Thủy sản nuôi trồng mất mùa
Tại vùng đìa nuôi trồng thủy sản ở tổ dân phố Tân Tế (phường Ninh Hà), khung cảnh khá hiu hắt, thiết bị nuôi tôm được dọn cất từ lâu, không ít người phải chịu thua lỗ nặng nề vì thủy sản chết liên tục.
Ông Nguyễn Văn Thừa, người có thâm niên gần 20 năm nuôi tôm ở Tân Tế kể: “Trong 2 năm 2014 và 2015, gia đình tôi thả nuôi tôm 8 lần nhưng chưa vụ nào có lãi, hầu hết là lỗ.
Tính ra, hơn 100 triệu đồng đã đổ ao, đổ bể theo con tôm”.
Ông Thừa cho biết, tôm chỉ mới thả nuôi khoảng 20 đến 40 ngày là bắt đầu chết dần, tỷ lệ hao hụt rất lớn.
Vụ thứ 4 trong năm nay, gia đình ông đầu tư hơn 50 triệu đồng để thả nuôi 12 vạn con tôm trên 2 ao.
Tôm nuôi cách nay hơn 50 ngày, hàng ngày ông phát hiện tôm bỏ ăn, nổi lờ đờ lên mặt nước; một số khác không biết chết từ bao giờ, dạt vào quanh bờ đìa.
Tính ra số tôm chết cũng hơn 50%.
Theo ông Võ Văn Bình (thôn Tam Ích, xã Ninh Lộc), năm nay, mấy anh em trong gia đình ông chung vốn đầu tư hơn 300 triệu đồng nuôi 80 vạn con tôm giống trong 3 vụ.
Vụ nuôi nào tỷ lệ hao hụt cũng cao, tôm chết yểu, sau 2 tháng nuôi phải xuất bán sớm, do tôm nhỏ nên chỉ bán được với giá 50.000 đồng/kg, tính ra gia đình ông lỗ gần 200 triệu đồng.
“Khắp các vùng đìa ở Ninh Lộc, Ninh Hà, Ninh Ích, đâu đâu cũng chung cảnh đỏ mắt vì tôm.
Trong 10 hộ nuôi thì may mắn chỉ có 2 hộ hòa vốn.
Hộ nào đầu tư nuôi càng nhiều thì càng thua lỗ nặng.
Thậm chí rất nhiều hộ chuyển sang nuôi cua nhưng cũng chịu chung cảnh ngộ”, ông Bình nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, người nuôi tôm ở thị xã Ninh Hòa còn chịu cảnh tôm rớt giá.
Cũng vì tôm chết, chậm lớn nên người nuôi buộc phải xuất bán sớm dù tôm có kích cỡ nhỏ.
Chính vì thế, giá bán ra rất thấp.
Hiện nay, tôm lớn 100 con/kg chỉ có giá 85.000 đồng/kg (giảm gần 50% so với năm trước); tôm có kích cỡ càng nhỏ thì giá càng thấp, thậm chí có loại người dân chỉ bán với giá gần 30.000 đồng/kg.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, người chuyên thu mua tôm thẻ chân trắng tại địa bàn Ninh Hòa, sở dĩ thời gian qua giá tôm thẻ chân trắng giảm mạnh là do tôm không đạt kích cỡ theo yêu cầu của doanh nghiệp, tôm càng nhỏ thì giá càng thấp.
Ngoài ra, tôm Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài cũng bị hạ giá do phải cạnh tranh với tôm các nước khác.
Tôm nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Thừa chết liên tục
Theo thống kê, phường Ninh Hà có 470ha nuôi tôm nước lợ, trong đó có hơn 80% diện tích thả nuôi bị thiệt hại nặng.
Hiện nay, số ao đìa người dân tiếp tục thả nuôi chỉ khoảng 30 - 40%.
Ở xã Ninh Lộc, trong tổng số 450ha nuôi tôm, có hơn 186ha bị thiệt hại gần như hoàn toàn.
