Tỷ Phú Nhà Nông Ở Lào Cai
Chúng tôi có cuộc hành trình đến những trang trại của các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ bàn tay trắng, với nghị lực vượt khó, họ đã thành tỷ phú trên vùng cao.
Lấy ngắn nuôi dài
Được giới thiệu của Hội Nông dân tỉnh, điểm hành trình đầu tiên chúng tôi đến là vùng đất Xuân Giao, Bảo Thắng. Chớm vào ngã ba đến khu chợ trung tâm, hỏi thăm đường đến nhà anh Phạm Văn Hinh, mô hình làm kinh tế giỏi của thôn Hùng Xuân, xã Xuân Giao (Lào Cai) ai cũng biết. Men theo tuyến đường làng chừng vài trăm mét, ngôi nhà cao tầng được xây dựng trong một khuôn viên rộng sừng sững hiện lên. Đây chính là cơ nghiệp của gia đình “tỷ phú” Hinh.
Trong ngôi nhà ấm cúng, anh Hinh kể cho chúng tôi nghe chuyện làm ăn, lập nghiệp trên vùng đất Xuân Giao. “Theo tôi, muốn làm giàu từ nông nghiệp trước hết người nông dân phải cần cù, chịu khó, phải dám nghĩ, dám làm” - anh Hinh nói. Anh Hinh là con trai thứ trong một gia đình thuần nông.
Bố mẹ từ Hà Nam lên khai hoang lập nghiệp vùng đất mới biên cương. Từ nhỏ anh đã chứng kiến cảnh bố mẹ phải làm lụng vất vả quanh năm nuôi mấy anh em ăn học. Năm 1987, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh quyết tâm làm kinh tế nông nghiệp, bởi nhận thấy tiềm năng đất đai và cơ hội để làm giàu từ chính nơi mình đang ở.
Anh Hinh tâm sự: “Cái khó ló cái khôn”, anh nảy ra ý tưởng mở trang trại chăn nuôi lợn và nuôi cá. Mình là con nhà nông, nên chăn nuôi, trồng, cấy chẳng ngại, nhưng vốn liếng không nhiều, thôi thì “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”. Anh vay mượn người thân, thế chấp bìa đỏ vay vốn ngân hàng để có tiền đào 1 ha ao thả cá và xây chuồng chăn nuôi lợn. Ban đầu cũng chỉ dám nuôi vài con lợn, thả trăm con cá giống, mấy chục con gà, ngan…
Cứ thế, lứa này bán đi lại nuôi lứa kia. Có năm, gia đình xuất vài trăm tấn thịt lợn, cá thương phẩm, trị giá hàng tỷ đồng. Ngồi nhẩm tính, năm 2013 xuất chuồng gần 200 tấn lợn hơi và cá. Anh đang nuôi lứa gà, lợn để cung cấp thực phẩm cho thị trường đúng vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. “Là nhà nông, kinh doanh chăn nuôi, trừ chi phí, mỗi năm lợi nhuận được vài trăm triệu là tốt lắm rồi”! - Anh Hinh cười nói.
Làm giàu từ tay trắng
Chia tay anh Hinh, chúng tôi đến nhà anh Lý Văn Minh, dân tộc Giáy, ở thôn Luổng Láo 2, xã Cốc San (Bát Xát). Trang trại nhà anh cách Quốc lộ 4D chừng 300 m, nằm trên địa thế khá thuận lợi, trước mặt là suối, sau là đồi rừng mỡ đã chuẩn bị cho thu hoạch. Gia đình thuần nông, nhà nghèo, phải nghỉ học sớm, nhưng khó khăn không làm nản chí chàng trai người Giáy này. Anh Minh nhớ lại: Ngày mới xây dựng gia đình, vợ chồng mới cưới thuê nhà ở riêng, bố mẹ chỉ cho được vài kg gạo, thế mà cũng qua hết!
Anh Minh khởi nghiệp bằng nghề khai thác vật liệu xây dựng. Những năm đầu tái lập tỉnh, nhu cầu vật liệu xây dựng hạ tầng rất lớn. Nhà ở gần suối, anh khai thác cát cho một số doanh nghiệp đang xây dựng các công trình ở khu vực thị xã Lào Cai. Đầu tiên lấy gầu múc kéo mỗi ngày được vài m3, dần có kinh nghiệm, anh mua máy khai thác được hàng chục m3 mỗi ngày.
Từ nguồn vốn dành dụm được, năm 2006, anh đầu tư đào ao thả cá và nuôi ếch. Anh bảo: Ếch là loại dễ nuôi, lợi nhuận cao. Thị trường tiêu thụ lúc đầu khó khăn nhưng dần dần người mua tìm đến nhiều, hiện không đáp ứng đủ nhu cầu. Bạn hàng của anh đến từ các huyện trong tỉnh và các tỉnh như Yên Bái, Lai Châu…
Có năm, lợi nhuận từ ếch mang đến cho anh nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Hôm tôi đến anh cũng vừa thu hoạch xong lứa cá trắm cỏ trên 2 tấn. Ngoài chăn nuôi ếch, cá, gà… anh Minh còn đầu tư mua xe vận tải để kinh doanh dịch vụ. Năm 2013, nguồn thu từ trang trại và kinh doanh dịch vụ của gia đình anh đạt hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Là tỉnh miền núi, Lào Cai có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp và đã trở thành mảnh đất của những nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Năm 2013, toàn tỉnh có 21.913 hộ nông dân được công nhận sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Tất cả những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có được thành quả trong cuộc sống, mỗi người có cách làm riêng, song, đều có chung là sự cần cù, chịu khó, ham học, ham làm. Thành quả lao động của họ không chỉ tạo niềm vui, sự sung túc cho gia đình mình mà còn góp sức xây dựng quê hương.
Trong không khí nhộn nhịp đón chào năm mới, mỗi nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tạm gác lại công việc, cùng gia đình sum họp ôn chuyện năm cũ và bàn những dự tính tốt đẹp cho năm mới Giáp Ngọ.
Có thể bạn quan tâm
Để làm được một vụ lúa trên đất nuôi tôm trong điều kiện hoàn toàn lệ thuộc nước trời như ở Cà Mau là một sự nhẫn nại, nhạy bén và đầy tính sáng tạo của nông dân rất đáng trân trọng. Nhưng do nhiều nguyên nhân nên mức độ thành công khác nhau, dẫn đến suy nghĩ, nhận thức và quyết tâm từng người cũng khác nhau, khiến diện tích và bản đồ canh tác lúa trên đất tôm luôn biến động và thường không đạt chỉ tiêu kế hoạch, phá vỡ quy hoạch, nhất là những năm thời tiết không thuận.
Tận dụng con nước khi lũ về và diện tích đất canh tác bên bờ sông Hậu, nhiều nông dân xã Bình Thạnh Đông (Phú Tân - An Giang) đã mạnh dạn đào ao nuôi tôm càng xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những năm qua ở Thanh Hoá, chăn nuôi các loại gia súc, như: Trâu, bò thịt, bò sữa, dê... để sinh sản, lấy thịt, lấy sữa đang là hướng đi đúng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc thiếu vùng trồng nguyên liệu làm thức ăn cho chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia súc đang là một trong những nguyên nhân khiến khả năng sinh sản và cho thịt của con nuôi bị hạn chế.
Chi cục Bảo vệ thực vật tăng cường việc dự báo các đợt rầy nâu di trú để hướng dẫn nông dân xuống giống né rầy đồng loạt, tập trung; phấn đấu trong vụ lúa này có khoảng 90% diện tích gieo sạ được áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.
Sẽ có khoảng 30.000 cây cà phê được người chơi “Nông trại Nescafé” gửi đến nông dân, bên cạnh 7 triệu cây giống mà dự án Nescafé Plan đã cung cấp từ năm 2011. Là khẳng định vừa được Nescafé thông tin đến báo chí thông qua việc ra mắt trò chơi trực tuyến thú “Nông trại Nescafé” cho những người yêu cà phê trên khắp Việt Nam.