Nuôi Cá Tầm Giá Trị Kinh Tế Cao
Huyện Kbang (Gia Lai) có diện tích mặt nước tương đối lớn thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Để phát huy lợi thế trên, huyện đã được tỉnh phê duyệt dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi cá tầm trong lòng hồ chứa C thủy điện Vĩnh Sơn.
Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Kbang-đơn vị chủ dự án, cùng các hộ nông dân đã tiến hành thả 10.000 con cá tầm giống xuống 10 lồng chứa tại hồ chứa C thủy điện Vĩnh Sơn (xã Đak Rong, huyện Kbang). Mô hình này có quy mô 20 ô lồng, số lượng cá 10.000 con cá tầm giống Sterlet (A.Ruthenus) và chọn 10 hộ gia đình để thực hiện, tổng kinh phí 4 tỷ đồng (vốn sự nghiệp khoa học tỉnh 2 tỷ đồng, vốn của người dân đóng góp 2 tỷ đồng).
Cá tầm là loại cá sống ở vùng nước ngọt có nhiệt độ 17oC - 26oC. Hiện nhu cầu của thị trường về cá tầm ngày càng tăng, tuy nhiên nuôi cá tầm hiện nay chưa có quy trình kỹ thuật hoàn thiện; vốn đầu tư ban đầu khá lớn; yêu cầu quản lý, chăm sóc khắt khe hơn các loài cá khác, không chủ động nguồn thức ăn, chủ yếu phải nhập từ TP. Hồ Chí Minh với giá thành cao. Nuôi cá tầm cũng đòi hỏi phải thường xuyên kiểm tra, chăm sóc, theo dõi các yếu tố môi trường, nhiệt độ, kịp thời phát hiện và xử lý bệnh dịch, môi trường nước... Cá tầm thường cho thu hoạch sau 2 - 3 năm đối với cá thịt và 5 - 6 năm đối với sản xuất trứng.
Anh Nguyễn Anh Tuấn- tổ dân phố 4, thị trấn Kbang, là một trong 4 hộ tham gia mô hình cho hay: Gia đình trước đây cũng đã nuôi cá nhiều nhưng chỉ là các loại cá như diêu hồng, rô phi, trắm cỏ do đó chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao vì đầu ra không đảm bảo, khó cạnh tranh với thị trường. Khi biết có mô hình nuôi cá tầm, gia đình mạnh dạn tham gia. Hy vọng nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước từ kinh phí và đội ngũ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trước tiềm năng lớn về nuôi trồng, chế biến thủy sản trên địa bàn, huyện Kbang đã phê duyệt dự án quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản kết hợp với đề án nuôi trồng, chế biến thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2012 - 2016 và đến năm 2020 với tổng kinh phí khoảng 44,8 tỷ đồng (giai đoạn 2012 - 2016 là 33 tỷ đồng, giai đoạn 2017 - 2020 là 11,8 tỷ đồng). Với các loại giống như cá trắm cỏ, chép, trôi ấn, mè trắng, mè hoa, rô phi, diếc, trê lai… và một số giống cá đặc sản như cá tầm, cá lang đuôi đỏ, ba ba, chình, tôm càng xanh, chạch bùn…
Ông Võ Tấn Hưng- Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Kbang, Chủ nhiệm dự án nuôi cá tầm cho biết thêm: Chủ trương của huyện là phát triển ngành nghề mới, có giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm cho người dân. Qua nghiên cứu nguồn nước và điều kiện khí hậu tại lòng hồ C thủy điện Vĩnh Sơn phù hợp với nuôi trồng thủy sản và với cá tầm, Phòng phối hợp với Công ty cổ phần Hàng hải và Dầu khí Việt Xô thực hiện mô hình nuôi cá tầm tại lòng hồ C thủy điện Vĩnh Sơn.
Phía Công ty cử cán bộ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn phù hợp, định kỳ theo dõi mô hình nuôi cá, hướng dẫn các hộ dân quy trình chăm sóc cá, quản lý môi trường… Đặc biệt, Công ty còn tư vấn thị trường và thực hiện hợp đồng cung cấp giống cá tầm, bao tiêu sản phẩm theo chu kỳ thu hoạch. Đây là loại cá có giá trị kinh tế cao, trước mắt sẽ thực hiện nuôi cá tầm thương phẩm bằng phương pháp nuôi lồng và hướng đến mục tiêu nuôi cá tầm lấy trứng.
Hy vọng với việc đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và sự đồng thuận của người dân khi tham gia mô hình nuôi cá tầm, cùng với sự phối hợp của Công ty cổ phần Hàng hải và Dầu khí Việt Xô từ việc cung cấp giống cá và bao tiêu sản phẩm sẽ giúp người dân phát triển kinh tế và nhân rộng mô hình nuôi cá tầm trong tương lai.
Huyện Kbang có tiềm năng nuôi trồng thủy sản khá lớn. Hiện toàn huyện có 3 hồ thủy điện lớn, 25 đập thủy lợi nhỏ với tổng diện tích mặt nước thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản 3.077 ha (chiếm 23,8% diện tích mặt nước tiềm năng phát triển thủy sản của tỉnh). Trong đó, một số hồ lớn như hồ Ka Nak (1.800 ha), hồ B thủy điện Vĩnh Sơn thuộc xã Sơn Lang (1.000 ha), hồ C thủy điện Vĩnh Sơn thuộc xã Đak Rong (320 ha), hồ Plei Tơ Kơn (32 ha)…
Có thể bạn quan tâm
Không riêng gì nông dân ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, mà nhiều người trồng lúa trong tỉnh Bình Định đang sống trong tâm trạng lo lắng lúa chất đầy nhà mà bán không chạy.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục Thú y tỉnh Yên Bái, ngày 21 tháng 4 năm 2014, trên địa bàn bản Tà Ghênh, Thào Xa Chải, Phình Ngài thuộc xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải có 39 con gia súc (01 con trâu, 20 con bò, 9 con dê và 9 con lợn) bị ốm, có triệu chứng lâm sàng của bệnh lở mồm long móng.
Được xem là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước, sản lượng khai thác hải sản hàng năm của Bình Thuận đạt từ 160.000 - 180.000 tấn. Trong đó, nhiều loại hải đặc sản có giá trị xuất khẩu cao đã góp phần đem lại kim ngạch hàng chục triệu USD/năm cho địa phương và chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh…
Theo Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long, giá thành sản xuất lúa Đông Xuân 2013- 2014 bình quân ở mức 3.427đ/kg. Với giá bán lúa bình quân 5.000đ/kg, nông dân còn lời 1.573đ/kg, đạt tỷ lệ 31,45%.
Ngày 26/4, Trung tâm khuyến nông – khuyến ngư kết hợp với UBND xã Nguyễn Phích, huyện U Minh (Cà Mau) hội thảo mô hình luân canh lúa - tôm tại ấp 6, xã Nguyễn Phích.