Tìm nước tưới cho cây cà phê
Tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 204.500 ha cà phê, sản lượng hàng năm đạt từ 460.000 tấn cà phê nhân trở lên. Tuy nhiên, ngành cà phê Đắk Lắk đang đứng trước thách thức, là hệ thống thủy lợi phục vụ tưới cho cây cà phê còn quá thiếu, chỉ mới có khoảng 46.136 ha/204.500 ha cà phê được tưới từ các công trình thủy lợi
Chiếm gần 25% diện tích, trên 75% diện tích cà phê còn lại sử dụng nước tưới từ giếng đào, giếng khoan và bơm trực tiếp từ sông, suối, gây nên tình trạng tụt sâu mực nước ngầm, làm nghèo kiệt nguồn nước ảnh hưởng đến quá trình biến đổi khí hậu của khu vực.
Nước tưới phục vụ sản xuất luôn là nhu cầu thiết yếu cho vùng Tây Nguyên.
Trong khi đó, những năm gần đây do biến đổi khí hậu, cộng với diện tích rừng ở Tây Nguyên ngày thu hẹp, rừng có trữ lượng đạt độ che phủ chỉ còn 32,4%, việc khai thác nguồn nước quá mức, không hợp lý khiến mực nước ngầm, nước mặt ở Tây Nguyên suy giảm nghiêm trọng.
Ngay trong mùa khô năm 2015, ở Tây Nguyên đã có hàng trăm công trình thủy lợi, hàng nghìn dòng suối bị khô cạn, làm cho hàng chục nghìn ha cà phê bị thiếu nước tưới, khô cháy gây thiệt hại lớn cho các nông hộ sản xuất cà phê.
Ngay tại Đắk Lắk, vùng trọng điểm cà phê của cả nước, đến cuối tháng 4/2015 đã có gần 40.000 ha cà phê thiếu nước tưới. Các ao, hồ, dòng suối, giếng đào có độ sâu từ 20 - 40 mét khô cạn, nông dân ồ ạt chuyển sang đào thêm giếng mới, nạo vét giếng có độ sâu từ 50 mét trở lên, khai thác nước từ các giếng khoan ngang dài hàng trăm mét, giếng đào phần trên kết hợp với khoan sâu xuống ở phần dưới hàng trăm mét để lấy nước tưới cứu sống cây cà phê.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết vào thời điểm hạn nặng, các nông hộ trong tỉnh đã làm mới trên 5.400 giếng khoan để lấy nước tưới cho cà phê. Từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 5/2015 mực nước ngầm ở các địa phương như Cư M’gar, Krông Búk, Ea Kar và ven thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã bị tụt sâu xuống từ 6 đến trên 10 mét.
Nhiều hộ gia đình trồng cà phê ở các huyện Cư M’gar, Krông Búk… sau khi giếng đào đã cạn kiệt lại tiếp tục thuê thợ khoan sâu xuống lòng đất hoặc khoan ngang dưới đáy giếng để tìm nguồn nước cứu các vườn cà phê.
Gia đình ông Nguyễn Hồng Phúc, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) có 1,5 ha cà phê kinh doanh, sau khi 2 giếng đào (mỗi giếng có độ sâu 25- 30 mét) cạn khô nước, ông thuê thợ tiếp tục khoan chung quanh đáy giếng sâu thêm 50 mét để tìm nguồn nước tưới cho cà phê.
Gia đình anh Lê Văn Lộc ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) có trên 1 ha cà phê sau khi dòng suối cạn đã phải đầu tư trên 30 triệu đồng khoan giếng sâu gần 70 m để lấy nước cứu sống cho cà phê…
Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị các tỉnh Tây Nguyên không nên mở rộng diện tích trồng mới mà hướng dẫn các nông hộ chuyển dần diện tích cà phê ở những địa bàn khó khăn về nguồn nước mặt, cũng như nguồn nước ngầm chuyển sang các loại cây trồng có khả năng chịu hạn để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo quy hoạch tổng thể, thủy lợi vùng Tây Nguyên đến năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục đầu tư trên 58.000 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa 756 công trình và xây dựng mới 1.614 công trình, cụm công trình, nâng diện tích các loại cây trồng được tưới nước tăng lên gần 540.000 ha.
Trong đó, tưới nước chủ động từ các công trình thủy lợi cho cà phê toàn vùng cũng chỉ tăng lên 51,28% trong tổng diện tích cà phê của cả vùng Tây Nguyên, diện tích cà phê còn lại vẫn tiếp tục tưới từ các nguồn nước sông, suối và nước ngầm.
Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên được coi là bước đi chung cho toàn vùng. Để có những giải pháp cụ thể cho từng vùng, từng lưu vực, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tiếp tục cho thực hiện quy hoạch thủy lợi cho từng vùng, từng lưu vực sông để làm rõ, chi tiết các phương án đã đề ra.
Đối với các công trình thủy lợi khai thác các dòng chính, công trình hồ thủy điện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Chính phủ để có các quy định pháp lý đảm bảo các nhiệm vụ quy hoạch đã đề ra, nhất là trong vấn đề bảo đảm dòng chảy tối thiểu trước khi chảy sang nước bạn Campuchia.
Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách riêng cho vùng Tây Nguyên, tập trung vào các lĩnh vực cây công nghiệp dài ngày, chủ yếu là cây cà phê, đặc biệt là cà phê diện tích tưới được sử dụng từ nguồn nước ngầm khá lớn vì vậy cần có những biện pháp khai thác, bảo vệ nguồn nước ngầm, cần có những cơ chế, chính sách hợp lý.
Về phát triển thủy lợi, thủy điện vùng Tây Nguyên cũng cần có chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, cấp đất sản xuất cho hộ tái định cư, thuế tài nguyên một cách hợp lý để góp phần tạo điều kiện cho Tây Nguyên phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Trước thực trạng người nuôi tôm trên cát liên tiếp bị thua lỗ, nhiều diện tích người nuôi tôm chuyển sang nuôi kết hợp với ốc hương. Mô hình này đang dấy lên mối lo ngại “lợi bất cập hại”?
Toàn huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) có 4 xã nuôi ngao với tổng diện tích 703 ha. Nếu thời tiết thuận lợi và không dịch bệnh, mỗi năm cho thu hoạch từ 10 đến 15 tấn/ha. Mặc dù sản phẩm làm lớn, nhưng nghề nuôi ngao ở Hậu Lộc vẫn chưa phát huy được hiệu quả bởi đường ra thị trường còn nhiều “chướng ngại”.
Nhằm góp phần khắc phục, cải thiện và bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh An Giang, theo kế hoạch quy hoạch và bảo vệ môi trường đến năm 2020, tỉnh đã đề ra Chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ BVMT.
Sáng 9/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với thị trấn Thuận An (Phú Vang) tổ chức thả tôm sú, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại khu vực biển Thuận An.
Thay thế sức kéo của 8 người, rút ngắn thời gian kéo chỉ còn 1/5 lần, tăng lượt thả lưới gấp 3 lần… chiếc máy kéo lưới bằng thủy lực do anh Lê Phước Hoàng (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), chủ cơ sở sửa chữa động cơ máy thủy Phước Hoàng chế tạo đã mang lại lợi ích nhiều mặt cho bà con ngư dân hành nghề đánh bắt lưới rê, lưới cá.