Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hướng đến thị trường xuất khẩu ổn định cần sản xuất trái cây theo quy trình GAP

Hướng đến thị trường xuất khẩu ổn định cần sản xuất trái cây theo quy trình GAP
Ngày đăng: 10/11/2015

Tham quan mô hình tổ hợp tác bưởi da xanh hoạt động hiệu quả ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm.

Ngoài các giải pháp căn cơ của các cơ quan quản lý nhà nước bằng các chương trình, dự án đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả trái cây theo GAP, tỉnh còn tổ chức xúc tiến, quảng bá, nắm bắt thị trường, tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch của các tổ chức kinh tế, công ty, doanh nghiệp trong tỉnh, góp phần đưa hàng xuất khẩu đi xa hơn.

Thành lập nhóm dịch vụ - sản xuất tự phát

Xuất phát từ thế mạnh của xã là có đến 80% tổng diện tích cây trái, ông Phùng Văn Hiền ở xã Tiên Long, huyện Châu Thành đã đứng ra vận động thành lập nhóm tự phát với 4 thành viên và nhân rộng thành 8 thành viên chuyên nhận khâu xử lý ra hoa và bao tiêu sản phẩm xuất khẩu chôm chôm cho nhà vườn.

Ban đầu, đây chỉ là nhóm làm thuê nhưng thấy có hiệu quả nên Văn phòng Dự án DBRP huyện Châu Thành và Ban Phát triển xã đã đến động viên thành lập nhóm chuyên sản xuất, xuất khẩu trái cây.

Từ đó, năm 2012, nhóm dịch vụ - sản xuất chôm chôm được thành lập gồm 18 thành viên, trong đó có 8 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo, có 3 thành viên nữ...

Thời gian đầu, nhóm còn gặp nhiều khó khăn về phương tiện, kỹ năng sản xuất nên đã đề xuất với Ban Phát triển xã xây dựng kế hoạch hỗ trợ.

Do vậy, nhiều lớp tập huấn được tổ chức, cùng với nhiều chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất chôm chôm tại Cần Thơ, Vĩnh Long.

Năm 2013, Dự án DBRP đầu tư cho 5 máy bơm, tưới nước trị giá 71 triệu đồng.

Nhóm cũng đối ứng đầu tư mua 2 máy bơm nước để tưới cây.

Sau khi được đầu tư, nhóm mở rộng địa bàn thuê lên 120ha đất để sản xuất chôm chôm không chỉ trong xã Tiên Long mà còn đến các xã lân cận.

Đến nay, nhóm có 30 thành viên, thu nhập bình quân tăng từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng.

Kết quả đạt được đã động viên tinh thần rất lớn cho các thành viên trong nhóm, các thành viên gắn kết nhau hơn và yên tâm sản xuất.

Có thể nói, kết quả ứng dụng khoa học kỹ thuật và lao động của nhóm đã tạo ra sản phẩm chôm chôm đạt năng suất, chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Qua thời gian sản xuất, xuất khẩu, ông Hiền có ý tưởng thành lập trại sản xuất chôm chôm GlobalGAP và thuê đất cho các thành viên trong nhóm cùng sản xuất.

Từ đó, Công ty TNHH xuất khẩu trái cây Nhiệt Đới ra đời không chỉ chuyên sản xuất, sơ chế đóng gói xuất khẩu mà còn từng bước mở rộng thị trường nguyên liệu.

Dự kiến, công ty sẽ tổ chức cung ứng vật tư đầu vào để hỗ trợ nhà vườn tạo quy trình khép kín từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu ổn định.

Hoạt động theo mô hình tổ hợp tác

Theo ông Võ Văn A - Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) nhãn VietGAP Long Hòa, huyện Bình Đại, THT có 51 hộ tham gia với diện tích chứng nhận là 47ha, nằm trong vùng quy hoạch cây trái của huyện.

THT chuyên sản xuất và cung ứng cho thị trường sản phẩm trái cây sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

THT thường xuyên tổ chức họp phổ biến tình hình dịch bệnh, sâu hại, các chủ trương, chính sách của Nhà nước cho các tổ viên nắm bắt kịp thời.

Các tổ viên chia sẻ với nhau về kinh nghiệm trong canh tác, chăm sóc, phòng trừ một số loại sâu bệnh.

THT cũng tham gia cánh đồng mẫu nhãn do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức và liên kết với Công ty phân bón Liothai, Công ty Bảo vệ thực vật Hai cung ứng vật tư đầu vào cho THT.

Bước đầu hoạt động của THT đã đem lại hiệu quả thiết thực như hàng năm công ty tổ chức tập huấn các lớp phòng trị bệnh và chăm sóc nhãn cho nông dân, phân bón, thuốc trừ sâu cung cấp rẻ hơn thị trường 10%.

Việc vào THT có nhiều thuận lợi như có diện tích liền kề với nhau nên dễ thống kê dịch bệnh, được huyện, tỉnh, Viện Cây ăn quả miền Nam thường xuyên tập huấn và chuyển giao kỹ thuật.

Qua đó, kiến thức của tổ viên nâng lên, sản xuất đạt hiệu quả cao hơn.

Tháng 6-2015, THT nhãn Long Hòa được Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp mã Ceat cho trái nhãn THT và tiêu thụ thị trường Mỹ với diện tích nhãn tiêu da bò 22,3ha, nhãn Ido 24,96ha.

Tuy nhiên, THT cũng gặp một số khó khăn như dịch bệnh phát sinh làm giảm năng suất một số diện tích, chi phí phòng trị tốn kém hơn.

