Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tìm Lại Vị Ngọt Của Nho

Tìm Lại Vị Ngọt Của Nho
Ngày đăng: 26/06/2014

Du khách đến Ninh Thuận thường có ấn tượng khó quên về những chùm nho chín mọng, ngọt lịm. Thiên nhiên đã ưu đãi ban cho tỉnh ta điều kiện khí hậu, đất đai rất phù hợp cho sinh trưởng của cây nho.

Là cây đặc sản, nho được trồng rộng rãi từ những năm 1978-1980, đã đem lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho nông dân địa phương. Thời hoàng kim, chẳng hạn năm 1995 diện tích nho đã tăng lên trên 2.000 ha, với sản lượng bình quân 20 tấn/ha, mỗi năm có thể thu hoạch 2-3 vụ, người trồng nho thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm/ha.

Cây nho, sau những bước thăng trầm, cho đến nay vẫn được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh xác định là một trong những cây trồng chủ lực trong giai đoạn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở tỉnh.

Theo quy hoạch của ngành, đến năm 2015 diện tích trồng nho toàn tỉnh đạt 2.000 ha, trong giai đoạn 2016-2020 đạt 2.500 ha. Hiện nay với diện tích khoảng 800 ha (riêng huyện Ninh Phước có diện tích gần 300 ha), trong đó có trên 70 ha trồng mới trong vụ Đông Xuân 2013-2014, cây nho chiếm 3% tổng diện tích đất nông nghiệp ở tỉnh nhưng giá trị kinh tế chiếm 13% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Ngoài giống nho đỏ Cardinal truyền thống chiếm đa số diện tích trồng, những năm gần đây giống nho xanh NH 01-48 đang được đưa vào sản xuất, là giống nho có chất lượng cao, giá trị thương phẩm hơn hẳn nho đỏ Cardinal. Đơn cử tại thời điểm này, nếu nho đỏ có giá 35.000 đồng/kg thì nho xanh có giá 65.000 đồng/kg.

Ở tỉnh Ninh Thuận, trừ huyện Bác Ái, còn lại địa bàn nào cũng có trồng nho nhưng tập trung trồng nhiều nhất tại các huyện Ninh Phước, Ninh Hải và Tp Phan Rang-Tháp Chàm. Từ thực tế nhu cầu thị trường, diện tích trồng giống nho xanh NH 01-48 đang tăng lên, thay thế dần cho giống nho đỏ Cardinal đang có những biểu hiện thoái hoá về năng suất và phẩm chất.

Nhiều người trồng nho vẫn còn nhớ đến giống nho Black Queen, có màu đen và hương thơm đặc trưng từng được tôn vinh là “nữ hoàng nho” không chỉ vì có tên theo ngữ nghĩa tiếng Anh, mà còn hàm ý về vị thế của nho giữa các cây trồng khác.

Bây giờ, hầu như không còn ai trồng giống này nữa. Ông Nguyễn Văn Mọi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nho Ninh Thuận và là chủ trang trại nho Ba Mọi (Phước Thuận, Ninh Phước) cho biết: “Có lẽ chỉ duy nhất tôi còn trồng giống nho Black Queen, đây là giống nho có chất lượng cao, giá trị thương phẩm tương đương với giống nho xanh NH 01-48. Nhưng vì mục đích chính là phục vụ khách tham quan nên tôi cũng trồng chưa nhiều”.

Với diện tích trồng 1,5 ha nho, trang trại nho Ba Mọi có 1 ha nho trồng ăn tươi và 0,5 ha nho rượu làm nguyên liệu chế biến rượu vang, riêng nho trồng ăn tươi có 1 sào trồng giống nho đen Black Queen, 1 sào trồng giống nho đỏ Cardinal và 7 sào còn lại trồng giống nho xanh NH 01-48.

Để phục vụ du khách đến tham quan, trang trại trồng đa dạng các giống nho, nhưng chính từ các cuộc tiếp xúc, các nhân viên làm việc trong trang trại nhận thấy giống nho đen Black Queen rất được du khách ưa chuộng từ màu sắc đến hương vị.

Một điều bất lợi thấy rõ là giá cả tiêu thụ nho ăn tươi thường không ổn định và trước sự biến động của thị trường, người trồng nho gặp không ít lao đao. Vì vậy cùng với việc khuyến khích chế biến các sản phẩm từ nho như rượu vang, nho khô, mật nho, việc sản xuất nho an toàn theo hướng VietGAP đang là lựa chọn ưu tiên.

