Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Để vườn cam thêm ngọt

Để vườn cam thêm ngọt
Ngày đăng: 10/11/2015

Đối với xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên hoàn toàn có thể dựa vào cây cam để thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương, tạo tiền đề để hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM đã đề ra.

Theo các hộ trồng cam ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương họ mong muốn cây cam có thị trường tiêu thụ ổn định và lâu dài.

Doanh thu tiền tỷ từ cây cam nghịch mùa

Trong những ngày đầu tháng 11 này, hầu hết vùng chuyên canh cam nổi tiếng của cả nước như Hà Nội, Nghệ An, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều đã thu hoạch xong vụ mùa.

Riêng tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, không khí thu hoạch cam vẫn rất sôi nổi.

Cam nghịch mùa của xã Hiếu Liêm đang là đặc sản rất được ưa chuộng trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm, hồ hởi cho biết toàn xã có diện tích trồng cam hơn 1.000 ha cho quả trái vụ của gần 100 hộ nông dân.

Những người đi tiên phong trong việc thuần hóa giống cam từ Bến Tre về đất Hiếu Liêm như ông Sáu Sê, Ba Thắm, Tám Thương… giờ đã được liệt vào hạng “đại gia” của vùng đất màu mỡ này.

Theo ông Đạt, trồng cam nghịch mùa giờ đã trở nên phổ biến tại địa phương này.

Bình quân mỗi hécta cam cho trái từ 50 - 70 tấn.

Mỗi vụ cam bán được từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng đã giúp cho bà con nông dân nơi đây từng bước nâng cao cuộc sống và làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

“Quả ngọt” này đến từ lối tư duy “dám nghĩ dám làm” của nhiều nông dân nơi đây.

Họ hết sức năng động trong việc chuyển đổi cây trồng, thuần phục đất hoang, thay đổi quy luật sinh trưởng tự nhiên của cây cam.

Xẻ đồi làm mương, dẫn nước tưới tiêu từ vùng thấp lên vùng cao, những câu chuyện tưởng như “điên rồ” của những nông dân kỳ cựu như ông Đạt, Tám Thương, Ba Thắm… giờ đã trở thành một động lực để đưa xã Hiếu Liêm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.

Tiến sĩ Mộc Quế, người có hàng chục năm kinh nghiệm về xây dựng NTM tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, không giấu nổi niềm hân hoan.

Theo tiến sĩ Mộc Quế, nếu làm tốt công tác quản lý, quy hoạch và phát triển cây cam nghịch mùa, xã Hiếu Liêm hoàn toàn có thể dựa vào cây cam để vươn lên mạnh mẽ và xây dựng NTM.

Cần nâng cao vai trò của hợp tác xã

Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết những năm gần đây tỉnh rất quan tâm tới vùng chuyên canh cây có múi nghịch mùa tại xã Hiếu Liêm.

Hàng chục hécta đất canh tác cây có múi nghịch mùa như cam, quýt, bưởi đã được UBND tỉnh đầu tư, hỗ trợ kinh phí sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.

Bên cạnh đó, Hợp tác xã chăn nuôi và trồng trọt Nhân Đức cũng đã hỗ trợ tích cực cây giống, khoa học - kỹ thuật, công nghệ cho nông dân…

Tuy nhiên, kinh tế tập thể ở xã Hiếu Liêm vẫn chưa thể hiện hết vai trò trong việc liên kết các hộ nông dân hướng tới thị trường bền vững.

Anh Trần Đức Việt, hộ nông dân đang được tỉnh đầu tư hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật trồng 1 hécta cây cam theo tiêu chuẩn VietGap, cho rằng sự hỗ trợ cây giống, khoa học - kỹ thuật cho nông dân là rất cần thiết.

Tuy nhiên, vấn đề quan tâm nhất của các hộ trồng cam hiện nay vẫn là thị trường tiêu thụ.

Hiện tại hầu hết cam thu hoạch đều được các thương lái phía Bắc bao tiêu sản phẩm.

Việc lệ thuộc quá lớn vào thị trường phía Bắc này khiến cho người nông dân chưa an tâm.

Vì thế, cây cam nghịch mùa cần tiếp cận nhiều thị trường hơn nữa.

Tiến sĩ Mộc Quế cho rằng trong quá trình xây dựng NTM, vai trò của hợp tác xã càng phải được củng cố và nâng tầm quan trọng.

Để giúp nông dân ổn định thu nhập, hình thành một vùng chuyên canh cây cam nghịch mùa gắn kết với chỉ dẫn địa lý xã Hiếu Liêm, thì sự liên kết của các nhà nông là không thể thiếu.

Đây là bước quyết định sự thành danh cho thương hiệu cây cam nghịch mùa của địa phương.

Cùng với đó, việc giải quyết đầu ra cho cây cam sẽ kéo theo nhiều dịch vụ liên quan cần đến vai trò của hợp tác xã, như: Phân bón, thuốc trừ sâu, nguồn nhân công vào mùa thu hoạch, vận chuyển...

Đây chính là bước đi để thay đổi và hình thành diện mạo mới cho nông thôn xã Hiếu Liêm.

Bên cạnh đó, tận dụng mọi giá trị gia tăng của cây cam nghịch mùa sẽ mở rộng thêm cơ hội tăng nguồn thu nhập từ các dịch vụ du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng.

Qua đó cũng góp phần tích cực vào quá trình xây dựng NTM của xã Hiếu Liêm.


Có thể bạn quan tâm

Ðóng tàu to, công suất lớn vươn khơi xa Ðóng tàu to, công suất lớn vươn khơi xa

Tam Quan Bắc là 1 trong 6 xã biển của huyện Hoài Nhơn, là địa phương có đội tàu đánh bắt thủy sản xa bờ lớn nhất huyện, với 878 tàu cá tổng công suất 302.080 CV (chiếm gần 50% tổng công suất tàu thuyền hiện có trên địa bàn huyện).

01/12/2015
Phòng chống dịch bệnh GSGC thời điểm cuối năm không được phép chủ quan, lơ là Phòng chống dịch bệnh GSGC thời điểm cuối năm không được phép chủ quan, lơ là

Theo thông báo của Cục Thú y thuộc Bộ NN&PTNT, thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong toàn quốc đã xuất hiện dịch cúm gia cầm (DCGC), dịch lở mồm long móng, dịch “tai xanh” trên đàn gia súc; nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan ra diện rộng vào thời điểm cuối năm.

01/12/2015
Ổn định từ nuôi dê Ổn định từ nuôi dê

Nhờ nuôi dê, gia đình ông Hà Phước Khánh (thôn 6, xã Bình Dương, Thăng Bình) có được nguồn thu hàng trăm triệu đồng sau mỗi năm. Đáng kể hơn, từ nguồn thu này, gia đình đã nuôi các con ăn học thành tài.

01/12/2015
Nỗi lo trước mùa vụ Nỗi lo trước mùa vụ

Sáng Chủ nhật vừa rồi, lên xã Điện Thọ, Tư tôi tình cờ gặp vợ chồng anh Sáu Châu Thủy vác cuốc ra đồng. Nghe hỏi đến chuyện chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân 2015 - 2016, anh Sáu than phiền: “Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là gia đình tui triển khai gieo sạ 5 sào lúa rồi.

01/12/2015
Nhiều hồ thủy lợi, thủy điện thiếu nước Nhiều hồ thủy lợi, thủy điện thiếu nước

Hiện nay, tổng nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn trên địa bàn tỉnh tích đạt hơn 77% dung tích hữu ích, thiếu hơn 156 triệu mét khối.

01/12/2015