Hiệu quả từ mô hình trồng bắp nuôi bò
Bên cạnh đó, kỹ thuật trồng bắp cũng khá đơn giản, nên khả năng phát triển với diện tích lớn là có thể thực hiện được.
Để giải quyết những khó khăn trong sản xuất, chuyển đổi hợp lý hóa về cơ cấu cây trồng, tăng cao năng suất và hiệu quả thu nhập. Nhà máy rau quả đông lạnh Mỹ An (Công ty Antesco) đã hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bắp thu trái non cho nông dân. Nếu như ban đầu chỉ vài héc-ta, nay đã tăng lên, trồng bắp thu trái non, chủ yếu tập trung ở các ấp Long An, Long Quới, Long Hòa 1 (An Giang).
Trước đây, nông dân sau khi thu hoạch trái bắp non, thân cây và vỏ trái bắp được bỏ đi, đồng nghĩa với việc bỏ đi một lượng lớn thức ăn cho bò. Từ đó người dân nghĩ ra mô hình trồng bắp kết hợp nuôi bò. Cây bắp sau khi thu trái non, thân vẫn còn rất non, mềm, lá vẫn còn rất xanh và nhiều dinh dưỡng nên cho bò ăn rất hiệu quả...
Sau khi thu hoạch, nông dân còn tận dụng thân cây bắp để nuôi bò thịt góp phần tăng thêm hiệu quả kinh tế gia đình. Ngoài việc bao tiêu sản phẩm, khi hợp đồng trồng bắp, nông dân còn được công ty hỗ trợ về giống, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo quản trái...
Người trồng bắp tính toán rất kỹ, không xuống giống một lượt, mà xoay vòng liên tục, thu lợi quanh năm. Theo nông dân Nguyễn Văn Giao, 59 tuổi, ngụ ấp Long An, xã Long Kiến cho chúng tôi biết: Trước đây gia đình ông chỉ trồng lúa, năm nào lúa trúng hay thất mùa thì giá lúa cũng luôn thấp, không ổn định, nên chuyển sang trồng bắp thu trái non kết hợp với nuôi bò vỗ béo, được Nhà máy rau quả đông lạnh Mỹ An (Công ty Atesco) thu mua sản phẩm nên đầu ra ổn định. Những ngày vừa qua, gia đình ông đã thu hoạch, với năng suất bắp đạt gần 200 kg/công, giá bán ổn định, nhờ vậy đã giúp cho gia đình ông thu lãi từ bắp thu trái non cao hơn trồng lúa gấp nhiều lần. Sau đó, tận dụng lấy thân cây bắp để nuôi bò, tạo cho gia đình có thêm nguồn lợi nhuận, từ đó cuộc sống của gia đình càng ổn định hơn.
Ông Giao cho biết: “Để có nguồn thức ăn phong phú cho bò từ 10 công đất lúa tôi đã chuyển sang trồng bắp thu trái non, được trồng xoay vòng theo vụ. Hơn 45 ngày tuổi chăm sóc trừ hết khoảng chi phí còn lời hơn 20 triệu đồng. Ngoài thu trái non, tận dụng các nguồn phụ phẩm từ cây bắp cho bò ăn, làm tăng hiệu quả kinh tế gia đình”.
Cách làm hay của nông dân nơi đây là trồng bắp luân phiên trên nhiều công đất, cách làm này đảm bảo được nguồn thức ăn cho đàn bò quanh năm. Bên cạnh đó, để đàn bò có nguồn thức ăn đa dạng, người nông dân còn trồng thêm cỏ vôi. Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi kết hợp này rất khả quan. Đặc biệt, cái hay của nông dân, đồng thời cũng thể hiện sự đoàn kết tương trợ nhau đó là chuyện vay mượn cây bắp. Hễ nhà nào thu hoạch bắp nhiều cho nhà kế bên mượn cho bò ăn. Đến khi tới lượt nhà mình thu hoạch sẽ trả lại. Nhờ đó giúp nông dân tiết giảm chi phí mua thân bắp giá cao. Sau khi nuôi vỗ béo từ 8-10 tháng xuất chuồng, trừ chi phí người chăn nuôi có thể thu lãi khoảng 1,5 triệu đến xấp xỉ gần 2 triệu đồng/con/tháng. Nhiều nông dân còn sử dụng phân bò làm khí đốt biogas.
