Đào ao… lấy nước trồng cỏ nuôi bò
“Cứu” ruộng cỏ
Ông Nguyễn Văn Trọng ở xã An Hòa (huyện Tuy An) cùng hai người con loay hoay lắp máy bơm nước D4 rồi kéo đường ống nối từ ao ra chỗ đám đất trồng cỏ. Ông Trọng cho biết: “Hai ngày qua, ba cha con tôi bỏ công đào ròng rã một ngày trời mới xong cái ao để bơm nước tưới cỏ nuôi bò”. Đám đất của ông Trọng rộng hơn 1 sào trồng cỏ voi. Mấy tháng trước, trời có mưa rải rác nên cỏ phát triển bình thường, hàng ngày cắt gánh về cho 3 con bò đang nhốt trong chuồng đủ ăn, gần đây trời nắng gắt, cỏ héo chết và rơm không đủ cho bò ăn nên ông Trọng quyết định đào ao để có nước tưới cỏ. “Tôi tính kéo điện gắn mô tơ nhưng từ nhà ra đây dây nhợ lòng thòng, nên đặt máy D4 cho tiện”, ông Trọng nói.
Ông Phan Thanh Long ở xã An Hải (huyện Tuy An) đang cắt cỏ voi trước nhà cho hay: Ngày nào tôi cũng ra đây cắt cỏ. Sau khi cắt xong, tôi đóng điện cho béc phun nước tưới ruộng cỏ khoảng 30 phút rồi gánh cỏ về. Nhờ có nước tưới, cỏ lên xanh, đủ cho bò ăn. Thời gian gần đây do trời vẫn không có mưa, dọc theo tuyến đường ven biển từ xã An Hải ra xã An Ninh Đông có rất nhiều người lắp hệ thống nước tự phun tưới cỏ cho bò. Còn ông Bùi Văn Tiến ở xã An Ninh Đông, cho hay, nhiều nông dân đầu tư 5 đến 7 triệu đồng đào ao, khoan giếng mua thiết bị bơm nước tưới ruộng cỏ để có thức ăn cho bò.
Hiệu quả kinh tế
Ông Trần Thi, một người chăn nuôi bò ở xã An Ninh Đông, cho biết: Gia đình tôi nuôi bò sinh sản, trung bình một con nghé nuôi giáp năm cao gần 1m bán với giá 15 triệu đồng/con. Trong chuồng tôi nuôi 3 con bò cái giống đẻ năm một (một năm sinh sản một con), mỗi năm sinh ra 3 con nghé, như vậy, gia đình thu nhập 45 triệu đồng/năm. Hiện nay, nuôi bò mang lại nguồn thu nhập cao, vì vậy nông dân quanh vùng có người đầu tư 7 triệu đồng để đào ao, khoan giếng để có nguồn nước tưới cỏ nuôi bò. Trồng cỏ voi chỉ cần buổi sáng bỏ ra 15 phút cắt cỏ trồng trước nhà là đủ thức ăn cho bò cả ngày. Cạnh đó, bà Nguyễn Thị Tuyết nuôi bò thịt, cũng mang lại thu nhập cao. Bà Tuyết cho hay, năm qua bà mua một con nghé với giá 16 triệu đồng, sau khi nuôi một năm rưỡi, thương lái đến trả 32 triệu đồng.
Nuôi bò thu lãi cao, tuy nhiên các xã nằm dọc tuyến đường ven biển không có công trình thủy lợi nên gặp khó khăn về nguồn nước tưới. Tuy nhiên, nhờ khu vực này thấp nên thuận lợi trong việc đào ao, khoan giếng tìm nguồn nước ngầm. Theo ông Nguyễn Văn Danh, Phó chủ tịch UBND xã An Hải, thời gian qua nắng hạn, nguồn nước hồ, suối đều cạn kiệt, nông dân ra sức đào ao, khoan giếng để lấy nước tưới hoa màu, ruộng cỏ, để không bị chết khô. Không những thế, nông dân còn lắp đặt hệ thống tưới phun béc để tiết kiệm nguồn nước. Nhờ cách làm sáng tạo nên ruộng cỏ xanh tốt, có thức ăn nuôi đàn bò. Hiện nay, nuôi bò là nghề cho thu nhập cao, nhiều hộ nhờ chăn nuôi mà thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ổn định.
Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, đàn bò toàn huyện có hơn 32.624 con, trong đó các xã An Hòa, An Mỹ, An Ninh Đông gần 10.000 con. Người chăn nuôi bò đã mạnh dạn áp dụng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế. Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên Nguyễn Văn Lâm, ngành Thú y khuyến cáo, người chăn nuôi cần phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Đối với vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò được UBND tỉnh cấp miễn phí để tiêm phòng cho các xã miền núi, bãi ngang ven biển.
Có thể bạn quan tâm
Quá nửa đời gắn bó với nghề nông một nắng hai sương, lão nông Đinh Cương (thôn 1-xã An Phú-TP. Pleiku) vẫn chưa một ngày thôi trăn trở tìm cho mình một hướng đi mới, con đường mới với ước mong cuộc sống đỡ vất vả hơn. Cây dâu tây vốn không xa lạ với người dân Phố núi nhưng để trồng dâu tây thương phẩm thì gần như ông Cương mới là người đầu tiên dám nghĩ, dám làm…
Nhận định mùa Đông năm nay, thời tiết, khí hậu sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường với các hiện tượng như: sương muối, băng tuyết... gây khó khăn trong việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Nếu không chuẩn bị chu đáo có thể ảnh hưởng lớn đến việc phát triển chăn nuôi gia súc, gây thiệt hại nặng nhất là ở các xã vùng núi đá cao như Lũng Cú, Lũng Táo, Phố Bảng.
Là một xã vùng thấp của huyện Quang Bình, Bằng Lang có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH, xã có tổng diện tích đất tự nhiên là 7.514 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 2/3. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa XXI, xã đã thực hiện chủ trương quy hoạch phát triển trồng cây cao su để tạo ra nhiều cơ hội về công ăn việc làm cho người lao động.
Trong vụ bưởi tết năm nay, nhiều vườn bưởi Năm Roi ở huyện Châu Thành nói chung và câu lạc bộ (CLB) bưởi tạo hình hồ lô ở xã Phú Tân nói riêng, không khỏi lo lắng khi trái non bị rụng ngay từ đầu vụ. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ mất mùa, đồng nghĩa với thu nhập trong dịp tết của nhiều nhà vườn cũng giảm theo.
Mặc dù mùa thu hoạch mía 2014-2015 vẫn chưa kết thúc, tuy nhiên, tranh thủ nước rút, hiện những khu vực nằm trong đê bao chống lũ hoặc nơi có bờ liếp cao, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp đang tất bật xuống giống cho niên vụ mía 2015-2016. Theo đó, niên vụ mía năm nay, ngành chức năng địa phương và người dân có sự thay đổi lớn về cơ cấu giống và diện tích.