Thủy Sản Ven Bờ Cạn Kiệt Vì Giã Cào
Thời gian gần đây, vùng biển ven bờ thuộc vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) có hàng chục chiếc tàu cá làm nghề giã cào thường xuyên hoạt động đánh bắt hải sản. Bên cạnh đó, các tàu cá này chủ yếu đánh bắt bằng xung điện làm môi trường biển bị hủy hoại, nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt khiến ngư dân trong vùng bức xúc.
Cào nhũi, cào sò thi nhau… cào sạch
Ở thôn Hải Triều, xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh hiện có mấy chục hộ dân mưu sinh bằng nghề thả lưới bén (lưới nhỏ, chiều cao khoảng 1m), đánh cá gần bờ. Tuy thu nhập không cao, chỉ từ 100.000 - 150.000 đồng/ngày nhưng cuộc sống của họ xem ra khá ổn định. Nhiều tháng nay, cuộc sống của họ trở nên chật vật hơn khi đội tàu giã cào, giã nhũi xuất hiện. Các tàu này thường có công suất lớn, phía trước có cặp càng lắp lưới mắt nhỏ và chạy với tốc độ nhanh để xúc tôm cá. Điều đáng nói, vì muốn đạt hiệu quả cao, hầu hết các chủ tàu giã cào đều gắn thêm thiết bị kích điện ở phía trước cặp càng khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ khu vực này bị khai thác cạn kiệt.
Ông Mai Văn Túc, một ngư dân thôn Hải Triều bức xúc: “Ở vùng biển này có khoảng 24 tàu giã cào, giã nhũi thường xuyên hoạt động. Tàu họ dùng điện cao áp càn quét cả vùng xa bờ, gần bờ khiến cá lớn, cá bé đều bị điện giật chết sạch. Không chỉ vậy, họ còn ủi luôn lưới của chúng tôi, khi chúng tôi phản ứng thì bị bọn họ đuổi đánh. Với đà này làm sao chúng tôi sống nổi, thu nhập chưa bằng một nửa so với trước đây”. Khi lực lượng biên phòng, kiểm ngư đi kiểm tra thì các tàu này chuyển qua cào đêm, khi bị kiểm tra họ có thể thả cặp càng phía trước để tẩu thoát.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, số tàu cá này chủ yếu ở thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, không chỉ hoạt động ở vùng biển Vạn Thọ, Vạn Long mà còn mở rộng, kéo dài ra hàng chục km vùng biển thuộc xã Vạn Khánh, Vạn Thắng, thị trấn Vạn Giã. Ngoài giã cào, giã nhủi hoành hành, gần đây còn xuất hiện các tàu cào sò. Qua tìm hiểu, những chiếc tàu cào sò trang bị một thiết bị bằng inox khá nặng, như dạng cái rọ dài khoảng 2m, với hàng chục lưỡi cào dài 30cm. Khi cào, các lưỡi cào cắm sâu xuống đáy biển móc những con sò, còng, cua... đẩy vào miệng rọ. Chính vì vậy, mỗi khi tàu cào sò đi qua, cả vùng biển bị quậy đục ngầu. Không chỉ làm bẩn nước mà các loại sinh vật nằm trong cát, bùn cũng bị xới tung, đa số đều chết và gây ô nhiễm môi trường biển.
Ông Nguyễn Chí Lem, một ngư dân nuôi tôm hùm ngụ ở xã Vạn Thắng cho biết, mỗi tàu cào được khoảng 1 - 3 tạ sò/ngày rồi bán cho người dân địa phương với giá khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg đối với sò lớn, sò nhỏ giá 7.000 đồng/kg để làm thức ăn cho tôm. Khi cao điểm, đội tàu cào sò lên đến 50 chiếc làm cả vùng biển đục ngầu, lan rộng khiến nhiều người nuôi hải sản thiệt hại nặng. “Nhà tôi có 100 lồng tôm hùm, do đội tàu cào sò hoạt động gần khu vực nuôi nên vùng nước luôn nhiễm đục khiến tôm yếu, tôm đỏ mang. Chúng tôi thường xuyên phải giặt lưới nhưng vẫn xuất hiện bệnh... Ngày nào cũng chết từ 1 - 5 con, trung bình một con giá khoảng 1 triệu đồng”, ông Lem than thở.
Hết kinh phí nên… bó tay?
