Tiếp Tục Siết Chặt An Toàn Thực Phẩm
Thực hiện Thông tư 25 và 13, trong tháng 8 Cục Thú y đã kiểm tra gần 1.500 lô hàng có nguồn gốc động vật NK, trong đó đã tiến hành xử phạt vi phạm 5 lô hàng, không có lô nào bị tái xuất.
Sáng 25/9, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ NN-PTNT giao ban về công tác quản lí chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), an toàn thực phẩm (ATTP) tháng 8, và triển khai kế hoạch tiếp theo với rất nhiều vấn đề nổi cộm cần phải giải quyết.
Đồng loạt ra quân kiểm tra toàn diện
Theo báo cáo của Cục QLCL Nông lâm sản và thủy sản, trong tháng 8 Cục đã tổ chức kiểm tra định kỳ 7 cơ sở SX thủy sản đã có giấy chứng nhận ATTP, trong đó có 1 cơ sở xếp hạng 1, 3 cơ sở xếp hạng 2, 1 cơ sở xếp hạng 3 và 2 cơ sở xếp hạng 4. Kết quả, đối với các cơ sở không đạt yêu cầu (bị xuống hạng 3, 4), Cục đã tiến hành xử lí theo quy định bằng việc đưa ra khỏi danh sách ưu tiên.
Cũng trong tháng 8, Thanh tra Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Thanh tra Sở NN-PTNT Cần Thơ, Hậu Giang, Long An phối hợp với PA 46, PA 81 các tỉnh thực hiện thanh tra đột xuất một số đại lí thuốc BVTV kinh doanh thuốc giả.
Kết quả sơ bộ, phát hiện 1 đại lí ở Hậu Giang có kinh doanh sản phẩm giả sản phẩm thuốc BVTV Rocsai-physan của Cty TNHH Lúa Vàng, Bình Dương, hiện đang trong quá trình phối hợp với PA 81 Hậu Giang truy tìm cơ sở làm giả.
Về phía Tổng cục Thủy sản, trong tháng 8 đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng Oxytetracycline trong nuôi trồng thủy sản tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và tiến hành lấy 35 mẫu thức ăn cho tôm của 7 cơ sở SX sản lượng lớn trên thị trường để phân tích, kết quả không phát hiện mẫu thức ăn có chứa kháng sinh Oxytetracycline.
Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền cho biết, khi tiến hành phỏng vấn gần 300 cơ sở nuôi tôm thì số lượng hộ nuôi cho biết có sử dụng Oxytetracycline là rất lớn thông qua nguồn hàng mua trực tiếp ngoài thị trường để trộn vào thức ăn hoặc hòa nước đổ thẳng vào ao nuôi.
Thực hiện Thông tư 25 và 13, trong tháng 8 Cục Thú y đã kiểm tra gần 1.500 lô hàng có nguồn gốc động vật NK, trong đó đã tiến hành xử phạt vi phạm 5 lô hàng, không có lô nào bị tái xuất.
Về thực trạng sử dụng phổ biến kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, Phó Cục trưởng Cục Thú y Dương Tiến Thể cho rằng, lãng phí và không hiệu quả. Theo ông Thể, hiện nay người dân dùng hàng chục loại kháng sinh khác nhau mà không theo bất cứ quy trình, hướng dẫn nào nên dẫn tới việc kháng thuốc rất nhanh.
Trong khi đó, khi bỏ quá nhiều kháng sinh xuống nước sẽ khiến các vi sinh vật, tảo ở môi trường nước, bùn bị chết nên dịch bệnh càng lây lan và bùng phát mạnh hơn. Chính vì vậy, ông Thể khuyến cáo người dân nuôi trồng thủy sản tốt nhất là phòng bệnh thông qua việc áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn.
Về vấn đề TĂCN, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng về công tác kiểm tra trọng điểm chất lượng TĂCN tại một số địa phương, kết quả phát hiện 8,1 tấn TĂCN tại Thanh Hóa có sử dụng chất cấm, hiện đã xử lí phạt tiền 80 triệu đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh 1,5 tháng với DN vi phạm này.
Riêng tại TP.HCM, tình trạng thịt có dư lượng kháng sinh Sulfadimidin vượt ngưỡng cho phép, theo Cục Chăn nuôi có thể do người dân tự ý trộn thêm vào thức ăn. Cục Chăn nuôi đang tiến hành xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn về quản lí và sử dụng kháng sinh trong TĂCN.
Cơ sở loại C còn cao
Về việc thực hiện Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT, Cục QLCL Nông lâm sản và thủy sản cho biết, qua thống kê số liệu báo cáo từ địa phương và kết quả kiểm tra lũy kế đến tháng 8 cho thấy các cơ sở bị xếp loại C (không đạt) vẫn còn chiếm tỉ lệ khá cao.