Giá nhãn có lúc không ổn định.

THT ký kết hợp đồng với Công ty xuất khẩu trái cây Chánh Thu nhưng chỉ bán được khoảng 50% với lý do giá mua không cao so với thị trường bên ngoài.

Giá vật tư đầu vào thời gian qua luôn ở mức cao làm giảm lợi nhuận phần nào của nhà vườn.

Sắp tới, THT vẫn tiếp tục duy trì theo quy trình sản xuất thực hành VietGAP; tiếp tục ký hợp đồng với Công ty xuất khẩu trái cây Chánh Thu để tiêu thụ nhãn cho THT; mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích nhãn tiêu da bò sang trồng nhãn Ido, bởi loại giống này có đặc tính kháng bệnh tốt, năng suất cao, chất lượng ngon, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Hợp tác sản xuất ở trình độ cao

Xã Giao Long, huyện Châu Thành có 358ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng trong đó có tới 300ha đất trồng cây ăn trái gồm 45% là bưởi da xanh, còn lại là nhãn, dừa.

Thời gian gần đây, giá bưởi ổn định ở mức cao nhờ thị trường tiêu thụ trong, ngoài nước ngày càng mở rộng, nông dân thu nhập khá cao.

Trước đây, chất lượng bưởi da xanh chưa thật đồng đều do quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp canh tác của nhà vườn chưa phù hợp, còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết sản xuất cũng như tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Hiện nay, trong tình hình sản xuất ngày càng tăng về quy mô và chất lượng thì nhu cầu hợp tác sản xuất ở trình độ cao hơn ngày càng cấp thiết; đó là sản xuất theo mô hình tổ liên kết sản xuất, đặc biệt là sản xuất theo GAP.

Năm 2012, THT sản xuất bưởi da xanh Long Thạnh ra đời, có 23 thành viên với diện tích 10ha.

Sau 3 năm hoạt động, THT đem lại nhiều điểm lợi cho nhà vườn.

Các tổ viên chủ động bàn thảo, trao đổi để tìm hướng đi thích hợp.

Hiện THT có 36ha với 107 thành viên.

Vào THT, các thành viên được tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, đã tổ chức 56 cuộc với trên 3.800 lượt người tham gia; 2 lớp tập huấn canh tác theo GAP, 1 lớp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây có múi cho các hộ nhận giống bưởi từ Dự án QSEAP.

THT được dự án cung cấp 1.350 cây giống cho 14 hộ nông dân.

Ngân hàng cho vay 46 hộ với số tiền 1,43 tỷ đồng và Nhà nước đã hoàn trả 100% tiền lãi năm đầu tiên.

THT cũng đã ký kết hợp đồng với Cơ sở bưởi Hương Miền Tây để bao tiêu sản phẩm.

Các mô hình sản xuất dạng THT, nhất là sản xuất theo quy trình GAP đã làm thay đổi nhận thức của người dân về ý nghĩa, lợi ích thiết thực trong việc sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.

Việc tham gia vào THT đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống từng hộ gia đình, tạo sự liên kết nông dân với nhau trong phát triển sản xuất.

Có sự liên kết giữa “4 nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước) trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đang tiếp tục tổ chức vận động người dân tích cực tham gia THT và sản xuất theo GAP để hướng đến thị trường xuất khẩu ổn định hơn cho trái cây Bến Tre.


Có thể bạn quan tâm

Hải Phòng Hợp Tác Khai Thác Thủy Sản Và Giáo Dục Hải Phòng Hợp Tác Khai Thác Thủy Sản Và Giáo Dục

Tại buổi tiếp, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành thông báo với ngài Adam Giles về tình hình phát triển kinh tế của thành phố với tổng lực kinh tế tăng 2,8 lần, công nghiệp xây dựng dịch vụ tăng 90% so với 10 năm trước.

01/03/2014
Những Kiểu Mua Hàng Khác Người Của Lái Buôn Trung Quốc Những Kiểu Mua Hàng Khác Người Của Lái Buôn Trung Quốc

Trước khi tỉnh Vĩnh Long cảnh báo người dân không bán lá khoai lang cho lái buôn Trung Quốc, hàng chục vụ việc mua hàng kiểu bất thường cũng đã diễn ra.

01/03/2014
Làng Rau Điêu Đứng Làng Rau Điêu Đứng

Quảng Thành (huyện Quảng Điền) là vựa rau lớn nhất tỉnh Thừa Thiên- Huế với 500 hộ dân tham gia trồng rau, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động ở địa phương. Thế nhưng, vụ rau năm nay, hàng trăm hộ dân phải “méo mặt” chỉ vì rau được mùa, rớt giá…

01/03/2014
Không Vội Nhập Điều Châu Phi Không Vội Nhập Điều Châu Phi

Đến thời điểm này, các nhà máy chế biến điều XK đều đã bắt tay vào vụ mới trong bối cảnh giá điều nguyên liệu trong nước đang cao. Vì thế, đã có những doanh nghiệp sớm tính đến việc NK điều nguyên liệu từ châu Phi…

01/03/2014
Cao Su Bà Rịa Thu Nhập Gần 8 Triệu/người/tháng Cao Su Bà Rịa Thu Nhập Gần 8 Triệu/người/tháng

Hôm qua (27/2), Cty TNHH MTV Cao su Bà Rịa tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động SXKD năm 2013 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2014. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có 2 Phó TGĐ Tập đoàn Công nghiệp CSVN là ông Lê Minh Châu và ông Huỳnh Trung Trực.

01/03/2014