Tìm Đầu Ra Cho Sò Huyết
Trong thời gian qua, mô hình nuôi cá bống tượng và các loài cá nước ngọt, lợ khác phát triển khá mạnh ở huyện Cái Nước (Cà Mau). Qua đó góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, do đầu ra không ổn định, người dân nhiều phen khốn đốn vì trúng mùa nhưng không trúng giá.
Hiện nay, con sò huyết cũng là đối tượng được chính quyền ấp Khánh Tư, xã Đông Thới, huyện Cái Nước, khuyến khích người dân phát triển sản xuất và thời gian qua nó cũng đem lại hiệu quả khá khả quan. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển thì việc tìm đầu ra cần được quan tâm một cách sâu sát và triệt để.
Với thế mạnh dễ dàng trong khâu nuôi như: kỹ thuật đơn giản, ít tốn công chăm sóc, mức độ rủi ro ít, giá cao, lại phù hợp với vùng có nhiều phù sa và thuỷ triều lên xuống, hơn 2 năm qua, đặc biệt là từ đầu năm 2012 đến nay, hiệu quả từ mô hình nuôi sò huyết thương phẩm mang lại cho người dân ấp Khánh Tư là không nhỏ. Nhiều hộ gia đình vươn lên khá giàu.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số người dân thì thương lái thường xuyên mua ép giá sò của họ. “Giá trung bình 1 kg sò từ 55.000 - 65.000 đồng tuỳ con lớn hay nhỏ, nhưng họ chỉ mua với giá 45.000 - 55.000 đồng, cò kè dữ lắm họ mới chịu mua lên cho mình”, một người dân ở ấp Khánh Tư chia sẻ.
Anh Nguyễn Thanh Sang, người dân ấp Khánh Tư, cho biết: “Do các thương lái thường hạ giá xuống thấp hơn thị trường nên nhiều người đã tự mang sò đi Cái Nước bán. Nhưng trừ chi phí đi lại cũng không còn lời được bao nhiêu”.
Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thới Lê Hoàng Anh cho biết: “Việc tìm đầu ra cho con sò huyết vẫn là vấn đề nan giải. Đa số thương lái đều làm ăn nhỏ lẻ theo hộ gia đình, họ mua sò của người dân và bán lại cho các cơ sở lớn, nên sẽ khó khăn khi thuyết phục họ mua với giá cao. Hiện xã đang liên hệ với các chủ cơ sở để thu mua sò ổn định cho bà con”.
Một khi mô hình nuôi sò huyết được nhân rộng thì việc tìm đầu ra cho con sò huyết là việc làm cấp bách cần có sự quan tâm vào cuộc đồng bộ của cơ quan chức năng. Có như thế con sò huyết mới không phải chịu chung số phận với con cá bống tượng.
Có thể bạn quan tâm
Dù không phải là "xứ sở của cây nhãn", nhưng vài năm gần đây, nông dân huyện Tân Yên (Bắc Giang) bắt đầu quan tâm, phát triển loại cây ăn quả có giá trị kinh tế này.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, diện tích trồng cây chôm chôm toàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu hiện nay khoảng 231ha, trong đó 174ha đang cho trái và có thể cung cấp cho thị trường khoảng 2.296 tấn quả/vụ. Chôm chôm là cây ăn quả khá phù hợp đối với vùng đất đỏ bazan, hiện được trồng phổ biến ở các huyện: Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành và Đất Đỏ.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, trong 7 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cà phê của tỉnh chỉ đạt trên 134 ngàn tấn, giảm khoảng 63 ngàn tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Đồng Nai chỉ đạt gần 271 triệu USD, đạt khoảng 53% so với cùng kỳ.
Lần đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nông dân trồng giống ngô chuyển gen NK66 Bt/GT của Công ty Syngenta đã tận mắt, tận tay trải nghiệm tính ưu việt của công nghệ mới, giúp cây ngô vừa chống chịu thuốc trừ cỏ gốc glyphosate vừa kháng được sâu đục thân, tiết kiệm chi phí và nâng cao thu nhập. Đây là một tín hiệu vui cho người trồng ngô, nhất là trước tình hình giá ngô không ổn định như hiện nay.
Cùng với cây hồ tiêu, cà phê là một trong 2 loại cây trồng chủ lực của huyện Chư Sê (Gia Lai), góp phần thúc đẩy kinh tế huyện nhà phát triển những năm qua.