Theo Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng, trong tháng 8 đơn vị đã kiểm tra trên 5.000 lô hàng và lấy 81 mẫu hàng có nguồn gốc thực vật NK để kiểm tra, phân tích, kết quả 66 mẫu không phát hiện dư lượng, 15 mẫu có dư lượng dưới mức cho phép như: Azoxystrobin, Buprofezin, Cypermethrin, Chlorpyriphos E, Difenoconnazole…
Cụ thể, đối với cơ sở trong chuỗi SX kinh doanh thủy sản và sản phẩm thủy sản, tỉ lệ các cơ sở được kiểm tra, đánh giá phân loại lần đầu xếp loại A, B là 73,3%, có 32,9% cơ sở xếp loại C được tái kiểm và tỉ lệ tiếp tục xếp loại C vẫn còn 53%.
Đối với chuỗi SX, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên cạn, tỉ lệ xếp loại lần đầu A, B là 69,3%, 19,2% xếp loại C, sau khi được tái kiểm tỉ lệ tiếp tục xếp loại C vẫn còn cao trên 20%. Với cơ sở trong chuỗi SX, kinh doanh thực vật và nguồn gốc thực vật, trong 29% cơ sở xếp loại C, khi tiến hành tái kiểm loại C vẫn chiếm tỉ lệ rất cao là 58%.
Riêng trong lĩnh vực SX, kinh doanh VTNN, trong số 30,1% cơ sở xếp loại C được tái kiểm thì vẫn còn 42% dậm chân tại chỗ.
Cũng trong tháng 8, các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT tiến hành tổ chức kiểm tra, rà soát chuẩn bị đón đoàn Thanh tra EU sang Việt Nam đánh giá hệ thống nhuyễn thể hai mảnh XK vào EU; xử lí vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho XK thủy sản Việt Nam vào thị trường LB Nga và Trung Quốc.
Vừa qua, Cục QLCL Nông lâm sản và thủy sản đã ban hành văn bản yêu các các địa phương, đơn vị tạm dừng XK mặt hàng nhuyễn thể hai mảnh vào thị trường EU bởi phía đối tác cảnh báo vi phạm.
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý, việc các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản tồn dư chất cấm, nhiễm dư lượng thuốc BVTV hay kháng sinh, vi sinh vật đều có nguyên nhân sâu xa là người nông dân chưa hiểu kỹ, hiểu sâu vấn đề và bản thân các cơ quan chức năng, chuyên môn chưa hướng dẫn hợp lí và hiệu quả.
Vì vậy, ngoài việc gửi công văn, giấy tờ về các địa phương, các đơn vị chuyên môn của Bộ NN-PTNT cần trực tiếp đi thực tế nhiều hơn nữa nhằm tìm hiểu khó khăn, vướng mắc của người dân, DN, địa phương để nhanh chóng tháo gỡ kịp thời. Nếu cần thiết, các đơn vị cứ mạnh dạn đề xuất cơ chế chính sách, Bộ sẵn sàng cấp kinh phí để công tác quản lí VTNN và ATTP được tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm
Vú sữa không khó trồng mà lại cho hiệu quả cao. Nơi nào đủ điều kiện rất nên trồng vú sữa. Ta nên trồng vú sữa vào đầu mùa mưa...
Cây dưa hấu không ít lần khiến nhiều hộ dân ở Bình Định đổ nước mắt, thậm chí lâm cảnh tán gia bại sản vì thua lỗ. Sự phát triển ào ạt của dưa hấu không tuân thủ quy hoạch dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, nắng nóng tiếp tục hoành hành trên diện rộng trong một hoặc hai ngày tới. Trước đó cho đến hôm qua (3/5), nắng nóng đạt đỉnh với nhiệt độ cao nhất trong ngày lên tới 44 độ, độ ẩm giảm dưới 40% khiến cảm giác oi bức, ngột ngạt gia tăng.
Vụ hè này, nhiều hộ nông dân ở Thanh Hóa đã trúng đậm vụ hành chăm với lãi lớn. Cây hành chăm có ưu điểm dễ trồng, tiết kiệm nước, củ hành chăm bé bằng hạt nhãn màu trắng, rất thơm nên dễ bán.
Sau những lần thất bại với mô hình nuôi thỏ, anh Huỳnh Chí Công (34 tuổi), ngụ tại xã Phước Vĩnh An, H.Củ Chi, TP.HCM lân la khắp các tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ tìm kiếm mô hình chăn nuôi phù hợp với nghề nông của mình. Và mô hình nuôi rắn ráo trâu được anh lựa chọn để phát triển thành trang trại như ngày nay.