Ông Hồ Đức Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Lộc cho biết: “Năm nay thời tiết bất lợi, tôm chết, người nuôi thu hoạch rồi thả nuôi tiếp mà không cải tạo lại ao đìa nên tôm tiếp tục chết.
Trong khi đó, người nuôi lại không tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chuyên môn trong việc xử lý ao nuôi.
Thậm chí, có trường hợp, hộ này có tôm chết xả nước trong ao ra, hộ khác lại lấy nước vào nên dịch bệnh dễ lây lan trên diện rộng”.
Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, diện tích nuôi tôm trên địa bàn thị xã liên tiếp giảm trong những năm gần đây.
Tuy người dân đã rất thận trọng trong nuôi tôm nước lợ nhưng diện tích tôm bị thiệt hại cũng rất lớn.
Từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm trên địa bàn thị xã đạt 1.488ha, giảm 20% so với năm 2014; sản lượng thu hoạch đạt 1.335 tấn, giảm gần 40% so với cùng thời điểm này năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu do một số vùng đìa bị ô nhiễm, thời tiết nắng nóng kéo dài, thỉnh thoảng có mưa cục bộ gây sốc nhiệt.
Bên cạnh đó, các bệnh đốm trắng, hoại tử gan, phân trắng thường xuyên xảy ra trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng tôm thương phẩm ở địa phương.
“Đến nay, do thời tiết không ổn định nên người dân đã tạm ngưng việc thả nuôi thủy sản, chỉ tập trung chăm sóc và thu hoạch diện tích đã thả nuôi trước đó”, ông Cửu nói.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết những tháng cuối năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác giám sát vùng nuôi thủy sản trên địa bàn.
Nếu phát hiện có trường hợp bất thường trên đối tượng nuôi cần báo ngay với chính quyền địa phương, đơn vị thú y thủy sản; từ đó có những biện pháp xử lý thích hợp nhằm hạn chế rủi ro về dịch bệnh, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản và vật tư nông nghiệp dùng trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Có thể bạn quan tâm
Theo ông Bình, cây iều trước đây là loại rất phổ biến ở địa phương theo kiểu ăn chơi. Do nước lũ, người dân đã chặt bỏ để trồng bắp, cà, sả… nên từ rất lâu không còn nghe ai nhắc đến và cây iều gần như “tiệt chủng”. Trong một lần đi học tập kinh nghiệm làm ăn ở các tỉnh miền Đông, gặp cây iều có cái tên là lạ, ông đã xin giống đem về trồng.
Cây nhãn Thạch Kiệt trồng khoảng 24 tháng là có thể xử lý cho trái. Giống nhãn này có nhiều ưu điểm như: Kháng được bệnh “chổi rồng”, cơm dầy, khô giòn, hạt nhỏ, thơm, trái sai, có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, thích nghi với thổ nhưỡng vùng đất ven sông Tiền.
Mô hình trồng chuối tiêu hồng bằng phương pháp cấy mô do UBND xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) thực hiện tại thôn Định Trường, với diện tích 1 ha, có 5 hộ tham gia. Các hộ dân được hỗ trợ 100% giá giống, phân bón và được tập huấn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh...
VASEP cho rằng cá hồi đông lạnh chủ yếu được NK về để phục vụ gia công xuất khẩu và cả tiêu thụ trong nước. Mặt hàng cá hồi hiện nay ở Việt Nam chưa phải là sản phẩm đã sản xuất được ở cấp độ hàng hóa, việc NK không mang tính cạnh tranh với sản xuất trong nước. Do đó, Hiệp hội đề xuất giảm mức thuế NK với cá hồi về 0% nhằm phong phú nguồn nguyên liệu chế biến gia công XK thủy sản.
Ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và ngành nông nghiệp các địa phương cùng các nhà vườn thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh vàng lá gân xanh trên cây cam sành, để khống chế sự lây lan bệnh trên cây có múi.