Thủy sản liên tục bị cảnh báo
Ngày 29-10, tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) thủy sản xuất khẩu sau khi nhận được hàng loạt cảnh báo từ các nước về những lô hàng của Việt Nam vi phạm ATTP.
Gặp khó vì... hóa chất
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nêu thực trạng trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản thuộc nhóm ngành có kim ngạch giảm sâu nhất, tới 17% so với cùng kỳ.
“Có nhiều nguyên nhân như tỉ giá, cung cầu thị trường nhưng nổi lên là sự chủ quan của doanh nghiệp (DN) dẫn đến chất lượng sản phẩm bị nhiễm hóa chất, kháng sinh.
Nếu không thay đổi, cánh cửa xuất khẩu sẽ bị thu hẹp” - ông Tám nhấn mạnh.
Tôm Việt Nam liên tục bị nước ngoài cảnh báo do nhiễm kháng sinh cấm hoặc hạn chế sử dụng.
Minh chứng cho điều này, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), cho biết 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam có 181 lô hàng bị nước ngoài cảnh báo (cả năm 2014 là 187 lô) về ATTP, gồm các chỉ tiêu như kháng sinh cấm sử dụng, kháng sinh hạn chế sử dụng, vi sinh và các cảnh báo khác.
Trong đó, tại thị trường Nhật Bản, cơ quan thẩm quyền nước này đã áp dụng chế độ kiểm tra chặt đối với các chỉ tiêu bị cảnh báo và có thể áp dụng biện pháp đình chỉ nhập khẩu nếu tình hình không cải thiện.
Lý do là 9 tháng đầu năm, nước này phát hiện 27 lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam bị nhiễm hóa chất, kháng sinh, tăng 1,28 lần so với cả năm 2014.
Mặt hàng bị phát hiện nhiều nhất là tôm (19 lô), nhóm chỉ tiêu bị cảnh báo tăng mạnh là hóa chất kháng sinh bị cấm (tăng 2,5 đến 3,7 lần).
Thị trường Liên minh châu Âu (EU) có 24 DN bị cảnh báo do sản phẩm nhiễm hóa chất, kháng sinh và có những DN bị cảnh báo tới 7 - 8 lô hàng.
Theo ông Tiệp, qua truy xuất nguồn gốc, xác định có 2 nguồn nhiễm chính là từ nuôi trồng, nông dân lạm dụng hóa chất kháng sinh và nhà máy chế biến sử dụng hóa chất với mục đích bảo quản.
“Hệ thống giám sát nội bộ của DN chưa chặt chẽ, nhiều nơi còn làm hình thức, gửi mẫu đến những phòng kiểm nghiệm chưa được công nhận dẫn đến kết quả không được tin cậy” - ông Tiệp nói.
Tôm ăn cả...sổ đỏ
Đại diện Xí nghiệp Chế biến thủy sản Việt Thắng (Nha Trang) cho biết đã xuất tôm đi Nhật từ năm 1997.
Đến năm 2010, Việt Thắng có 2 lô hàng bị cảnh báo nhiễm kháng sinh nên không còn xuất sang Nhật được.
Đến nay, Việt Thắng phải bỏ tôm chuyển sang làm ghẹ xuất khẩu để dễ kiểm soát hơn.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), vấn đề hiện nay là Việt Nam đang thiếu tôm sạch, phần nhiều bị nhiễm hóa chất, kháng sinh, tạp chất, vi sinh.
“Tại thị trường EU, tôm Việt Nam có lợi thế rất lớn so với Thái Lan do họ không được hưởng thuế ưu đãi (Thái Lan chịu thuế 12%, Việt Nam chỉ 4% và đang hạ về 0%) nên các hệ thống phân phối lớn của EU đang chuyển hướng tìm nguồn hàng ở Việt Nam.
“Thế nhưng nhiều DN đang có tôm trong kho thà để tồn chứ không dám xuất sang EU vì biết họ hậu kiểm chất lượng rất gắt, không đạt lập tức bị trả về, thiệt hại càng lớn hơn” - ông Lực nói.
Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc, nhận xét: Vấn đề cốt lõi là giá tôm xuất khẩu đang đi xuống trong khi chi phí đầu vào tăng.
DN đang “ép” người nuôi sử dụng chất cấm, kháng sinh vì chỉ có như vậy giá thành mới rẻ nhất.
“Ở nhiều nơi, nông dân nói rằng con tôm đang ăn cả...
sổ đỏ của họ chứ không phải thức ăn chăn nuôi.
Theo thống kê, ngành tôm Việt Nam đang có khoảng 2 triệu lao động liên quan, họ cần được sống trước khi đòi hỏi về tự giác tuân thủ các quy định” - ông Tuấn phân tích.
Theo ông Tuấn, để giải quyết vấn đề, cần nâng cao giá trị cho con tôm xuất khẩu thì mới tạo điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nếu cứ lao vào cuộc đua hạ giá thì ngành tôm không thể phát triển được.
“Những đơn hàng tốt, những thị trường tốt chúng ta đang đánh mất dần vì cuộc chiến giá rẻ.
Việt Nam là nước xuất khẩu tôm thứ 3 thế giới nhưng cũng như gạo, chưa có những DN có thương hiệu nên không thể bán giá cao.
Vì vậy, nhà nước cần tạo điều kiện để những DN đầu ngành xây dựng thương hiệu, từ đó dẫn dắt cả ngành đi lên” - ông Tuấn đề xuất.
Xuất khẩu không được, hàng đi đâu?
Ông Nguyễn Hải Triều, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Gió Mới (TP HCM), cho biết với vai trò là DN xuất khẩu, ông ủng hộ việc nhà nước tập trung quản lý tại đầu mối là DN.
Còn dưới góc độ công dân, ông cho rằng nhà nước phải có biện pháp quản lý vùng nuôi vì phần lớn kháng sinh bị nhiễm ở giai đoạn này.
“Con tôm bị dính hóa chất, kháng sinh, nhà máy không thu mua thì nó đi đâu? Dân trong ngành đều biết nó đang vào bụng người tiêu dùng nội địa.
Liệu người Việt Nam có khỏe mạnh hơn người nước ngoài để ăn những thứ độc hại này mà không bị bệnh hay ung thư hay không?” - ông Triều đặt vấn đề.
Có thể bạn quan tâm
Theo Sở NN&PTNT, diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm, trong đó có cây dừa và cây điều. Riêng đối với cây dừa, toàn tỉnh hiện có 9.353,7 ha, giảm 135,4 ha so với cùng kỳ năm trước.
Bà Lê Thị Kim Mai, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh hướng dẫn nông dân hoàn thành hồ sơ vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Tổng cục Thủy sản cho rằng, để đảm bảo phát triển bền vững ngành thủy sản nên tập trung đi theo hướng mới, trong đó có đầu tư nuôi cá biển.
Phí kiểm dịch lợn thịt cao nhất là 1.000 đồng/con còn phí kiểm soát giết mổ sẽ phụ thuộc công suất của cơ sở giết mổ.
Vòng đàm phán cuối cùng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc. Những gút mắc lớn nhất liên quan đến thời hạn bảo hộ bằng sáng chế dược phẩm cũng như hạn ngạch thuế cho xuất khẩu ô tô đã được thông qua.