Tiền Giang Làm Giàu Từ Vàng Trắng Ở Vùng Biển Gò Công
Khoảng thập niên 1990, con nghêu không biết từ nơi đâu đã xuất hiện tại bãi biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) nhiều vô số kể. Từ đó, nơi đây đã hình thành, phát triển mạnh nghề nuôi nghêu thương phẩm. Cũng chính nhờ “lộc trời cho” này mà nhiều người dân nơi đây đã thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên khá giàu.
Theo thống kê của UBND xã Tân Thành, mỗi năm có hơn 100.000 lao động của xã và các xã ven như: Tân Ðiền, Phước Trung, Kiểng Phước... đến cào, chăm sóc, quản lý và vận chuyển nghêu...
Cứ đến mùa thu hoạch nghêu là vùng Tân Thành náo nhiệt, mỗi ngày thu hút từ 3.000 - 4.000 lao động từ các xã ven về cào nghêu cho chủ sân; bình quân mỗi lao động thu nhập cũng khá cao, khoảng 3 giờ đồng hồ là được 100.000 đồng.
Ông Trần Văn Chỉ, “triệu phú” nuôi nghêu ấp Tân Phú, xã Tân Thành cho biết: “Con nghêu ở đây không những giúp ngư dân làm giàu, mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động lúc nông nhàn”.
Chủ tịch UBND xã Tân Thành Ngô Phi Trường tâm sự: “Từ năm 1990 trở về trước, vùng quê Tân Thành nói riêng và các xã ven biển Gò Công nói chung còn nghèo lắm. Ðất đai bị nhiễm mặn quanh năm, cây lúa chỉ làm được một vụ, nhưng rất bấp bênh vì triều cường.
Hệ thống giao thông thì lầy lội, khó đi. Điện, đường, trường, trạm đều thô sơ, tạm bợ nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, phải đi làm mướn khắp nơi để kiếm sống.
Từ khi con nghêu xuất hiện, nghề nuôi nghêu đã giúp người dân các xã ven biển Gò Công đổi đời. Sau năm 1990, Nhà nước đưa vào quản lý và khai thác nguồn tài nguyên từ nghêu. Lúc đó, để tạo nguồn thu nhập cho người dân, trên diện tích gần 2.000 ha, xã đã chia đều cho các hộ, mỗi hộ 0,3 ha để người dân liên kết lại nuôi nghêu thương phẩm.
Đối với 350 ha nghêu giống ở cồn ông Mão và cồn ông Liễu, nếu nằm trong sân của dân thì khi khai thác người dân được hưởng 50%, Nhà nước 50%. Người dân của xã đã tập trung quay về bám biển, phát triển nghề nuôi nghêu, ổn định cuộc sống.
Hơn 20 năm qua, nghề nuôi nghêu trên vùng đất bãi bồi ven biển Gò Công đã giúp đời sống người dân vùng biển Tân Thành không ngừng được nâng cao, bộ mặt nông thôn khởi sắc.
Ông Ngô Phi Trường cho biết thêm: “Hiện nay, hầu hết nhà cửa của người dân được xây dựng kiên cố, tường hóa, ngói hóa; hệ thống điện, nước sạch đầy đủ; hệ thống giao thông liên xã, liên ấp được đầu tư xây dựng, nhựa hóa hoàn chỉnh; chợ, trường học, trạm y tế đều khang trang, sạch đẹp...
Tất cả đều có sự góp phần rất lớn từ nghề nuôi con nghêu. Hiện xã có 1.845 ha nuôi nghêu thương phẩm và 1.000 ha đất sản xuất lúa, xã vẫn xác định nuôi nghêu là ngành kinh tế chủ lực. Ðây là một trong những điều kiện thuận lợi để xã sớm đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới”.
Hiệu quả, lợi ích từ con nghêu mang lại cho người dân vùng biển Gò Công trong thời gian qua đã rõ ràng. Thế nhưng, hai vụ nghêu năm 2011-2012, nghêu nuôi ở Gò Công chết hàng loạt, gây thiệt hại mỗi năm hơn 200 tỷ đồng mà chưa rõ nguyên nhân, khiến người nuôi nghêu lo lắng.
