Đầu Năm Đi Ngắm Cá... Thần
Sáng ngày 7-2 (mùng 8 Tết Giáp Ngọ) hàng ngàn người dân và du khách thập phương đã kéo nhau về Suối Cá thần (ở Thanh Hóa), để dự lễ Khai hạ - lễ hội thờ thần rắn, thần cá và ngắm những con cá huyền bí nặng có một không hai ở Việt Nam.
Lễ hội Khai hạ là một lễ hội độc đáo mới được huyện Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa) phục dựng trong vài năm trở lại đây. Nó được diễn ra vào mùa xuân, khi đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan.
Lễ hội được bắt đầu bằng màn tế lễ của các cụ cao niên, tiếp sau là đội rước kiệu với những trai tráng trong làng vận quần áo đỏ của binh lính thời xưa; đội chiêng của những cô gái Mường trong sắc phục truyền thống, đánh lên giai điệu ngân vang như đánh thức núi rừng sau giấc ngủ đông kéo dài.
Những người tham dự lễ hội tập trung về đền thờ thần rắn bên cạnh dòng Suối Cá thần làng Lương Ngọc để cầu cho thần rắn, thần cá phù hộ cho sức khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn. Sau màn tế lễ, tất cả sẽ kéo nhau về nhà văn hóa của thôn để giao lưu văn hóa,chơi các trò dân gian như ném còn, hát xướng, bắn cung, đánh bóng chuyền…
Những ngày sau Tết Nguyên đán, đến đây ngoài thưởng thức cảnh đẹp của núi rừng nguyên sinh, ngắm và chạm vào những con cá thần nặng 5 - 7 kg, thậm chí có con đến 10 kg, du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn ngon dân dã, đặc sản của xứ Mường nơi đây: cơm lam, chim mía, rau cải rừng, cá sông Mã…
Trong sáng nay, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, lượng khách du lịch đến thăm Suối cá thần không nhiều. Chị Phạm Thị Thúy, một chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Suối Cá thần, cho biết từ sau Tết Nguyên đán đến giờ có nhiều đoàn du khách đến đây ngắm cá thần, tuy nhiên lượng khách năm nay so với năm trước thấy ít hơn, đặc biệt là khách nước ngoài chưa thấy có.
Suối Cá thần Cẩm Lương nằm bên chân núi Trường Sinh, thuộc xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Suối dài hơn trăm mét, chảy từ một hang đá chân núi, đổ ra cánh đồng thung lũng nằm thoai thoải bên bờ nam sông Mã. Người ta tin rằng cá ở đây linh thiêng nên mọi người chỉ đến chiêm ngưỡng và cầu may, không ai đánh bắt.
Đàn cá ở suối cá thần này có hàng ngàn con lớn, nhỏ, mỗi con cá có thể nặng từ 2 kg đến 8 kg, có cá chúa nặng tới 30 kg, gồm các loài: Cá dốc (tên khoa học: Spinibarbichthys denticulatus, thuộc bộ Cá chép, có tên trong Sách đỏ Việt Nam); cá chài, cá mại. Hình thù các loài cá này rất lạ, màu sắc phong phú như: màu đỏ, xanh, hồng... Mỗi khi bơi, thân cá phát sáng nhiều màu, lấp lánh ánh bạc rất đẹp. Vào mùa nước cạn, lòng suối chỉ sâu khoảng 20 cm đến 40 cm, nước trong vắt, có thể đưa tay xuống nước vuốt ve những con cá thần.
Theo niềm tin của người dân trong vùng, đây là giống cá thần. Sự sung túc của đàn cá trên dòng suối sẽ đem lại sự bình yên no ấm cho cuộc sống của bà con dân tộc Mường, nên truyền đời người dân trong khu vực luôn gìn giữ nuôi nấng, không ai dám ăn thịt loại cá này, vì đó là hành động xúc phạm đến thần linh, chẳng những gây ra tai hoạ cho mình mà còn cho cả cộng đồng.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi rươi thương phẩm kết hợp canh tác lúa hữu cơ sẽ cho hiệu quả rươi - lúa cao gấp 4 lần so với nuôi thông thường.
Nhận tấm bằng thạc sỹ nơi phố thị, cô gái trẻ Dương Thùy Lương đã trở về quê hương Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên để cùng bà con nông dân làm nông nghiệp sạch.
Sau khi bỏ nghề xây dựng, anh Nguyễn Văn Tuyến tại Thái Nguyên đã quyết định về nhà trồng nấm rơm sạch, mỗi tháng kiếm vài chục triệu nhẹ nhàng.
Cấy lúa Hà Phát 3 theo hướng hữu cơ kết hợp thả cá và chăn vịt, người nông dân đã cải thiện kinh tế đáng kể khi mỗi năm thu về 1 tỷ đồng.
Bàn tay chai sần vì khai khẩn đồng đất hoang hóa ở vùng đầm lắc. Sau gần 20 năm đội nắng, dầm mưa, ông mới có được cơ ngơi trị giá vài chục tỷ đồng…