Theo Sở NN&PTNT, trong năm 2013 toàn tỉnh đã có diện tích 25,03 ha nho được cấp chứng nhận sản xuất VietGAP, bao gồm 1,5 ha của trang trại nho Ba Mọi và trên 23 ha nho của 9 tổ hợp tác (109 hộ) thuộc phường Văn Hải (Phan Rang-Tháp Chàm). Trong năm nay, có 66,36 ha diện tích nho tiếp tục được cấp chứng nhận VietGAP, trong đó riêng ở thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) đã có 29,58 ha.

Bằng kinh nghiệm trực tiếp của người sản xuất VietGAP và dán nhãn chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm nho, ông Nguyễn Văn Mọi chia sẻ: “Để nho sản xuất VietGAP có chỗ đứng chắc chắn trên thị trường, theo tôi cần phải có vai trò định hướng của nhà nước, sự tham gia của doanh nghiệp ngay từ đầu, qua đó thay đổi trong cách tổ chức sản xuất, trong cách đưa sản phẩm ra thị trường, mà quan trọng là ở khâu quảng bá, giới thiệu và có địa điểm bán sản phẩm nho VietGAP”.

Điều ít ai biết, chính khí hậu khô hạn và lượng mưa trung bình hằng năm thấp của tỉnh ta đã tạo thuận lợi cho cây nho phát triển, là lợi thế mà các vùng khác không thể có được. Vì vậy việc đưa các giống nho mới, kể cả giống nho đen Black Queen trước kia vào sản xuất an toàn theo hướng VietGAP nhằm tăng năng suất và phẩm chất là xu hướng tất yếu. Khôi phục lại diện tích trồng nho như đã từng có, nông dân tỉnh ta đang tìm lại vị ngọt của nho ngày nào.


Có thể bạn quan tâm

Thận Trọng Khi Phát Triển Diện Tích Trồng Gừng Thận Trọng Khi Phát Triển Diện Tích Trồng Gừng

Tại huyện Thới Bình (Cà Mau), do giá giảm thấp khiến không ít diện tích mía sau khi thu hoạch đã được chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi khác, trong đó đang chiếm ưu thế là gừng. Sự phát triển diện tích trồng gừng ồ ạt do giá thành tăng cao đang khiến các ngành chức năng không khỏi lo ngại cho tương lai của gừng.

14/01/2015
Sản Lượng Cà Phê Năm 2015 Có Thể Giảm 20-25% Sản Lượng Cà Phê Năm 2015 Có Thể Giảm 20-25%

Theo Vicofa, sản lượng cà phê năm 2015 của Việt Nam được dự báo giảm khoảng 20 - 25% so với năm 2014; khiến Vicofa đưa ra mục tiêu xuất khẩu cà phê năm 2015 giảm khoảng 11,1% về kim ngạch so với năm 2014 - dự báo xuất khẩu khoảng 1,4 triệu tấn, trị giá khoảng 3,2 tỉ đô la Mỹ.

14/01/2015
Hộ Sản Xuất Đậu Phộng Có Thu Nhập Cao Hộ Sản Xuất Đậu Phộng Có Thu Nhập Cao

Ngoài tiêu thụ mạnh tại địa phương, đậu phộng ở huyện Tuy An còn được thương lái thu gom, chuyển vào TP Hồ Chí Minh bán cho các cơ sở sản xuất dầu ăn. Vào thời điểm này, giá bán mỗi kg đậu phộng tươi (còn vỏ) ở huyện Tuy An từ 7.000 đến 9.000 đồng. Nhờ năng suất thu hoạch và giá bán cao, mỗi sào đậu phộng trong thời gian khoảng 3 tháng đã cho hộ sản xuất thu nhập hơn 7 triệu đồng.

14/01/2015
Triển Vọng Về Một Quy Trình Tái Canh Cà Phê Triển Vọng Về Một Quy Trình Tái Canh Cà Phê

Không trồng luân canh cây hoa màu để cải tạo đất trong 3 năm theo quy trình tái canh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số nông dân ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột đã tái canh trực tiếp theo kinh nghiệm và bước đầu đã thành công, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng trong việc giải quyết bài toán tái canh cà phê hiện nay.

14/01/2015
Hướng Tới Thương Hiệu Chè Sạch Thủ Đô Hướng Tới Thương Hiệu Chè Sạch Thủ Đô

Ông Nguyễn Trung Thành, ở thôn Phúc Xuân, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn chia sẻ, tham gia sản xuất chè an toàn, gia đình ông đã biết cách chăm sóc, thu hái và chế biến chè đúng kỹ thuật. Chè hái về được phơi trên giá lưới, không phơi trên nền sân như trước.

14/01/2015