Ông Nguyễn Quốc Minh, ấp Cây Bàng, xã Tân Thành cho biết: Ngày trước, nuôi nghêu mang lại thu nhập cao bởi chi phí thấp, năng suất, sản lượng cao, giá trị kinh tế lớn, ít rủi ro.
Thêm nữa, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nghề nuôi nghêu luôn đối mặt với các thách thức: Giá đầu vào tăng cao, nghêu bệnh chết... 2 năm trở lại đây, cứ vào độ tháng 12 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau, nghêu nuôi vùng ven biển Gò Công lại chết hàng loạt, thiệt hại nặng.
Người nuôi cho là do ô nhiễm nguồn nước, nắng nóng kéo dài, nồng độ mặn tăng cao. Còn ngành chức năng cũng tích cực lấy mẫu xét nghiệm nhưng chưa tìm được nguyên nhân thuyết phục, cũng như chưa đề ra được cách phòng tránh hiệu quả.
Trước thực trạng nêu trên, ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp với các Viện, trường, các nhà khoa học tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng nghêu chết hàng loạt; đồng thời chủ động trong việc phòng ngừa rủi ro trên nghêu nuôi.
Sau đó, Sở NN&PTNT khuyến cáo người nuôi nghêu cần căn cứ vào vị trí, điều kiện sân bãi nuôi nghêu của từng hộ để chọn thời gian, kích cỡ và mật độ thả giống cho phù hợp. Ngoài ra, người nuôi nghêu không nên thả giống vào thời điểm từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch để tránh thiệt hại; theo dõi kỹ biến động mặt bãi cũng như lượng phù sa bồi lắng.
Để nghề nuôi nghêu phát huy hết tiềm năng và phát triển bền vững, thiết nghĩ cần phải thay đổi tư duy, có kế hoạch cụ thể để đầu tư tái tạo lại con nghêu từ quy hoạch vùng nuôi, bảo vệ nguồn nghêu giống tự nhiên, tăng cường sản xuất nghêu giống đến nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc, có sự liên kết chặt chẽ từ khâu nuôi, sơ chế đến chế biến xuất khẩu.
Trước mắt phải tập trung nghiên cứu, sớm tìm ra tác nhân chính gây chết nghêu hàng loạt trong những năm qua để có biện pháp phòng trị, giúp người nuôi nghêu yên tâm sản xuất.
Vào tháng 4 âm lịch hàng năm, ngư dân mua nghêu giống với kích cỡ 900 con/kg về thả. Trung bình 1ha đất bãi bồi cần khoảng 2 tấn giống. Sang tháng 9, tháng 10 âm lịch năm sau thì thu hoạch.
Có những hộ nuôi nghêu giỏi ở xã như: Ông Võ Văn Mánh (ấp Cây Bàng), ông Nguyễn Minh Toàn (ấp Tân Phú), bà Võ Thị Hạnh (ấp Cầu Muống) mỗi năm nuôi nghêu thu lợi nhuận vài tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Chư Sê trong những năm qua, góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế. Hiện tổng diện tích cây tiêu trên toàn huyện có gần 3.000 ha.
Nhiều chủ vườn ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã và đang rơi vào tình trạng kiệt quệ khi từ đầu năm 2013 đến nay, cả hai vụ xoài đều mất mùa. Xót nhất là xoài trái vụ năm nay đã bị mất trắng khi thời kỳ xoài ra hoa đậu quả gặp mưa liên tục do ảnh hưởng của các cơn bão số 13, 14, 15 và áp thấp nhiệt đới…
Nhiều chủ vườn ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã và đang rơi vào tình trạng kiệt quệ khi từ đầu năm 2013 đến nay, cả hai vụ xoài đều mất mùa. Xót nhất là xoài trái vụ năm nay đã bị mất trắng khi thời kỳ xoài ra hoa đậu quả gặp mưa liên tục do ảnh hưởng của các cơn bão số 13, 14, 15 và áp thấp nhiệt đới…
Bộ Nông nhiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) lo ngại năm 2014 diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tiếp tục tăng sẽ khiến dịch bệnh dễ bùng phát trên diện rộng.
Từ đầu năm 2013 đến nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xảy ra nhỏ lẻ, rải rác ở các tỉnh, thành phố với tổng số gia cầm mắc bệnh là 123.363 con, tổng số gia cầm mắc bệnh, chết, tiêu huỷ là 141.687 con.