Tín Hiệu Sáng Cho Xuất Khẩu Tôm Sang Nhật
Theo thông tin từ phía nhà nhập khẩu Nhật Bản, ngày 21/1/2014, Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã ra thông báo chính thức về việc nâng mức dư lượng Ethoxyquin (ETQ) cho tôm nhập khẩu từ Việt Nam lên 0,2 ppm. Đây là tín hiệụ sáng bởi ETQ vẫn đang là rào cản chính đối với tôm xuất khẩu Việt Nam.
Từ năm 2012, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản lao đao do quy định kiểm tra Ethoxyquyn, chất chống oxy hóa sử dụng trong thức ăn nuôi tôm. Hơn một năm qua, cả các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực trong việc kiểm soát dư lượng ETQ cho tôm xuất khẩu. Phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực đó là việc Nhật Bản chính thức nâng mức dư lượng ETQ thêm 20 lần so với mức hiện nay, từ 0,01ppm lên 0,2 ppm và quyết định dỡ bỏ quy định kiểm tra 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam về ETQ.
Thực tế, song song với đàm phán với phía Nhật Bản, Việt Nam cũng đã có hàng loạt văn bản gửi tới các cơ quan liên quan của nước này đề nghị nâng mức dư lượng ETQ đối với tôm lên mức 1ppm tương đương với dư lượng áp dụng cho các sản phẩm cá. Gần đây nhất là công văn của Nafiqad gửi Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đề nghị xem xét nâng mức dư lượng ETQ từ mức 0,01ppm hiện nay lên 1ppm.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu sang Nhật Bản đã tăng cường tối đa kiểm tra dư lượng ETQ trong tôm, từ khâu nguyên liệu đến chế biến và xuất khẩu. Đại diện một doanh nghiệp cho hay, tôm trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản phải qua 5 lần kiểm tra ETQ. Chấp nhận chi phí tăng lên nhưng Nhật Bản được nhiều doanh nghiệp xác định là thị trường quan trọng và không thể đánh mất.
Theo thống kê từ hệ thống cảnh báo thực phẩm nhập khẩu vào Nhật Bản, số lô tôm Việt Nam nhiễm ETQ giảm mạnh từ 17 lô năm 2012 xuống còn 4 lô (tính đến 25/11/2013).
Ảnh hưởng của quy định kiểm tra nghiêm ngặt dư lượng ETQ trong tôm Việt Nam đã khiến xuất khẩu tôm sang thị trường này đang trên đà tăng trưởng chuyển hướng “lao dốc”. 6 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản vẫn tăng trưởng trên 28% so với cùng kỳ năm 2011.
Ngày 18/5/2012, Nhật Bản áp dụng chế độ kiểm tra ETQ đối với 30% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam với mức dư lượng 0,01ppm, sản phẩm tôm sang thị trường này bắt đầu giảm kể từ tháng 7 và đến cuối tháng 8/2012, Nhật Bản chính thức áp dụng kiểm tra ETQ 100% tôm Việt Nam đã khiến xuất khẩu tôm sang thị trường này 6 tháng cuối năm luôn giảm 2 con số.
Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản bắt đầu được cải thiện kể từ tháng 1/2013. 10 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt trên 574,5 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2012. Vấn đề ETQ được cải thiện đáng kể cùng với nguồn cung tôm từ Thái Lan giảm mạnh và giá tôm trên thị trường thế giới tăng cao đã và đang hậu thuẫn cho XK tôm Việt Nam sang thị trường tiêu thụ hàng đầu này.
Xét về khối lượng, tôm nguyên liệu đông lạnh chiếm tới 69% tổng NK tôm vào Nhật Bản. Theo thống kê của Hải quan Nhật Bản, 9 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan dẫn đầu thế giới về cung cấp tôm nguyên liệu đông lạnh cho Nhật Bản với 24.806 tấn tôm, tăng 8,1%.
Ngoài ra, giá trung bình tôm nguyên liệu đông lạnh nhập khẩu vào Nhật Bản cũng tăng mạnh trong năm nay do nguồn cung khan hiếm đã giúp gia tăng giá trị cho tôm Việt Nam sang thị trường này. 9 tháng đầu năm 2013, giá trị nhập khẩu tôm đông lạnh Việt Nam vào Nhật Bản tăng 37% so với cùng kỳ năm 2012.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù nhông là con vật dễ nuôi, có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ mạnh, thế nhưng chỉ sau vài năm thành lập Tổ hợp tác nuôi nhông xã Bình Thạnh (Bình Sơn), từ 24 thành viên, đến nay chỉ còn vài hộ giữ lại nghề này...
Khi viết bài này, tôi chợt nhớ tới tên một truyện ngắn nổi tiếng của cố nhà văn Nhật Tuấn (vừa qua đời), tên truyện ngắn ấy là :“Con chim biết chọn hạt”.
Đời sống khó khăn, ngư lưới cụ phục vụ đi biển thiếu thốn, 84 hộ dân ở thôn Đông Thuận, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) thuộc diện di dời phục vụ Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (NMLD DQ) được Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cho vay vốn giải quyết việc làm.
Dù ngành nông nghiệp đã và đang ráo riết vào cuộc, nhưng việc dùng chất cấm trong chăn nuôi vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Mặc dù nhiều địa phương đã “cán đích” xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Song để giữ vững các tiêu chí đã đạt được, tạo “cú huých” để đưa xã nhà phát triển hơn nữa là vấn đề không hề đơn giản, vì nó chịu sự tác động từ rất nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan.