Những Đại Gia Đất Bãi
Từ đê tả Hồng, men theo con đường đất dài khoảng 2km là đến vùng đất bãi bồi sông Hồng thuộc xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ. Trong tiết trời xuân, nhiều loại cây trồng bên 2 ven đường bắt đầu bật những chồi non, xa xa là cánh đồng chuối trải dài tít tắp, xanh biếc cả một vùng trời.
Ông Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Vân Nam Đặng Văn Canh tíu tít kể: "Trước năm 1996, ở đây chỉ là bãi đất "khỉ ho, cò gáy", thường xuyên chịu cảnh ngập lụt. Được như bây giờ là nhờ vào sự dũng cảm, kiên trì của những thanh niên dám đương đầu với khó khăn để đi tới thành công".
Hồi sinh "vùng đất chết"
Anh Nguyễn Văn Luyện là một trong hàng chục người trồng chuối được nhân dân trong vùng "suy tôn" là "đại gia đất bãi". Được "tiếng" như vậy không phải vì "lắm tiền, nhiều của" mà đơn giản vì anh Luyện "dám nghĩ, dám làm", tay không ra vùng đất bãi khẩn hoang nuôi chí làm giàu. Hôm chúng tôi đến thăm trang trại chuối của anh Luyện đúng thời điểm cận kề Tết Giáp Ngọ, thời gian bận rộn nhất trong năm của người trồng chuối.
Anh Luyện nhớ lại: "Những năm trước tôi kinh doanh vận tải nhưng không ổn định. Đêm ngày suy tính tìm việc làm mới, tôi quyết định bán 2 ô tô tải, 1 máy xúc được 400 triệu đồng để đầu tư vào nông nghiệp. Thuận lợi duy nhất lúc đó là chính quyền xã tạo điều kiện cho thuê 5ha đất bãi ven sông Hồng để phát triển kinh tế hộ gia đình".
Ngày mới nhận đất, anh Luyện gặp nhiều khó khăn vì đây là bãi đất hoang, cát phủ dày tới 60cm, cây cỏ, lau sậy, mọc lút đầu người. "Nghĩ là làm, tôi bắt tay vào công việc đầu tiên là diệt cỏ dại. Tôi thuê 10 người để khai hoang, nhưng khi vào việc họ từ chối khéo, một phần vì vất vả, phần khác vì sợ rắn. Trước tình thế này, tôi phải tự "chế" máy phun thuốc diệt cỏ từ... máy cày.
Trong một tháng, tôi hoàn thành công việc diệt cỏ lần một, đến lần thứ hai phun thuốc tiêu trừ mầm cây cỏ, cuối cùng là trồng khoai lang ngăn chặn không cho cỏ gianh mọc. Toàn bộ phần việc này phải ròng rã cực nhọc mất nửa năm trời.
Đến mức, nhiều người trong làng, trong xã tỏ vẻ ái ngại, thậm chí có người còn nói bóng gió tôi mang tiền đổ xuống sông" - anh Luyện chia sẻ.
Diệt được cỏ dại nhưng khó khăn vẫn chồng chất vì vùng đất chỉ toàn cát trắng. "Câu hỏi đặt ra là trồng cây gì để mang lại hiệu quả, phù hợp chất đất? Nhiều đêm bàn bạc, cuối cùng vợ chồng tôi mạnh dạn nhận và triển khai thí điểm mô hình trồng chuối tiêu hồng" - anh Luyện bộc bạch. Nói về sự lựa chọn táo bạo trồng cây chuối tiêu hồng, anh Luyện nói ngắn gọn: "Lớp cát dày chỉ có trồng chuối, rễ ăn sâu vào lòng đất thì cây mới sống được".
Để có được kiến thức tưởng như đơn giản này, anh Luyện đã phải "lao tâm khổ tứ" nhiều ngày, đi nhiều nơi để tham quan học hỏi, ghi chép mọi thứ liên quan đến cây chuối. Kết quả, vụ chuối đầu tiên sau khẩn hoang, được anh Luyện trồng vào đầu năm 2013, đến thời điểm này đang vào vụ thu hoạch.
Quyết tâm làm giàu trên đất quê hương
Người Vân Nam bao đời nay biết ơn trời đất vì đã ban tặng cho họ vùng đất bãi được "sinh ra" từ con sông Hồng chở nặng phù sa mà người Vân Nam vẫn quen gọi với cái tên thân thuộc: "Dòng sông mẹ".
Theo các cụ cao niên sinh sống ở những ngôi làng ven sông Hồng ở xã vùng đất bãi Vân Nam, xưa kia, cứ mùa nước lũ, người dân thường đi đánh bắt cá kiếm sống. Mùa cạn trơ đáy, đất bãi bồi hiện ra, người dân lại trồng ngô, đỗ, khoai lang nên không bao giờ bị đói. Bây giờ thì hiếm khi có lũ, vậy nên bãi bồi cả năm khô ráo, sản xuất nông nghiệp được ổn định.
"Từ khi nước không tràn vào đây, các loại cây nông nghiệp như ngô, táo, đỗ... phát triển xanh mướt quanh năm. Thế nhưng trồng những loại cây này giá trị không cao, lãng phí nhiều diện tích đất - anh Nguyễn Quốc Vương, một chủ trang trại chuối ở Vân Nam cho hay.
Cùng như anh Luyện, anh Vương và nhiều nông dân khác ở Vân Nam đã mạnh dạn đầu tư để biến vùng "đất chết" thành mảnh đất hồi sinh ngay bên con sông nước đỏ cuộn chảy quanh năm.
Anh Vương kể rằng: "Tôi đã có nhiều năm đi lao động ở Malaysia và Brunei, nhưng chừng ấy thời gian xa quê hương lòng vẫn luôn hướng về "đất mẹ", nơi có dòng sông đã gắn bó, nuôi dưỡng tôi những năm tháng tuổi thơ". Những tình cảm đau đáu khi xa quê hương đã nuôi trong con người anh Vương ý chí sắt đá là phải làm giàu từ chính mảnh đất đã sinh ra, nuôi lớn mình thành người.
Vì vậy, trong 2 đợt đi lao động nước ngoài anh Vương gom góp được 300 triệu đồng và đổ tất cả vào "sự nghiệp" trồng chuối. Bây giờ thì chàng thanh niên Nguyễn Quốc Vương có thể thở phào khi vụ chuối đầu tiên đã cho thu lời khoảng 200 triệu đồng.
"Vui nhất là mới thời điểm này năm trước nơi đây vẫn là bãi đất hoang, sau đúng một năm đã làm ra loại hàng hóa có ý nghĩa, cung cấp cho các gia đình để thờ cúng tổ tiên mỗi dịp Tết đến, xuân về" - anh Vương nói. Mô hình của anh Vương rộng 2ha, trồng 4.500 gốc chuối, trong đó có 2.000 gốc tiêu hồng cho thu hoạch 2.000 buồng bán đúng dịp Tết Giáp Ngọ; 2.500 gốc chuối tây sẽ bán vào giữa năm nay.
Cho những mùa trái ngọt
Anh Nguyễn Văn Luyện cho hay: "Trồng chuối không đơn thuần chỉ là trồng cây để thu hoạch lấy quả. Người làm ra nải chuối, một sản phẩm chứa đựng ý nghĩa thiêng liêng dùng để thờ cúng tổ tiên phải hiểu những nét văn hóa truyền thống. Chuối xanh ứng với mùa xuân. Nải chuối như bàn tay ngửa, hứng lấy những gì tinh túy nhất của mùa xuân để đọng thành quả ngọt. Nải chuối xanh còn có ý nghĩa che chở, bao bọc".
Với những điều cao đẹp này mà những người trồng chuối như anh Luyện và những nông dân ở Vân Nam Tết này đã được hưởng một mùa trái ngọt. Riêng anh Luyện, vụ chuối đầu tiên đã thu về khoảng 300 triệu đồng từ trên 3.000 buồng chuối bán "đổ buôn", với giá bình quân trên dưới 100.000 đồng/buồng; còn lại khoảng 9.000 gốc chuối khác được bán vào những tháng đầu năm 2014. Chia sẻ về những thành công ban đầu, anh Luyện nói: "Cố gắng của chúng tôi cho thấy đây không phải là "mảnh đất chết". Quan trọng nhất vẫn phải xuất phát từ bàn tay, khối óc của mỗi người".
Vùng đất bãi xã Vân Nam có diện tích 80ha. Năm trồng chuối tiêu hồng đầu tiên (năm 2012) có 5 hộ gia đình trồng 10ha, sang đến năm 2013 tăng lên hơn 20ha với 70 hộ. Chủ tịch UBND xã Vân Nam Đặng Việt Hùng cho biết, phần diện tích khó khăn nhất phía bờ sông vẫn được người dân tiếp tục khai hoang để mở rộng diện tích.
Cùng với cây chuối, người dân còn trồng xen canh ngô, đỗ, táo, khoai lang... cho thu nhập ổn định. Theo tính toán của ông Đặng Việt Hùng, hiệu quả trồng chuối ở Vân Nam vẫn phải tùy thuộc vào giá thành sản phẩm mỗi thời kỳ nhưng thời gian vừa qua cho thu nhập khá cao, từ 200 đến 400 triệu đồng/ha, gấp nhiều lần trồng cây nông nghiệp khác như lúa, ngô, đỗ...
Để đạt được kết quả này, bên cạnh quyết tâm dám nghĩ, dám làm thì trình độ thâm canh của người dân được nâng lên nhiều nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Họ "không cho đất nghỉ" khi ngay đầu mỗi vụ của loại cây trồng chính đều xen canh cây trồng phụ để tăng thu nhập. Ông Đặng Văn Canh, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Vân Nam dẫn chúng tôi đi dọc bờ bãi sông Hồng, tâm sự rằng: "Cuộc sống của người dân nơi đây đã gắn chặt với con sông hàng trăm, hàng nghìn năm nay.
Mỗi thế hệ đi qua và những thế hệ đang sống hôm nay, họ đều thấu hiểu những quy luật của tự nhiên để sống hài hòa và tôn trọng dòng sông. Chính những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân chúng tôi đã tạo dựng nên những hình ảnh đẹp về một miền đất trù phú Vân Nam hôm nay".
Có thể bạn quan tâm
Được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hà Trung, Thanh Hoá giới thiệu, xe chúng tôi đến khu trang trại tổng hợp của anh Tuy ở xã Yên Dương.
Vụ đông xuân năm 2023 - 2024, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tích cực liên kết với các doanh nghiệp sản xuất khoai tây theo chuỗi giá trị.
Mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật mới, nông dân canh tác tôm - lúa rút ngắn thời gian thu hoạch, tôm đạt kích cỡ lớn, cho năng suất, lợi nhuận cao.
Mô hình kết hợp 4 trong 1 gồm tôm, cua, cá và sò huyết mang lại hiệu quả cao cho nông dân Bạc Liêu.
Khi chiếc chành được nhẹ nhàng nhấc lên khỏi mặt nước, hàng chục cá thể tôm cỡ ngón tay nhảy lao xao.