Ông Bùi Lân, đội trưởng Đội Thanh tra thủy sản số 4 (trụ sở ở huyện Vạn Ninh), thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo quy định nghề giã cào gần bờ là nghề cấm. Do đó khi nhận được kiến nghị của các hộ dân xã Vạn Thắng, Vạn Long về việc các tàu giã cào, giã nhủi, cào sò gây ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, Đội đã cử người xuống địa phương nắm bắt tình hình. Theo điều tra, trên địa bàn có khoảng 40 chiếc làm nghề cào sò không chỉ hoạt động ở xã Vạn Thắng, Vạn Long mà còn kéo dài tận thôn Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh. Những tàu này chủ yếu từ TP. Cam Ranh di chuyển đến Vạn Ninh khai thác vì ở Cam Ranh đang xử lý mạnh. Hiện nay, kinh phí tuần tra đã hết nên thanh tra không thể truy quét nạn giã cào sò, giã nhũi như phản ánh của người dân. Thanh tra đang đề nghị UBND huyện Vạn Ninh lập đoàn công tác hỗ trợ Đội truy quét.
Theo ông Đào Văn Lương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vạn Ninh, huyện đã cử đoàn công tác phối hợp với Đồn Biên phòng Vạn Hưng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, chưa phát hiện trường hợp giã cào sò nào vi phạm, việc ảnh hưởng đến các hộ nuôi trồng thủy sản chưa thể hiện rõ. Có thể những phương tiện này chủ yếu hoạt động vào ban đêm, đồng thời sẵn sàng cắt bỏ lồng, càng xung điện nên gây khó khăn và qua mặt đoàn kiểm tra.
Ông Lê Hữu Trí, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, huyện đã có chỉ thị xử lý nghiêm, tịch thu các trường hợp giã cào hoạt động gần bờ. Tuy nhiên, qua kiểm tra đa số các trường hợp giã cào sò, giã cào nhũi đều có công suất nhỏ, người dân đa số khó khăn. Do đó, một mặt huyện chỉ đạo các đơn vị như Đồn Biên phòng, UBND các xã thường xuyên tuần tra kiểm soát, mặt khác hướng cho người dân tham gia vào nghề nuôi ốc hương, nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm hùm... để từng bước xóa bỏ hẳn nghề giã cào.
Ông Lê Văn Dũng, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Lực lượng Thanh tra Sở vừa bắt 6 phương tiện hoạt động bằng nghề giã cào ở huyện Cam Lâm, phạt mỗi phương tiện 2 triệu đồng. Thế nhưng, khi làm việc với ngư dân, thậm chí họ không hiểu vì sao mình bị bắt. Hiện nay, lực lượng thanh tra trên địa bàn tỉnh vừa mỏng, vừa thiếu thốn trang thiết bị nên việc tuần tra, xử lý gặp không ít khó khăn. Để giải quyết vấn đề, cần phải có sự phối hợp xử lý, tuyên truyền giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đối với người dân.
Có thể bạn quan tâm
Tận dụng những vạt đồi, sườn núi, chân ruộng cao khó khăn về nước tưới, nông dân xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã đưa cây kim tiền thảo vào trồng tại địa phương. Sau vài năm, loại cây dược liệu này đã mang lại thu nhập cao cho các hộ.
Vài năm trở lại đây, chuối tiêu nổi lên là giống cây trồng cho lợi nhuận cao vì nhu cầu thị trường xuất khẩu lớn. Diện tích chuối tiêu ngày càng mở rộng, nông dân đầu tư trồng giống nuôi cấy mô vì giống này cho năng suất cao, chất lượng đồng đều nên đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tháng tám ở Sông Mã (Sơn La), đây là thời điểm bà con nông dân các xã đang bước vào thu hoạch nhãn chính vụ. Đi dọc Quốc lộ 4G, từ Mường Sai, Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Khoong đến Thị trấn có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc xe tải trọng lớn, chở đầy nhãn nối đuôi nhau đưa đặc sản của huyện biên giới Sông Mã đến với mọi miền quê.
Quả hồng giòn ở A Lưới (Thừa Thiên Huế) rớt giá thê thảm khiến các hộ nông dân gặp khó khăn trong việc tái tạo vườn cây…
Hiện nay có đến 80% sản lượng thanh long Bình Thuận xuất sang thị trường Trung Quốc. Do đó, khi “thâu tóm” được phần lớn các vựa thanh long tại Bình Thuận, thương lái Trung Quốc “vô tư” làm giá, không chỉ với các thương lái người Việt mà cả với người Trung Quốc yếu cơ hơn…