiều ý kiến của tiểu thương, UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đồng ý gia hạn lệnh cấm khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt đến ngày 1-11.