Tỉ Phú Nuôi Trăn Trên Đệm Lót Sinh Học
Với việc nuôi từ 1.500 - 2.000 con trăn trên đệm lót sinh học (ĐLSH), trừ đi các khoản chi phí anh Lê Minh Đường, ở ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang thu lợi nhuận trên 1 tỉ đồng.
Do thị trường hay biến động và chi phí ngày một tăng cao, vì thế anh Đường tìm tòi, áp dụng cách nuôi trăn trên ĐLSH và cho kết quả khả quan. Anh Đường cho biết: “Tôi nuôi trăn gần 20 năm, mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong việc chăn nuôi, nhưng thấy loài này vẫn thường bị mắc một số bệnh như đẹn miệng, sưng phổi, hô hấp… dẫn đến lợi nhuận không cao và tốn nhiều thời gian chăm sóc nên không nuôi được với số lượng lớn”.
Bỏ thời gian tìm hiểu, đầu năm 2013, anh Đường mở rộng chuồng nuôi trăn của gia đình từ 1.500 con lên 2.000 con và chuyển sang nuôi trăn trên ĐLSH từ chuồng nuôi có sẵn. Anh Đường chia sẻ: “Nguyên liệu làm chất độn là mùn cưa sẵn có ở địa phương. Mỗi lồng 1m2 lót cao su dưới đáy lồng và cho một lớp mùn cưa khoảng 10cm. Để đảm bảo phân được phân hủy tốt và kéo dài tuổi thọ của đệm lót, mật độ thả nuôi từ 7 - 10 con/lồng (loại trăn nhỏ), 2 - 3 con/lồng (loại trăn lớn)”.
Qua việc áp dụng, mô hình nuôi trăn trên ĐLSH đem lại nhiều hiệu quả thiết thực như giảm công vệ sinh chuồng trại, giảm chi phí phòng trừ bệnh cho trăn, trăn có da bóng mượt và sạch... Đặc biệt, nuôi theo mô hình này hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường và dễ dàng nuôi với quy mô vài ngàn con mà không cần thuê lao động.
Thực tế mô hình nuôi trăn trên ĐLSH của anh Đường cho thấy: Chi phí ban đầu cho cao su, mùn cưa, men vi sinh chỉ 25.000 đồng/lồng (1m2), thời gian sử dụng được 2 - 3 năm nhưng giảm hoàn toàn công lao động ở khâu tắm, vệ sinh chuồng, bệnh cho trăn.
Thay vì trước đây, mỗi hộ nuôi trên 1.000 con phải bỏ tiền hơn 4 triệu đồng/tháng để thuê lao động. Năm đầu nuôi trăn theo hình thức này, anh Đường tăng thêm lợi nhuận từ 20 - 30% so với phương pháp nuôi truyền thống. Đặc biệt, cách làm và vận hành đệm sinh học không quá phức tạp, các hộ chăn nuôi ở quy mô lớn hay nhỏ đều áp dụng được. Anh Đường chia sẻ thêm: “Trăn là loài động vật ít thải phân và nước tiểu hơn so với heo, vịt, gà nên mỗi năm chỉ cần trộn men vi sinh một lần, mùn cưa có thể sử dụng đến 2 năm nuôi. Lồng nuôi trăn nên đóng bằng cây và lưới sắt với kích thước 1m2”.
Theo anh Đường, việc sử dụng đệm lót chuồng nuôi sẽ lâu bị hư. Trước đây, không sử dụng đệm lót chỉ cần sử dụng 3 năm là lồng bị mục do nước tiểu và phân của trăn thải ra. Còn nuôi với cách này chuồng rất khô ráo nên có thể sử dụng đến 5 năm. Như vậy, đã tiết kiệm được 400.000 đồng từ việc đóng lồng mới.
So sánh lợi nhuận của trăn trên ĐLSH so với cách nuôi trước đây, anh Đường cho biết thêm: “Nguồn thức ăn cho trăn là chuột và đầu gà được phối trộn với tỷ lệ 50/50. Bình quân 4kg thức ăn sẽ cho 1kg trăn thịt và thường thì 5 ngày cho ăn một lần. Trăn nuôi sau 1 năm đạt trọng lượng từ 6 - 10 kg/con.
Nuôi theo kiểu thông thường 1kg trăn thành phẩm sẽ tốn khoảng 250.000 đồng, còn nếu nuôi trên ĐLSH thì chi phí chưa đến 200.000 đồng/kg”. Mỗi năm, ngoài việc cung cấp cho thị trường hàng tấn trăn thịt, anh Đường còn cung ứng các hộ nuôi trăn trên địa bàn 1.000 con trăn giống với mức giá từ 400.000 - 450.000 đồng/con, trừ đi chi phí, nguồn lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng.
Ông Huỳnh Văn Huynh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Lợi, cho biết: Nuôi trăn trên ĐLSH là cách làm mới đem lại hiệu quả cao hơn so với cách nuôi thông thường. Hiện tại, toàn xã có 117 hộ nuôi trăn (quy mô từ 30 - 2.000 con/hộ). Ngoài ra, còn có 300 - 400 hộ nuôi nhỏ lẻ. Để nâng cao hơn giá trị và đầu ra, xã đã tiến hành thành lập HTX Hiệp Phát với 22 thành viên để giải quyết đầu ra cho bà con nuôi trăn trong vùng.
Có thể bạn quan tâm
Sau những tháng ngày vất vả chăm bẵm, vụ gặt lúa Xuân năm nay rơi đúng giai đoạn thời tiết nắng nóng lên đỉnh điểm.
Công tác quản lý giống cây trồng còn những bất cập như: Chất lượng giống chưa cao, hiệu quả sản xuất còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế… là những ý kiến đưa ra tại hội thảo đầu bờ về giống lúa Thiên ưu 8 vừa diễn ra tại xã Đồng Thái (Ba Vì).
Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch gần 2.000ha trong tổng số 77.700ha lúa Hè thu đã xuống giống, tập trung ở huyện Châu Thành A (hơn 875ha), Vị Thủy (hơn 590ha), thị xã Ngã Bảy (hơn 145ha), Phụng Hiệp (hơn 40ha) và thành phố Vị Thanh (hơn 20ha); năng suất bình quân đạt 6,02 tấn/ha.
Vụ hành lá này, tuy năng suất có giảm vài chục phần trăm, nhưng người dân trồng hành lá ở Đại Tâm (Mỹ Xuyên - Sóc Trăng) vẫn không hề lo lắng, mà trái lại họ rất vui vì giá hành đang tăng lên từng ngày.
Lãnh đạo Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro VN) cho biết, 40/55 hộ nông dân trồng rau quả, vùng nguyên liệu rau quả lớn nhất của Metro VN vừa được cấp giấy chứng nhận VietGAP.