Với tính năng động, dám nghĩ, dám làm đã có 01 cơ ngơi vững chắc và là gương điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương anh Phan Hữu Chuyền kể: Ban đầu từ 13 công đất lúa sản xuất kém hiệu quả, anh chuyển sang trồng bắp thu trái non. Lấy ngắn nuôi dài chăn nuôi thêm bò. Qua tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi và nghe thông tin trên báo, đài nói về lợi nhuận của các giống bò lai. Anh chọn giống bò Italia được mua từ các Huyện khác như: Châu Đốc, Tịnh Biên. Ban đầu với số lượng 02 con, khi xuất chuồng đem lại lợi nhuận trên 20 triệu đồng. Thấy việc chăn nuôi có hiệu quả, tiếp tục mua con giống về nuôi, đến nay đàn bò anh nuôi đã lên đến 30 con mỗi năm. Anh Chuyền cho biết “Với 13 công đất trồng bắp thu trái non, chi phí bỏ ra là 1,5 triệu đồng/công. Sau gần 2 tháng thu hoạch, được nhà máy rau quả đông lạnh Mỹ An thu mua, trừ mọi khoản chi phí tôi lời hơn 1 triệu đồng/công. Còn vỏ trái và thân cây bắp cho bò ăn, giúp tôi tiết kiệm chi phí để nuôi bò”.
Ông Trần Như Hiền, Chủ tịch Hội nông dân xã Long Kiến, Chợ Mới cho biết thêm: “Những năm gần đây mô hình trồng bắp kết hợp với chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại mô hình chăn nuôi khác, nhờ phát triển chăn nuôi bò nên thu nhập người dân ổn định, bền vững. Trong thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất canh tác. Và định hướng cho nông dân sản xuất các loại cây trồng thích hợp, phù hợp với nhu cầu của thị trường, giúp cho người nông dân có lợi nhuận trong sản xuất, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi theo nghị quyết của Đảng ủy xã trong chuyển dịch cơ cấu kinh năm của xã năm 2015 đã đề ra”.
Với sự nỗ lực thành công của mô hình trồng bắp kết hợp với chăn nuôi bò đang là giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế của gia đình, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam đang đứng đầu khu vực về lượng hàng xuất khẩu bị vi phạm quy định hóa chất kháng sinh trong khu vực.
Cho dù các chuyên gia lẫn các nhà quản lý cảnh báo chăn nuôi là một trong những ngành chịu thiệt thòi nhất khi Việt Nam gia nhập TPP thì trên thực tế, hoạt động chăn nuôi vẫn đang mở rộng khá nhanh, nhất là tại Đồng Nai - địa phương có tổng đàn gia súc lớn nhất nước.
Vào khoảng giữa tháng 6, hành tây Đà Lạt mua tại vườn chưa tới 3.000 đồng/kg, đến thời điểm hiện tại loại hàng này đã đội giá lên gấp hàng chục lần. Với mức giá từ 25.000- 40.000 đồng/kg (tùy loại) dù được xem là cao kỷ lục, nhưng nông dân vẫn không có hàng để bán.
Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp, các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực đưa hàng Việt “phủ sóng” ở nông thôn, đặc biệt là những vùng khó khăn.
“Chất tạo nạc đang là vấn nạn làm hủy hoại sản xuất, sức khỏe của người tiêu dùng và nếu không được xử lý triệt để thì ngành chăn nuôi sẽ lâm vào cảnh tự sát”.